W-Chợ cá Hạ Long 1 (used).jpg
Quảng Ninh đã và đang tập trung phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái biển. Ảnh: Lê Anh Dũng

Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nhanh, bền vững kinh tế biển tỉnh Quảng Ninh giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo dự thảo Nghị quyết và Đề án Phát triển nhanh, bền vững kinh tế biển tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phấn đấu đến năm 2030, Quảng Ninh trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển bền vững của cả nước trên cơ sở phát triển du lịch - dịch vụ kết nối khu vực và quốc tế; đầu tư xây dựng hệ thống cảng biển, các âu tàu du lịch đẳng cấp quốc tế gắn với phát triển các khu đô thị biển - ven biển và là một trong những trung tâm logistics trọng điểm, tạo động lực phát triển mạnh cho vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế biển trung bình trên 10%/năm, đóng góp vào GRDP của tỉnh đạt 25%.

Quảng Ninh có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển. Chính vì vậy, thời gian qua, tỉnh đã luôn chú trọng đầu tư các nguồn lực, từng bước đưa Quảng Ninh trở thành một trung tâm kinh tế biển bền vững của cả nước trên cơ sở phát triển du lịch - dịch vụ kết nối khu vực và quốc tế.

Để trở thành một trung tâm kinh tế biển bền vững, tỉnh cũng đã và đang tập trung phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; tăng cường quản lý tổng hợp, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực kinh tế biển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, phát huy tiềm năng, lợi thế của biển.

Với mục tiêu, tầm nhìn, các khâu đột phá và nhiệm vụ chủ yếu nhằm phát triển nhanh, bền vững kinh tế biển, hiện nay, tỉnh tiếp tục lấy ý kiến góp ý, phản biện, bổ sung nhiều nội dung liên quan đến phát triển hiệu quả các khu kinh tế biển, phát triển du lịch biển xanh, bền vững; quản lý hoạt động nuôi biển; hiệu quả hệ thống cảng, bến; đánh giá sức tải; tỷ lệ thu gom rác, nước thải và đảm bảo an ninh trật tự, an ninh quốc phòng trên vùng biển Quảng Ninh…

PV