Sổ tay của ông Trần Thanh Sơn - Trưởng phòng Tổ chức nhân sự Công ty TNHH May mặc Song Ngọc (quận Tân Bình) - luôn ghi chú thông tin rất chính xác về các mốc thời gian và di biến động của lực lượng lao động.

Sau khoảng 75 ngày thực hiện “3 tại chỗ”, doanh nghiệp đang lên kế hoạch thích ứng “mềm” khi có khả năng nền kinh tế TP.HCM sẽ được mở lại sau ngày 15/9. 

Do 35% công nhân đã nghỉ dần trong thời gian thực hiện “3 tại chỗ”, công ty thực hiện bổ sung nhân lực bằng việc nhập nguồn lao động bên ngoài đã được xét nghiệm vào và cho sản xuất tập trung ở một khu trung chuyển riêng. Sau thời gian nhất định, số lượng công nhân đó mới được trộn dần vào đội ngũ sản xuất hiện tại. Quy trình cứ thế nối tiếp cùng các mốc thời gian đảm bảo độ giãn phòng, chống dịch.

{keywords}
Kinh tế khu vực TP.HCM được mở lại là điều ai cũng mong đợi nhưng cần “chậm mà chắc”

Theo ông Sơn, doanh nghiệp đã lên kế hoạch này để chung sống với đại dịch và sắp tới sẽ duy trì phương án sản xuất cao hơn mức quy định của cơ quan nhà nước một bậc nhằm dự phòng các tình huống phát sinh. Mô hình “3 tại chỗ” vẫn được áp dụng ở thời điểm hiện tại và có biến đổi “mềm”.

“Mở cửa lại kinh tế đã nằm trong suy nghĩ của rất nhiều chủ doanh nghiệp. Nhưng phải mở từ từ. Khi công nhân của chúng tôi chưa được tiêm 2 mũi vắc xin, họ vẫn phải ở lại. Kinh tế quan trọng nhưng tính mạng con người là trên hết”, ông Sơn nói.

Quy trình an toàn để được sản xuất

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng nhận định, chủ doanh nghiệp rất mong muốn mở lại nền kinh tế nhưng việc mở cửa phải có lộ trình. Cơ quan nhà nước cần quy định cụ thể ngành nào mở cửa trước, ngành nào mở cửa sau.

Ông Dũng đề xuất có thêm “giấy phép” hay “quyền được sản xuất mùa dịch” và “giấy phép” này cũng chỉ được cấp từ từ. Giấy phép sẽ quy định rõ, chi tiết các thông tin của doanh nghiệp được phép hoạt động như: quy trình sản xuất, cung đường vận tải, sản phẩm liên quan, sản xuất ở mức độ nào,... và được cơ quan nhà nước chấp nhận, thông qua.

“Mở cửa là phải mở chắc chắn, nếu không sẽ gây tốn kém nhiều cho xã hội. Làm ra 1 đồng mà có thể phải chi tiêu 10 đồng chữa bệnh. Muốn nhanh thì phải từ từ. Tránh bị toang”, ông Dũng nêu quan điểm. 

Trong khi đó, tại Hội thảo “Giải pháp kinh tế và pháp lý tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp giai đoạn Covid-19” diễn ra mới đây, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM - ông Phạm Bình An, cho rằng, sống chung với dịch Covid-19 là không thể khác. Singapore có mô hình đi trước tốt, với chiến lược xác định rõ ràng. Việt Nam cần sẵn sàng hệ thống y tế, tổ chức sản xuất và ý thức thực hiện trong thời gian tới.

{keywords}
 Lực lượng công nhân sản xuất đóng vai trò lớn khi khôi phục nền kinh tế tới đây

Theo ông, cần trao quyền chủ động tổ chức sản xuất cho doanh nghiệp khi chung sống với dịch. Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ chống dịch giúp an toàn cho doanh nghiệp và người lao động đồng thời gỡ khó, vướng mắc để doanh nghiệp sống chung với dịch và phục hồi dần.

Cần tính đồng bộ khi mở lại nền kinh tế 

Trao đổi với PV. VietNamNet, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM (HBA), ông Nguyễn Văn Bé, cho biết, việc mở lại nền kinh tế là điều ai cũng muốn song đây là thời điểm không thể thực hiện “zero covid” - đưa hoàn toàn F0 ra khỏi cộng đồng như năm 2020.

Gần 700 nhà máy, doanh nghiệp đang hoạt động "3 tại chỗ”, “1 cung đường - 2 địa điểm” của 18 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao rất mong hồi phục lại kinh tế, nhưng cần chấp nhận thực tế sống chung với dịch. Dù miễn dịch cộng đồng có thể đã đạt được nhưng nơi này nơi kia vẫn có ca F0 ở mức thiểu số.

Đại diện HBA thông tin, cách đây 9 tuần, từ ngày 20-25/6, khoảng 300.000 công nhân của các khu chế xuất, khu công nghiệp đã được tiêm mũi 1 rồi thì giờ này phải tiếp tục được tiêm mũi 2. Đây là tuyến phòng ngự vững chắc. Khi người công nhân được tiêm 2 mũi rồi thì nhiễm bệnh cũng nhẹ và bản thân họ là một thành trì vững chắc trong sản xuất kinh doanh khi thị trường mở cửa.

Ngoài ra, Chủ tịch HBA đề xuất, cần hình thành bệnh viện dã chiến tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Có bệnh viện dã chiến sẽ tránh được tình trạng doanh nghiệp cả nghìn công nhân mà cứ có 4-5 ca F0 là đóng cửa nguyên nhà máy. Khi phát sinh F0 chỉ cần khoanh vùng dây chuyền, phân xưởng đó, bệnh viện dã chiến tại chỗ sẽ xử lý các khâu theo đúng quy trình Y tế.

Hơn nữa, 5K trong sản xuất cho tới sinh hoạt thường ngày của công nhân phải là quy tắc bất biến khi nền kinh tế mở lại.

Bên cạnh đó, mở kinh tế cần có lộ trình và mang tính đồng bộ. Nếu không có sự đồng bộ thì hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ gặp trục trặc. Ví dụ, người làm ra vải phải đợi doanh nghiệp may mặc, người nuôi trồng thủy hải sản phải đợi doanh nghiệp xuất khẩu thủy hải sản. Đây là vấn đề cần lưu tâm khi phục hồi kinh tế sau đại dịch.

“Các doanh nghiệp tuyển dụng lại, điều hành, vận hành và làm lại mọi chuyện chưa kể thị trường một số nơi, một số chỗ đã đứt gãy thời gian qua. Mặc dù máy móc, nhà xưởng vẫn vậy nhưng các doanh nghiệp như khởi nghiệp lần thứ hai. Chúng ta hy vọng vào những tháng còn lại cuối năm”, ông Nguyễn Văn Bé nói.

Trần Chung 

Bền bỉ chống chịu tổn thương, tính kế hồi sinh sau bão lớn

Bền bỉ chống chịu tổn thương, tính kế hồi sinh sau bão lớn

Nền kinh tế Việt Nam dù bị “tổn thương” do đại dịch Covid-19 từ tháng 5 đến nay, nhưng vẫn có những điểm sáng thể hiện sự bền bỉ của cộng đồng doanh nghiệp.