Tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất tịch thu phương tiện với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy thực hiện một trong các hành vi: Buông cả hai tay, dùng chân, ngồi về một bên, nằm trên yên xe, thay người điều khiển, quay người về phía sau hoặc bịt mắt điều khiển xe…

Theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, 6 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra 12.350 vụ tai nạn giao thông, trong đó số vụ tai nạn đối với nhóm tuổi dưới 18 chiếm 8,71%.

Ngoài ra, người điều khiển xe chạy bằng một bánh với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh với xe ba bánh (bốc đầu - PV) cũng sẽ bị tịch thu phương tiện. Tài xế có các hành vi trên còn bị trừ 12 điểm giấy phép lái xe.

Trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương (Trường Đại học Y tế công cộng) cho rằng, đua xe, lạng lách, bốc đầu… là những hành vi tham gia giao thông rất nguy hiểm. 

“Những hành vi này dẫn đến nhiều nguy cơ gây tai nạn cho bản thân và những người tham gia giao thông khác. Không những thế trong một số tình huống còn có tính chất kích động, lôi kéo người khác tham gia. Do đó, cần thiết phải có những chế tài phạt nặng nhằm ngăn ngừa”, PGS. TS Phạm Việt Cường nói.

Ảnh chụp Màn hình 2024 10 24 lúc 12.12.52.png
Nam thanh niên không đội mũ bảo hiểm bốc đầu xe máy trên nóc hầm Thủ Thiêm. Ảnh: Cắt từ Clip 

PGS. TS Phạm Việt Cường lấy dẫn chứng, tại một số nước phát triển, ô tô là phương tiện di chuyển chủ yếu nhưng nếu thanh thiếu niên đua xe, kích động lôi kéo nhiều người tham gia cũng sẽ bị phạt nặng như phạt tiền, thu giữ phương tiện, ghi vào hồ sơ, thậm chí bị phạt tù…

Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hiện nay hoàn toàn có cơ sở pháp lý để tịch thu các phương tiện giao thông khi người điều khiển phương tiện cố ý vi phạm gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Áp dụng biện pháp tịch thu phương tiện vi phạm trong xử lý vi phạm hành chính là hình thức răn đe mạnh mẽ để lập lại trật tự, an toàn giao thông.

“Bởi vậy, tôi đồng ý với đề xuất của Bộ Công an. Thực tiễn thời gian qua vi phạm về trật tự an toàn giao thông diễn ra rất phức tạp, đặc biệt là ở lứa tuổi thanh thiếu niên, nhiều trường hợp vi phạm nghiêm trọng đến mức phải xử lý hình sự về các tội gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép...

Trong khi đó, có những trường hợp chưa đến mức xử lý hình sự thì mức xử phạt hành chính cũng như các biện pháp hành chính theo Nghị định 100, Nghị định 123 chưa đủ sức răn đe, nên nhiều đối tượng nhờn luật.

Tăng chế tài xử lý cũng như bổ sung các hình thức xử lý nghiêm khắc hơn trong việc xử lý vi phạm hành chính đối với lĩnh vực giao thông đường bộ là cần thiết”, luật sư Đặng Văn Cường bày tỏ.

Xe mượn có bị tịch thu?

Trước đề xuất của Bộ Công an, một số người băn khoăn về trường hợp người vi phạm sử dụng xe đi thuê, mượn thì phương tiện này có bị tịch thu không.

Trên thực tế, nhiều thanh thiếu niên thường xuyên sử dụng xe máy của bố mẹ để thực hiện các hành vi mạo hiểm, nguy hiểm, gây mất an ninh trật tự mà không phải trường hợp nào cũng xử lý hình sự.

Trả lời vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, khi sửa đổi bổ sung các chế tài về các biện pháp hành chính cũng cần phải gắn trách nhiệm của chủ xe khi giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển để có những biện pháp xử lý cứng rắn hơn.

Theo đó, nếu phụ huynh giao xe mô tô, xe gắn máy, ô tô cho con em mình điều khiển mà vi phạm nghiêm trọng thì vẫn có thể tịch thu phương tiện này.

Luật sư lý giải, việc giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển là hành vi có lỗi, vi phạm luật giao thông đường bộ. Vậy nên người giao xe sẽ bị xử lý vi phạm hành chính, nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.