Sáng 25/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (Ủy ban) chủ trì Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) và tổng kết hoạt động năm 2022, triển khai các nhiệm vụ năm 2023 và trong thời gian tới của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

Báo cáo của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số về việc thực hiện Đề án 06 và triển khai chuyển đổi số năm 2022 cho thấy trong năm, công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Đề án đã được Chính phủ, Tổ công tác triển khai Đề án tập trung chỉ đạo quyết liệt.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức 2 Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai Đề án và Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng triển khai Đề án 06; đưa việc thực hiện Đề án 06 vào nội dung các phiên họp Chính phủ thường kỳ để đôn đốc, chỉ đạo thực hiện; đã ban hành 9 Nghị quyết về phiên họp thường kỳ và 16 Thông báo chỉ đạo Đề án 06.

Một lớp học ở vùng cao 

Chính phủ, Ủy ban tổ chức 18 cuộc họp với các bộ ngành, đôn đốc 5 nhóm vấn đề; ban hành 2 Chỉ thị, 1 Công điện chỉ đạo về Đề án 06; tổ chức các cuộc kiểm tra, khảo sát việc thực hiện Đề án tại nhiều tỉnh, thành phố, bộ, ngành...

Thông qua đó, nhận thức và hành động về chuyển đổi số quốc gia tiếp tục chuyển biến tích cực, có sự lan tỏa ở các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là người đứng đầu. Hoạt động quản lý nhà nước từ phương thức truyền thống sang môi trường số được đẩy mạnh và đạt một số kết quả bước đầu. Nhiều sản phẩm, dịch vụ số phục vụ người dân, doanh nghiệp kịp thời, hiệu quả.

Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý cho chuyển đổi số được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt kết quả tích cực. Đã có 16 văn bản quan trọng về chuyển đổi số được ban hành trong năm 2022, nhất là Chiến lược Quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; 100% bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương đã ban hành chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số giai đoạn 5 năm.

Hạ tầng công nghệ thông tin, các nền tảng số tiếp tục được phát triển ở Trung ương và địa phương, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chuyển đổi số. Tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định và di động đều tăng so với cùng kỳ, xếp lần lượt thứ 45 và 52, cao hơn mức trung bình của thế giới. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối đến tận các phường, xã, thị trấn.

Các hệ thống thông tin cấp quốc gia như trục liên thông văn bản quốc gia, hệ thống phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ - eCabinet, Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành đã được triển khai và phát huy hiệu quả bước đầu. Có 48/63 địa phương đã triển khai Trung tâm giám sát, điều hành thông minh cấp tỉnh.

Các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai, kết nối, chia sẻ; tạo tiện ích trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.

Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ năm 2022 đạt 7,5%, vượt mục tiêu đề ra. Có trung bình 40 triệu người dùng/tháng sử dụng 3 nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam, tăng 43%; có 2,7 triệu thuê bao sử dụng dịch vụ Mobile Money, tăng hơn 7,3 lần.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương; sự chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số với vai trò nòng cốt của lực lượng Công an nhân dân; sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp. Nhờ đó, năm 2022 đã hoàn thành 9/12 chỉ tiêu và 101/107 nhiệm vụ trong Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; hoàn thành 45/56 nhiệm vụ theo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại các Phiên họp trước; hoàn thành 59/225 nhiệm vụ của Đề án 06 và đang tiếp tục triển khai 166 nhiệm vụ.

Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, bên cạnh kết quả đạt được, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận còn nhiều tồn tại, hạn chế. Theo đó, nhiều lãnh đạo ban, bộ, ngành, địa phương chưa coi chuyển đổi số nhiệm vụ trọng tâm; thể chế, cơ chế, chính sách để hoàn thiện môi trường pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số còn chưa đầy đủ, chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn; hạ tầng số, các nền tảng số quốc gia chưa hoàn thiện; nhiều cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành triển khai còn chậm, chia cắt; chất lượng, hiệu quả trong cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao còn hạn chế; chuyển đổi số còn khoảng cách lớn giữa thành thị và nông thôn...

"Hiện nay, cả nước có 266 thôn, bản còn thiếu điện, thiếu sóng internet, đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tập trung chỉ đạo các tập đoàn, đơn vị, cơ quan liên quan trong năm 2023 phải đưa điện, internet tới các thôn bản này để 100% thôn, bản trên toàn quốc có điện, sóng internet, tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau", Thủ tướng yêu cầu.

"Hiện nay, cả nước có 266 thôn, bản còn thiếu điện, thiếu sóng internet, đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tập trung chỉ đạo các tập đoàn, đơn vị, cơ quan liên quan trong năm 2023 phải đưa điện, internet tới các thôn bản này để 100% thôn, bản trên toàn quốc có điện, sóng internet, tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau", Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, năm 2023 dự báo thời cơ, thuận lợi và khó khăn thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, lớn hơn. Nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia rất nặng nề, đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt.

Duy Linh, Minh Hưng, Thanh Bình, Lê Nhung, Hồng Hạnh