“Lô vũ khí này sẽ bao gồm 18 lựu pháo cỡ nòng 155mm, 18 phương tiện cơ giới kéo pháo và nhiều trang thiết bị khác. Đồng thời, chúng tôi cũng gửi thêm 3 hệ thống radar AN/TPQ-36 chống pháo kích. Lô vũ khí này sẽ sớm được gửi đi. Tôi hiện không thể nói rõ thời điểm lô khí tài này có mặt ở Ukraine”, trang web của Bộ Quốc phòng Mỹ dẫn lời phát ngôn viên John Kirby nói.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby. Ảnh: AP

“Việc gửi thêm lô vũ khí này đồng nghĩa với việc chúng tôi đã gửi 4,6 tỷ USD cho Ukraine kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên nắm quyền. Chúng tôi sẽ tiếp tục tham vấn với phía Ukraine về việc họ cần những loại khí tài quân sự nào”, ông Kirby nói thêm.

Theo hãng tin AP, lô vũ khí trị giá 100 triệu USD này tách biệt hoàn toàn với gói viện trợ quân sự trị giá 40 tỷ USD vừa được Thượng viện Mỹ thông qua trước đó. 

Ông Zelensky coi vùng Donbass như ‘địa ngục’

“Quân đội Nga đã phá hủy hoàn toàn vùng Donbass. Địa ngục đang hiện diện ở đó, và đây không phải là một sự cường điệu. Có 12 người dân đã thiệt mạng trong một vụ pháo kích ‘vô nghĩa’ nhằm vào thành phố Severodonetsk”, tờ The Independent của Anh dẫn lời của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói trong video được đăng tải đêm 19/5. 

“Đây là một động thái có chủ ý nhằm phá hủy nhà cửa, cơ sở xã hội và xí nghiệp của Ukraine càng nhiều càng tốt”, ông Zelensky nói thêm.

Thống đốc tỉnh Lugansk Sergiy Gaiday trong một tuyên bố sau đó đã tố cáo quân đội Nga sử dụng những loại khí tài quân sự hạng nặng để “bắn bừa” vào thành phố Severodonetsk. 

“Cuộc tấn công đã bắt đầu từ sáng sớm và tiếp tục cho đến tận đêm. Thông tin sơ bộ về số người thiệt mạng và bị thương do các cuộc pháo kích vẫn chưa được cập nhật, do chúng tôi không thể thống kê dưới tình hình mưa bom bão đạn. Tôi kêu gọi những người dân còn ở lại trong thành phố hãy chui xuống hầm trú ẩn”, ông Gaiday cho biết.

Hiện quân đội và chính quyền Nga chưa đưa ra phản hồi về những cáo buộc trên của phía Ukraine.

Chương trình Lương thực Thế giới cảnh báo nạn đói đối với 49 triệu người

“Có đến 49 triệu người ở 43 quốc gia đã bị nạn đói ‘gõ cửa”. Sự biến đổi khí hậu, trong đó gồm hạn hán và lũ lụt, cùng đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới an ninh lương thực, và tôi từng nghĩ rằng mọi chuyện sẽ không thể tồi tệ hơn”, Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) David Beasley nói với hãng tin AP.

“Nhưng rồi chiến tranh đã biến Ukraine, đất nước được coi là ‘vựa bánh mì của thế giới’, thành quốc gia có những dòng người chờ được phát lương thực. Do vậy, tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hãy dỡ bỏ việc phong tỏa các cảng của Ukraine, cũng như tăng cường việc sản xuất lương thực”, ông Beasley nói thêm. 

Theo hãng tin AP, đây không phải là lần đầu tiên Giám đốc điều hành WFP lên tiếng cảnh báo về nạn đói xảy ra trên toàn cầu do chiến sự Nga-Ukraine. Hồi tháng Ba, vị quan chức này từng khẳng định họ đã phải cắt giảm khẩu phần ăn của 125 triệu người trên toàn thế giới vì “giá thực phẩm, nhiên liệu và chi phí vận chuyển đang tăng lên”.

“Ukraine và Nga sản xuất 30% nguồn cung ứng lúa mì, 20% ngô và 75-80% dầu hạt hướng dương trên toàn cầu. WFP cũng mua 50% lượng ngũ cốc từ Ukraine. Chiến sự đang làm tăng chi phí hàng tháng của chúng tôi thêm 71 triệu USD do chi phí thực phẩm, nhiên liệu và phí vận chuyển tăng cao. Tổng số tiền đó sẽ là 850 triệu USD trong 1 năm”, ông Beasley khi đó tuyên bố.

Tuấn Trần