Mặc cho cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang cùng yêu sách sản xuất thiết bị tại Mỹ của Tổng thống Donald Trump, Applekhó có thể mang dây chuyền của mình về quê nhà.
Khó khăn nằm ở những con ốc vít
Năm 2012, CEO Tim Cook xuất hiện trên sóng truyền hình trong khung giờ vàng để thông báo Apple sẽ sản xuất máy Mac tại Mỹ. Đây sẽ là sản phẩm đầu tiên của Táo khuyết được các công nhân Mỹ sản xuất sau nhiều năm. Chiếc Mac Pro cao cấp sẽ khoác lên mình dòng chữ “Assembled in USA” (Được lắp ráp tại Mỹ).
Nhưng khi công ty bắt đầu sản xuất thiết bị giá 3.000 USD này tại Austin, Texas, khó khăn bắt đầu xảy ra, lại là cái khó rất hy hữu: Ba nhân viên làm việc trong dự án tại Austin không thể tìm đủ nguồn cung ốc vít cho máy Mac.
Ở Trung Quốc, Apple có một số đối tác có khả năng sản xuất lượng lớn ốc vít theo yêu cầu trong thời gian ngắn. Nhưng với Texas, nơi mọi thứ đều lớn hơn, lại chẳng thể "bói" ra được nhà cung ứng ốc vít nào.
Quá trình thử nghiệm phiên bản máy Mac mới bị cản trở bởi xưởng cơ khí 20 nhân viên hiện có chỉ sản xuất tối được đa 1.000 ốc vít mỗi ngày.
Đây là một trong rất nhiều vấn đề khiến đợt giao hàng Mac sản xuất tại Mỹ bị trì hoãn trong nhiều tháng. Khi Mac vào thời điểm sản xuất quy mô lớn, Apple đã phải đặt hàng ốc vít từ Trung Quốc.
Những thách thức ở Texas cho thấy vấn đề mà Apple sẽ gặp phải nếu cố gắng đưa lượng lớn dây chuyền của họ ra khỏi Trung Quốc. Táo khuyết giờ đã nhận ra rằng không một quốc gia nào, kể cả Mỹ, có thể so với Trung Quốc về quy mô, kỹ năng, cơ sở hạ tầng và chi phí sản xuất.
Apple đã tăng cường tìm kiếm nhiều phương án nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Ấn Độ và Việt Nam là những cái tên nằm trong số này. Bản thân công ty cũng lo ngại việc quá phụ thuộc vào dây chuyền tại Trung Quốc có thể dẫn tới rủi ro trong bối cảnh chiến tranh thương mại ngày càng leo thang.
"Người Trung Quốc có kỹ năng tốt đến mức khó tin", Tim Cook nói trong một hội nghị tại Trung Quốc cuối 2017, "Để sản xuất thiết bị Apple, bạn phải có những cỗ máy tinh vi cùng những người biết cách điều khiển chúng".
"Tại Mỹ, nếu tổ chức buổi gặp mặt các kỹ sư gia công, tôi còn không chắc sẽ đủ người lấp đầy phòng họp. Nhưng ở Trung Quốc, bạn có thể phủ kín nhiều sân bóng đá", ông nói.
Kỹ năng, cơ sở hạ tầng, chi phí nhân công....
Quá trình lắp ráp phần cuối là giai đoạn tốn nhiều công sức nhất. Do đó, việc đặt dây chuyền này ở đâu sẽ là nơi quyết định xuất xứ sản phẩm nhằm đánh thuế.
Tim Cook thường phản đối ý kiến cho rằng iPhone được sản xuất ở Trung Quốc. Apple cũng nói rằng Corning, với nhà máy ở Kentucky, sản xuất nhiều màn hình iPhone cùng một công ty ở Allen, Texas đã làm ra công nghệ laser cho hệ thống nhận diện khuôn mặt.
Cook lập luận rằng lao động giá rẻ là lý do Apple còn đặt dây chuyền tại Trung Quốc . Mức lương tối thiểu của công nhân nhà máy lắp ráp iPhone lớn nhất thế giới ở Trịnh Châu, Trung Quốc vào khoảng 2,1 USD/giờ, bao gồm cả phúc lợi. Mức khởi điểm cho công nhân lắp ráp sản phẩm là 3,15 USD/giờ. Trong khi số tiền phải trả cho lực lượng nhân công như vậy tại Mỹ lại cao hơn đáng kể.
"Chẳng ai lại đầu tư dây chuyền sản xuất ốc vít ở Mỹ, bởi những linh kiện như thế có thể mua với giá rất rẻ ở nước ngoài", Stephen Melo, chủ sở hữu kiêm chủ tịch Caldwell Manufacturing, đơn vị cung ứng một phần ốc vít cho Apple tại Mỹ cho biết.
Một cựu quản lý Apple dấu tên nói rằng quy mô của các công ty cung ứng tại Mỹ nhỏ hơn nhiều so với tại Trung Quốc. Những công việc tại Trung Quốc cũng được rất nhiều công nhân hoàn thành. Trong khi ở Texas, công nhân thường xuyên bị quá tải, tiến độ công việc vì thế cũng bị chậm đi.
Công nhân Mỹ cũng không sẵn sàng làm cả ngày lẫn đêm. Ở Trung Quốc, lao động chấp nhận làm việc cả ngày, hoặc có nhiều ca làm việc trong mọi khung giờ cho người phù hợp.
"Không chỉ giá nhân công rẻ, các chủ lao động tại Trung Quốc còn có thể ép lao động làm thêm giờ. Bạn có thể sắp xếp 100.000 người làm việc cả đêm cho mình. Đây là điều cần có trong chiến lược triển khai sản phẩm", Susan Helper, giáo sư kinh tế Đại học Case Western Reserve cho biết.
Bà Susan cho rằng Apple có thể sản xuất nhiều hơn tại Mỹ nếu chịu đầu tư thời gian, tiền bạc, các loại robot và kỹ sư chuyên ngành thay vì nhân công giá rẻ. Chính phủ và cả ngành công nghiệp nước này cũng cần phải cải thiện đào tạo nghề, phát triển cơ sở hạ tầng các chuỗi cung ứng.
"Rất khó để tất cả những yếu tố trên cùng diễn ra", bà Susan nói.
Apple sẽ lắp ráp Mac Pro tại nhà máy ở ngoại ô Austin, vì họ đã đầu tư ở đây những cỗ máy đắt tiền phức tạp. Nhưng doanh số Mac Pro vẫn sẽ không khả quan nổi bởi từ khi ra mắt vào năm 2013, Apple không hề cập nhật cho nó bất cứ điều gì.
Tháng 12/2018, Apple thông báo tuyển thêm 15.000 công nhân cho văn phòng tại Austin, cách nhà máy Mac Pro khoảng 1,6 km. Tuy nhiên, sẽ không một nhân công nào trong số này được dành cho các dây chuyền sản xuất.
Theo Zing