Bắc Kinh lo ngại đòn trả đũa này sẽ phản tác dụng, gây bất an cho các công ty nước ngoài và rốt cục gây thiệt hại cho chính nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Hồi giữa tháng 5, Bộ Thương mại Mỹ ban hành một quy định sửa đổi về kiểm soát xuất khẩu. Theo đó, bộ này yêu cầu các công ty bán dẫn nước ngoài, đang sử dụng phần mềm và công nghệ Mỹ để thiết kế và sản xuất các sản phẩm chip, phải xin giấy phép của Mỹ trước khi bán một số sản phẩm chip nhất định cho Huawei hoặc các công ty liên kết với Huawei như Công ty bán dẫn HiSilicon. Điều này có nghĩa là Bộ Thương mại Mỹ có quyền ngăn cấm họ bán chip cho Huawei nếu thấy cần thiết.

Lúc đó, tờ Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) đăng bài xã luận cảnh báo Trung Quốc đã sẵn sàng đưa các công ty Mỹ như Apple, Cisco Systems, Qualcomm, Boeing... vào danh sách “các công ty nước ngoài không đáng tin cậy”, hay còn gọi là danh sách đen, để tiến hành điều tra và áp đặt các hạn chế thương mại đối họ.

{keywords}
Mỹ đang nỗ lực chặn đựng nguồn cung chip của Huawei trên toàn cầu bằng cách cấm các công ty bán dẫn nước ngoài, đang sử dụng phần mềm và công nghệ Mỹ, bán các sản phẩm chip cho Huawei. Ảnh: AP

Theo báo chí Trung Quốc, “những công ty nước ngoài không đáng tin cậy” là những công ty gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích các doanh nghiệp Trung Quốc hoặc đe dọa an ninh quốc gia Trung Quốc. Tuy nhiên, cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa có chính thức công bố danh sách đen này.

Tờ South China Morning Post hôm 13-6 dẫn một nguồn tin gần gũi với chính phủ Trung Quốc cho hay: “Trung Quốc suýt công bố danh sách đen nhưng vào phút cuối, nước này quyết định giữ danh sách này lại và chờ đợi”.

Sự thận trọng của Bắc Kinh xuất phát từ nỗi lo tăng trưởng kinh tế đang đổ gãy và mong muốn giữ ổn định đầu tư nước ngoài trong bối cảnh ngày càng có nhiều công ty nước ngoài cân nhắc giảm sự phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng ở Trung Quốc, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19 và sức ép ngày càng gia tăng từ Nhà Trắng.

Sự kiềm chế đó thể hiện rõ ràng trong cuộc họp báo bế mạc kỳ họp Quốc hội thường niên Trung Quốc vào cuối tháng 5. Tại cuộc họp báo đó, Thủ tướng Lý Khắc Cường tránh dùng những ngôn từ công kích Mỹ đồng thời kêu gọi hợp tác kinh tế với Mỹ.

Trung Quốc cũng xem đầu tư nước ngoài và ngoại thương là hai trong các ưu tiên quan trọng trong năm nay khi nước này tìm cách hồi phục các tổn thương kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra.

Thực ra, ngay từ tháng 5 năm ngoái, sau khi Mỹ đưa Huawei vào một danh sách đen nhằm cấm các công ty Mỹ làm ăn với Huawei nếu chưa có giấy phép, Bắc Kinh đã răn đe sẽ đưa ra một danh sách đen tương tự nhằm vào các công ty nước ngoài không đáng tin cậy.

Hãng giao nhận FedEx của Mỹ được cho là một trong những công ty Mỹ đầu tiên bị nhắm đưa vào danh sách đen. Lúc đó, Trung Quốc cho biết sẽ điều tra cáo buộc FedEx vận chuyển súng đến Trung Quốc cũng như chuyển hai gói hàng từ Nhật Bản sang Mỹ thay vì địa chỉ nơi đến là Huawei ở Trung Quốc.

Song kể từ đó, Trung Quốc vẫn không có động thái chính thức nào về danh sách đen dù nhiều công ty nước ngoài ngày càng trở nên bất an, không rõ Trung Quốc sẽ triển khai danh sách này ra sao.

Nguồn tin gần gũi với chính phủ Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đã hoàn tất các nội dung chi tiết của danh sách đen vào cuối năm ngoái nhưng “nhín” công bố vì lo ngại phản ứng tiêu cực của các doang nghiệp nước ngoài, khiến Trung Quốc trở thành một nơi kém hấp dẫn để đầu tư.

Khi Mỹ áp đặt quy định kiểm soát nguồn cung chip trên toàn cầu đối với Huawei vào giữa tháng 5, Trung Quốc một lần nữa dọa sẽ công bố danh sách đen nhằm vào các công ty Mỹ.

Nhưng nhà phân tích Dan Wang ở Công ty nghiên cứu kinh tế Gavekal Dragonomics, nhận định Trung Quốc sẽ không công bố các biện pháp trả đũa sớm và Trung Quốc có thể không đủ sức chịu đựng các hậu quả có thể xảy ra khi trừng phạt các công ty Mỹ.

Trong bản báo cáo nghiên cứu mới đây, Wang viết: “Dù tâm lý chủ nghĩa dân tộc đang dâng cao ở trong nước nhưng dường như Trung Quốc chưa sẵn sàng sàng vứt bỏ nỗ lực trong nhiều thập kỷ qua nhằm xây dựng nước này trở thành một nơi đầu tư hấp dẫn đối với các nhà sản xuất nước ngoài. Phản ứng chính thức của Trung Quốc đối với đòn trừng phạt mới nhất của Mỹ nhằm vào Huawei là im lặng”.

Wang cho biết Bắc Kinh không vội vã trả đũa nhưng cần dung hòa gữa việc chiều lòng công luận trong nước vốn đang đòi hỏi phản ứng mạnh mẽ với nhiệm vụ ổn định nền kinh tế và duy trì đầu tư nước ngoài.

Ông nói: “Hiện nay, tất cả các dấu hiệu đều cho thấy Trung Quốc ưu tiên ổn định hơn trả đũa”. Ông cho rằng trong hai tháng qua, Bắc Kinh đã chuyển trọng tâm sang nỗ lực mang tính dài hạn để ngăn ngừa tổn hại cho hệ sinh thái công nghiệp của Trung Quốc do mất mát đầu tư nước ngoài.

Giới quan sát cũng cho rằng các doanh nghiệp Mỹ, vốn từng nỗ lực hàn gắn các xung đột thương mại Mỹ-Trung, giờ đây cũng im hơi lặng tiếng. Trong khi đó, tốc độ mở cửa thị trường chậm chạp ở Trung Quốc đang làm xói mòi sự kiên nhẫn của các công ty nước ngoài.

Nguồn tin gần gũi với chính phủ Trung Quốc cho biết Trung Quốc cần cải thiện mối quan hệ với phần còn lại của thế giới bằng cách giảm thái độ hung hăng, hồi phục uy tín vốn bị sứt mẻ ít nhiều liên quan đến cách nước này xử lý dịch Covid-19 ở giai đoạn đầu và tiến hành các biện pháp giải quyết các phàn nàn của các doanh nghiệp nước ngoài. Nguồn tin này cảnh báo nếu giới lãnh đạo Trung Quốc không xây dựng được sự hồi phục kinh tế vững chắc trong hai năm tới, họ có thể đối mặt với sức ép chính trị lớn ở trong nước.

Dù vậy, Alex Capri, nhà nghiên cứu ở Công ty dịch vụ tài chính Hinrich Foundation (Hồng Kông), cảnh báo Trung Quốc vẫn có thể tiến hành các động thái trả đũa nhằm vào các công ty Mỹ bao gồm điều tra, kiểm toán, hạn chế kinh doanh và hoạt động tại thị trường Trung Quốc, thu hồi giấy phép kinh doanh, tiến hành các vụ kiện và gia tăng các vụ tấn công mạng.

“Các công ty đa quốc gia sẽ đối mặt với môi trường kinh doanh ngày càng trở nên thù địch ở Trung Quốc, đặc biệt nếu họ bị xem là hỗ trợ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ nhằm vào các công ty Trung Quốc”, Capri nhận định.

(Theo South China Morning Post/ TBKTSG Online)