Những người thành công, hạnh phúc... không nhất thiết học ở trường tốt và những người tốt nghiệp Havard không phải tất cả đều hạnh phúc hay thành công!

Bài 4: Người phụ nữ Việt giành hai học bổng "khủng"
Bài 5: Du học sinh Việt và 'cơn lốc' ở Đông Âu

LTS: Tuần Việt Nam xin khép lại Chuyên đề Trao đổi, dịch chuyển và tị nạn với bài viết của TS Nguyễn Hoàng Ánh. Có thể chưa thật đầy đủ, nhưng chúng tôi hy vọng các phụ huynh/học sinh đã có được những thông tin đáng tham khảo khi đưa ra quyết định về tương lai của con em và của chính mình.

Giữa hai nền văn hóa

Năm 1998, tôi đã gặp một cô bé Việt là sinh viên năm thứ 2 ở Mỹ. Hồi đó đi du học ở Mỹ còn rất khó khăn nhưng do bố em từng cứu sống một sĩ quan Mỹ nên sau 1995 ông ấy đã quay lại tìm gia đình em và đề nghị trợ giúp. Ông vượt qua bao rào cản pháp lý để nhận em làm con nuôi rồi đưa qua Mỹ học.

Em bảo tôi là em rất may mắn nhưng nhìn em tôi không thấy như vậy. Em qua Mỹ từ lớp 11, đã ở Mỹ hơn 3 năm nhưng rất gầy yếu, trông bơ vơ như trẻ lạc. Em vui vẻ kể là ở đây rất tự do, em đi về không cần báo cáo, học về muộn thì tự mở tủ lạnh tìm đồ ăn, chỉ Chủ Nhật gia đình mới ngồi với nhau một lần.

Nhưng khi đã quen thân em kể là bố mẹ nuôi rất thương em nhưng nói chuyện không hiểu, cách sống khác nhau và ăn đồ Mỹ hoài ngán lắm. Em thèm nói tiếng Việt và rất cô đơn. Tôi cũng chứng kiến một số gia đình khá giả cho con đi du học từ phổ thông nhưng giữa chừng gia đình làm ăn sa sút, cháu phải quay về học ở Việt Nam và không sao thích nghi được, thậm chí có cháu muốn tự tử.

{keywords}
Du học sinh Việt Nam tại Mỹ. Ảnh: kenhtuyensinh.vn

Ngay cả những gia đình đủ khả năng chu cấp cho con đến cùng thì hầu hết phải ngậm ngùi chứng kiến cảnh con trở nên xa lạ với bố mẹ, có chị cay đắng nói với tôi là mất tiền còn mất cả con vì không còn có thể nói chuyện với nhau.

Bản thân đứa trẻ cũng không sung sướng vì chúng không biết mình là ai, người bản địa không tiếp nhận chúng còn chúng lại không thể chấp nhận làm người Việt.

Theo quan điểm của tôi, chỉ nên cho con đi du học từ bậc Đại học, khi đứa trẻ đã hình thành nhân cách và trưởng thành trong suy nghĩ ở một mức nhất định. Con người sinh ra để sống hạnh phúc, muốn vậy chúng phải học sống chứ không phải học chữ và chỉ gia đình mới có thể làm điều ấy. Chỉ những bố mẹ hiểu biết, cho con tiếp xúc với bên ngoài từ sớm, chuẩn bị kỹ năng cần thiết và duy trì sự giao tiếp thường xuyên với con mới có thể tránh được nguy cơ này.

Cuối cùng: du học để làm gì?

Chất lượng sống của du học sinh cũng có nhiều điều đáng phải bàn. Du học sinh trước 1991 thường đi theo tập thể nên thường sống dựa vào nhau và có người quản lý. Còn du học sinh sau 1991 thường đi lẻ, có khi cả trường không có sinh viên Việt nào nên chỉ biết dựa vào bản thân mình.

Du học sinh theo học bổng thường có chất lượng cao hơn, bớt nỗi lo chọn trường hay ngành học và bị áp lực của nhà tài trợ nên học hành nghiêm chỉnh hơn. Còn du học sinh tự túc thường đối mặt với nhiều nguy cơ hơn. Các em phải tự tìm trường, tự lo cuộc sống, những điều mà các em chưa từng có kinh nghiệm.

Chi phí sinh hoạt, học tập ở nước ngoài quá đắt đỏ nên nhiều em phải ra ngoài tìm việc làm. Vừa học vừa làm ở nước ngoài rất khó khăn, tôi từng gặp một du học sinh ở Pháp, em chỉ được tài trợ học phí và chút tiền hỗ trợ ký túc xá nên phải đi làm. Em khá nhỏ bé, là con gái một gia đình trung lưu ở Hà Nội, được bố mẹ nâng niu, nay phải đi rửa bát cho một quán phở, bị chủ quán phở vì ghét người Bắc nên mắng mỏ, sỉ nhục thường xuyên mà không dám bỏ việc vì kiếm việc rất khó.

Ngược lại, nhiều em sinh viên con nhà khá giả không bị áp lực nên không lo học hành, nệ hết cớ này đến cớ kia để xin tiền bố mẹ mà gia đình cũng không có cách nào kiểm soát được. Sinh viên cũng thiếu kỹ năng tự chăm sóc bản thân, nhiều em không biết nấu ăn, không biết tổ chức cuộc sống hay quản lý tài chính nên chất lượng sống thấp và sức khỏe không đảm bảo.

{keywords}
Du học sinh Việt tại Pháp. Ảnh: Zing

Tôi từng thấy một sinh viên ở Hàn vì tiết kiệm không chịu mua bảo hiểm y tế, lại không lo mặc ấm nên bị sưng phổi phải đi cấp cứu. Số tiền viện phí lên đến hơn 2000 USD, em không trả nổi nên lớp em phải kêu gọi quyên góp để giúp em nhưng vẫn phải vài tháng em mới trả hết nợ. Đấy cũng là một trong những vấn đề làm em xuống tinh thần đến mức phải bỏ học về nước. Thiếu sự chuẩn bị kỹ năng sống thì khó có chất lượng du học tốt.

Định hướng du học có lẽ là vấn đề lớn nhất của du học thời nay. Người Việt Nam quá coi trọng giáo dục có bằng cấp nên chỉ chăm chăm hướng con cái đến việc làm sao có cái bằng mang về. Rất ít người biết giáo dục có 2 hình thức: giáo dục chính thức là giáo dục trong nhà trường, dạy về các kiến thức khoa học và giáo dục phi chính thức là giáo dục ở gia đình và xã hội, dạy về kỹ năng sống.

Vì vậy tôi luôn ngạc nhiên khi thấy xã hội đổ hết lỗi về việc sinh viên kém kỹ năng sống cho nhà trường! Gia đình nào cũng nói con cái là gia tài lớn nhất của bố mẹ, sao bố mẹ lại khoán hết việc giáo dục con mình cho người ngoài???

Hơn nữa, trẻ em chỉ ở trường tối đa là 5- 8h/ngày, nhà trường làm sao chịu trách nhiệm hết được? Nếu bố mẹ không quá tập trung vào giáo dục chính thức, biết giành thời gian cho con cái sống với gia đình và với xã hội thì chúng mới phát triển toàn diện.

Chính vì vậy, bố mẹ cần biết du học nước ngoài không chỉ là học trong trường mà là học ngoài xã hội, học cách ứng xử văn minh, phong cách làm việc chuyên nghiệp của người ta. Thậm chí kiến thức trong trường sẽ nhanh chóng lạc hậu như với những du học sinh thời trước 1991 nhưng những gì người trẻ học được từ xã hội sẽ là hành trang theo chúng suốt đời và là chìa khóa thành công của chúng.

Vì vậy trước khi gửi con đi du học, bố mẹ và con cái cần suy xét kỹ mục đích du học là gì?

Tôi đã hỏi khá nhiều gia đình và chỉ nhận được câu trả lời chung chung là cho con đi học nước ngoài để có cơ hội có việc làm tốt hơn. Khi hỏi thế nào là công việc tốt thì câu trả lời là công việc không vất vả, ổn định, thu nhập khá và lại có cơ hội thăng tiến. Sao không nhận thức được không có trường nào làm được điều đó và để làm được thì nhiều khi không cần đi học!

Thời gian vừa qua xã hội xôn xao vì tin những sinh viên VN được học bổng đi học Havard, Stanford..., xuất hiện một phong trào đi hỏi gia đình và những sinh viên ấy về kinh nghiệm học thế nào để vào được trường ấy. Nhưng không ai tự đặt câu hỏi, cứ cho là mình thành công trong việc đưa được con trường ấy nhưng sau 4 năm học thì sao?

Những người thành công, hạnh phúc... không nhất thiết học ở trường tốt và những người tốt nghiệp Havard không phải tất cả đều hạnh phúc hay thành công! Chỉ khi nào phụ huynh và sinh viên trả lời được câu hỏi ấy thì du học mới thật sự đem lại sự phát triển bền vững cho cá nhân và cho đất nước.

Nguyễn Hoàng Ánh

Bài cùng tác giả: 

Thời xe Phượng Hoàng ngang vé... độc đắc

Cơn lũ hàng Trung Quốc là thực trạng của cả thế giới. Nhưng hàng Trung Quốc mà dân gian thường gọi là hàng Tàu trong ký ức của tôi không mang gương mặt xấu xí như vậy.

Tổ quốc dạy tôi yêu như thế!

Muốn yên thân nên đã có lần tôi định nhận là người nước khác. Nhưng tôi không thể mở miệng ra nói được, tôi cảm thấy nhục nhã nếu phải phủ nhận gốc rễ của mình. Và lúc ấy tôi mới hiểu ra rằng, tôi rất yêu nước.

Tại sao HQ, Singapore tránh được "lệ thuộc" TQ?

 Biến cố lịch sử Trung Quốc đe dọa biển đảo Việt Nam đã thúc đẩy chúng ta nhìn lại sự phụ thuộc của thị trường Việt Nam vào thị trường Trung Quốc.

Quan chức có cần giỏi ngoại ngữ?

"Phiên dịch là cầu nối với các nước khác. Nếu cái cầu ấy ọp ẹp, bấp bênh, ván lát rơi ra thì quan hệ quốc tế có thể "thụt chân" chứ chẳng chơi".