Ông Biden mới 12 tuổi vào năm 1955 khi Dwight Eisenhower và Nikita Khrushchev có cuộc tiếp xúc song phương đầu tiên giữa các lãnh đạo Mỹ và Liên Xô ở Geneva, Thụy Sỹ. Ông Biden là thượng nghị sĩ 42 tuổi đang phụ trách vấn đề về kiểm soát vũ khí vào thời điểm Ronald Reagan ngồi vào bàn hội đàm với Mikhail Gorbachev lần đầu tiên ở chính thành phố nói trên, bước đi đầu tiên hướng tới việc chấm dứt Chiến tranh Lạnh.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin chụp hình lưu niệm trước khi hội đàm kín tại Geneva ngày 16/6. Ảnh: Washington Post |
Vào ngày 16/6, trên cương vị Tổng thống Mỹ, đến lượt ông Biden có cuộc tiếp xúc với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin. Tuy nhiên, dù cùng địa điểm tổ chức nhưng bối cảnh sự kiện đã khác. Đây không phải là cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai siêu cường đang nắm giữ vận mệnh của thế giới trong tay và cũng không phải là một nỗ lực để thiết lập lại mối quan hệ như cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng cố gắng.
Theo báo The Economist, mục đích của hội nghị thượng đỉnh Biden - Putin là kiểm soát sự đối đầu đang tiếp diễn bằng cách củng cố các lằn ranh đỏ, làm rõ những quy tắc tương tác và đo lường điểm yếu của nhau. Thỏa thuận cụ thể duy nhất là bắt đầu một vòng đàm phán hạt nhân mới và đưa các đại sứ trở lại thủ đô của nhau. Đại sứ hai bên đã được triệu hồi về nước để tham vấn vào tháng 3, sau khi Mỹ cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2020. Đây đều là những thắng lợi nhỏ nhưng chắc chắn.
Sự quay trở lại với ngoại giao truyền thống thực tế khiến dư luận thở phào nhẹ nhõm, đồng thời cho thấy mối quan hệ song phương đã trở nên khó khăn ra sao kể từ khi Nga sáp nhập Crưm. Hội nghị là sự từ bỏ tâm lý căng thẳng xoay quanh mối quan hệ giữa cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump với ông Putin. Các nhà ngoại giao Mỹ từng e sợ khi nhớ lại cuộc họp báo ở Helsinki (Phần Lan), khi ông Trump tuyên bố không có lý do gì để mất lòng tin vào ông Putin.
Lần này, hai nguyên thủ không có cuộc họp báo chung. Nhưng sau khi hội đàm hơn 4 tiếng trong một biệt thự cổ, ông Putin và ông Biden đã biết được quan điểm của người kia.
Lãnh đạo Nhà Trắng đặt cuộc gặp với người đứng đầu Điện Kremlin trong bối cảnh khôi phục đoàn kết trong nhóm 7 nền kinh tế tiên tiến (G7) và tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Phong thái và cách hùng biện của ông nhằm làm nổi bật sự khác biệt với người tiền nhiệm Trump. Mục tiêu của ông là "khôi phục sự ổn định và khả năng dự đoán được" cho mối quan hệ Mỹ - Nga.
Vấn đề là, lời nói có vẻ cứng rắn của ông Biden được tin là sự thay thế, không phải là tiền đề cho hành động cứng rắn. Do đó, cuộc gặp song phương về khía cạnh này có thể mang tính biểu tượng nhiều hơn là kết quả cụ thể.
Hồi tháng Ba, tức là 2 tháng sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông Biden đã có lời nói không tốt đẹp về ông Putin. Ông Putin chỉ mỉm cười, đáp lại bằng lời chúc ông Biden sức khỏe tốt và đề xuất hai người nên gặp gỡ, rồi tranh luận trên truyền hình. Nhà Trắng phản hồi rằng, ông Biden có nhiều thứ tốt đẹp hơn phải làm vào cuối tuần.
Vài tuần sau, ông Putin điều động một đội quân khổng lồ tới khu vực biên giới giáp phía đông Ukraina. Những dấu hiệu cảnh báo chiến tranh Nga - Ukraina đã thu hút sự chú ý của Tổng thống Mỹ và ông đề xuất hội nghị thượng đỉnh song phương với người đứng đầu Điện Kremlin.
Sau đó, ông Biden đã trao cho ông Putin một chiến thắng nữa khi bất chấp sự phản đối của các trợ lý hàng đầu để từ bỏ việc áp lệnh trừng phạt đối với một trong những công ty đứng sau dự án đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Dòng chảy phương Bắc 2 mà Nga đang xây dựng dưới biển Baltic sang Đức, bỏ qua Ba Lan và Ukraina. Ông Biden ám chỉ đây không phải là sự nhượng bộ đối với Nga, mà là đối với Đức và tình hình thực tế (đường ống đã hoàn thành 90%).
Dẫu vậy, ông Putin và Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, người chỉ biết về quyết định của Mỹ qua các phương tiện truyền thông, coi đây là một thắng lợi lớn dành cho Nga.
Tổng thống Putin từng báo hiệu, ông cũng quan tâm đến một mối quan hệ "có thể đoán trước và ổn định". Nhưng theo ông, điều đó có nghĩa Mỹ nên tránh xa các vấn đề nội bộ của Nga. Giới quan sát chỉ ra rằng, nếu ông Biden cần giảm bớt căng thẳng với Nga để có thể tập trung vào một cuộc cạnh tranh cấp bách hơn với Trung Quốc, ông Putin cũng cần một hình thức hòa hoãn với Mỹ để có thể tập trung vào vấn đề nội bộ, củng cố quyền lực.
Trong khi ông Biden, giống như cựu Tổng thống Obama trước đây, coi Nga là yếu tố gây xao nhãng, ông Putin lại coi Mỹ và các giá trị của nước này như mối đe dọa hiện hữu. Trong cuộc họp báo riêng sau hội nghị thượng đỉnh với ông Biden, ông Putin đã chỉ ra những bất công nội tại ở xứ sở cờ hoa.
Ít nhất cho tới hiện tại, những cố gắng của ông Putin dường như được đền đáp bằng tiến triển về các thỏa thuận hạt nhân và sự trở lại của các đại sứ.
Tuấn Anh
Chiến thắng ngoại giao lớn của ông Putin
Kể cả trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp gỡ người đồng cấp Nga Vladimir Putin, kỳ vọng về một sự đột phá của hội nghị là rất thấp.
Nga, Mỹ khó tan băng sau hội nghị thượng đỉnh Biden - Putin?
Giới phân tích cho rằng cuộc gặp sắp diễn ra giữa các tổng thống Mỹ, Nga sẽ "nhàm chán" do cả hai đều thận trọng sau thất bại của hội nghị thượng đỉnh song phương năm 2017.