Mất mùa vẫn thắng lớn

2018 là năm bội thu của người nông dân trồng vải thiều trên đất Bắc Giang. Năm ngoái, vải thiều được mùa chưa từng có, trong khi thị trường được mở rộng, giá ổn định, nông dân thoát cảnh được mùa mất giá. Cụ thể, kết thúc vụ vải 2018, Bắc Giang xuất bán 215 ngàn tấn vải thiều, thu về gần 5.800 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ vải đạt khoảng 3.500 tỷ, còn lại là doanh thu từ các ngành dịch vụ phụ trợ.

Theo ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang, đó là năm vải thiều cho doanh thu cao nhất từ trước tới nay.

Nhưng sang năm 2019, vải thiều Bắc Giang còn tạo nên kỳ tích mới. Dù bị mất mùa, sản lượng giảm gần một nửa so với năm 2018 nhưng doanh thu lại tăng khoảng 500 tỷ đồng.

{keywords}
Mất mùa nhưng nông dân trồng vải vẫn thắng lớn, thu về 6.300 tỷ đồng

“Tính đến thời điểm hiện tại, tổng sản lượng vải thiều đã tiêu thụ là trên 138 ngàn tấn. Dự kiến còn khoảng 5-7 ngày nữa sẽ hết vụ với tổng sản lượng ước đạt 145,6 ngàn tấn. Nhờ đó, chỉ trong vòng 2 tháng thu hoạch, người nông dân thu được khoảng 6.300 tỷ đồng”, ông Tấn khoe.

Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, giá vải thiều năm 2019 luôn ổn định ở mức cao. Vải thiều chính vụ giá dao động từ 30.000-50.000 đồng/kg; vải sớm ở Lục Ngạn từ 40.000-60.000 đồng/kg. Thời kỳ cao điểm, giá vải sớm loại đẹp tại Lục Ngạn có lúc bán được trên 70.000 đồng/kg.

Đáng chú ý, không chỉ bán được giá cao mà thương lái còn tranh nhau tới Bắc Giang thu mua vải thiều. Cụ thể, đầu vụ chỉ có khoảng 260 thương nhân Trung Quốc sang kết hợp với các thương nhân Việt Nam đặt điểm cân thu mua vải thiều của bà con nông dân rồi xuất sang Trung Quốc. Đến giữa vụ vải con số này đã lên tới 400 thương nhân. Kéo theo đó, số điểm cân trên toàn tỉnh tăng lên tới trên 500 điểm lớn nhỏ, trong đó tập trung chủ yếu tại địa bàn huyện Lục Ngạn, Lục Nam.

Ngoài thương lái Trung Quốc “ăn hàng”, quả vải thiều đặc sản của Bắc Giang còn được xuất khẩu theo đường chính nghạch sang một số nước khu vực như: Trung Đông, EU, Nga, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singgapo, Thái Lan, Úc,... với tổng sản lượng xuất khẩu (tính cả thị trường Trung Quốc) chiếm khoảng 54,6%.

Trong khi đó, quả vải tươi cũng được tiêu thụ toàn quốc. Điển hình là ở thị trường các tỉnh phía Bắc, thành phố lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, TP.HCM và các tỉnh phía Nam thông qua các kênh phân phối là chợ đầu mối và siêu thị. Theo đó, sản lượng vải thiều tiêu thụ tại thị trường trong nước ước đạt 45,4%.

{keywords}
Vải thiều Bắc Giang cũng vượt qua hàng loạt các rào cản của Trung Quốc để xuất khẩu một lượng lớn sang thị trường này

Nông dân tạo sản phẩm đẳng cấp

Chia sẻ tại Hội nghị Cơ hội và thách thức đối với nông nghiệp Việt Nam khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, do Bộ NN-PTNT tổ chức sáng 26/6, ông Dương Văn Thái - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho hay tỉnh này có một vụ vải thiều thắng lợi, doanh thu cao hơn năm ngoái dù năm nay sản lượng giảm đáng kể.

Điều đáng ghi nhận là các doanh nghiệp và người dân ngày càng nhanh nhạy trong sản xuất, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của thị trường nên quá trình xuất khẩu vô cùng thuận lợi.

Thực tế, trước khi bước vào vụ thu hoạch vải thiều 2019, thị trường xuất khẩu chính của loại trái cây đặc sản này là Trung Quốc đã dựng lên một loạt rào cản mới. Chẳng hạn, từ 1/5/2019, theo yêu cầu từ phía Trung Quốc, tất cả sản phẩm hoa quả của Việt Nam, trong đó có quả vải thiều, muốn xuất khẩu sang thị trường này phải được cấp mã số vùng trồng. Mã số này do doanh nghiệp đủ điều kiện đóng gói và được phía Trung Quốc xác nhận tiến hành đóng gói chứ không phải do nông dân tự đóng gói.

{keywords}
Người nông dân Bắc Giang và doanh nghiệp còn liên kết tạo ra sản phẩm đẳng cấp bán với giá 200.000 đồng/hộp 12 quả vải thiều

Đồng thời, tất cả công ty muốn xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc phải được phía nước bạn cấp mã và không phải đơn vị nào muốn xuất khẩu sang thị trường này cũng được.

Ngoài ra, các thùng đựng vải phải có đủ nhãn mác thông tin về sản phẩm, cơ sở đóng gói, nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu,... Nếu doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu trên sẽ bị từ chối thông quan.

Đáng chú ý, theo văn bản mới nhất của chính quyền tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) ban hành, quả vải khi xuất khẩu vào nước này phải cắt cuống ngắn còn dưới 15cm, bỏ lá, thùng đựng trái vải có chiều cao không quá 38 cm. Nếu để vải cuống dài, lẫn lá sẽ bị từ chối nhập khẩu.

Đối phó với những quy định khắt khe này, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người nông dân trồng vải đã bắt tay nhau chủ động chuẩn bị từ năm 2018. Do đó, đã có 149 vùng trồng vải thiều của tỉnh Bắc Giang được cấp mã số vùng trồng, phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc khi xuất khẩu sang Trung Quốc.

Không chỉ nỗ lực vượt qua các rào cản để vải thiều xuất khẩu sang Trung Quốc một cách thuận lợi nhất, năm 2019, nông dân Bắc Giang còn làm ra sản phẩm đẳng cấp, là tiền đề để tạo bước ngoặt mới cho quả vải thiều.

Không chỉ trồng vải thiều theo các truyền thống với các mô hình VietGap, người nông dân ở hai xã Giáp Sơn và Quý Sơn (Lục Ngạn, Bắc Giang) còn liên kết với doanh nghiệp làm mô hình trồng vải thiều hữu cơ và đã thành công ngay từ lần làm đầu tiên. Vải thiều hữu cơ giá xuất bán tại vườn lên tới 80.000 đồng/kg, hàng bán “đắt như tôm tươi”.

Đặc biệt, doanh nghiệp và người nông dân còn bắt tay nhau làm ra sản phẩm cao cấp chẳng kém gì hàng Nhật Bản. Vải thiều hữu cơ được đóng trong hộp giấy rồi bán với giá 200.000 đồng/hộp 12 quả.

"Xu hướng này cho thấy, nhiều người dân, doanh nghiệp của tỉnh Bắc Giang đã chủ động đổi mới sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất để đón nhận cơ hội vàng từ các hiệp định thương mại tự do mang lại", ông Thái chia sẻ. 

Bảo Hân