Theo BS Kim Thanh, khoảng 22% NCT phải nằm viện trong vòng một năm qua. Số lần điều trị nội trú của nhóm NCT trung bình là 2,3 lần/năm. Chi phí điều trị mỗi năm dành cho cho NCT cũng cao gấp 8-10 lần người trẻ do họ mắc phải nhiều chứng bệnh kết hợp trong khi sức đề kháng thì ngày một yếu đi.
Chi phí điều trị tốn kém
Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), Việt Nam đã chính thức bắt đầu giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 với số người từ 65 tuổi trở lên chiếm 7% tổng dân số. Năm 2021, số NCT tại Việt Nam chiếm 8,3% tổng dân số (8,16 triệu NCT). Năm 2023 này, số NCT được dự báo xấp xỉ 10 triệu người.
Dự báo, số NCT của Việt Nam tăng lên 16,8 triệu người vào năm 2039 và đạt 25,2 triệu người vào năm 2069. Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già từ năm 2036, khi đó, tỷ trọng nhóm dân số từ 65 tuổi trở lên đạt 14,2% tổng dân số. Khi số NCT tăng nhanh, áp lực với hệ thống an sinh xã hội nói chung và hệ thống y tế nói riêng là rất lớn.
Phân tích dưới góc độ này, PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh cho biết, khoảng 22% NCT phải nằm viện trong vòng một năm qua. Số lần điều trị nội trú trung bình là 2,3 lần/năm. Chi phí điều trị mỗi năm dành cho cho NCT cao gấp 8-10 lần người trẻ. Với riêng TP Hà Nội, TS Hồ Thị Kim Thanh cho hay, Thủ đô có khoảng 250.000 người từ 75 tuổi trở lên, cần nhiều sự trợ giúp xã hội, y tế, chăm sóc nhất.
Cụ thể, Hà Nội cần ít nhất 10 bệnh viện, khoa lão, trung tâm y tế chăm sóc lão khoa chuyên biệt để phục vụ NCT. Làm rõ con số này, ông Vũ Duy Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ TP.Hà Nội cho biết, công tác chăm sóc sức khoẻ NCT được TP.Hà Nội đẩy mạnh, tỷ lệ khám sức khỏe người cao tuổi định kỳ 9 tháng năm 2023 đạt 79,25%, ước năm 2023 đạt 87% phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu được giao.
Tuy nhiên, đa phần NCT khi vào viện thường mắc đa chứng bệnh lý nên công tác thăm khám và điều trị thường phức tạp, tốn kém và kéo dài thời gian hơn. Chính vì vậy, khi số lượng NCT tăng nhanh thì nhu cầu chăm sóc y tế cho NCT ở các đô thị nói chung, của Hà Nội nói riêng sẽ là vấn đề nan giải trong thời gian tới nếu như thành phố không bổ sung nhanh được các bệnh viện lão khoa hay các trung tâm y tế chăm sóc lão khoa chuyên biệt để phục vụ NCT.
Nâng cao chất lượng chăm sóc y tế cho người cao tuổi
Quay lại vấn đề thích ứng với già hóa và chăm sóc sức khỏe NCT, BS Kim Thanh cho rằng, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Do đó, chăm sóc sức khỏe tinh thần, thể chất cho NCT cần có sự chuẩn bị đi trước một bước.
Mặc dù Đảng và Nhà nước luôn coi trọng, phát huy vai trò và chăm sóc, bảo vệ NCT trong đó có chăm sóc y tế. Việt Nam có truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời nay là luôn kính trọng và chăm sóc NCT. Nhiều chính sách, chương trình chăm sóc sức khỏe nói riêng và chăm sóc NCT nói chung đã được Việt Nam ban hành, thực hiện.
Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đã đặt ra mục tiêu thích ứng với già hóa dân số. Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 một lần nữa tái khẳng định mục tiêu đó để góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Tuy nhiên, do điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn nên NCT vẫn là đối tượng khá thiệt thòi trong nhiều lĩnh vực, trong đó có nhu cầu chăm sóc sức khỏe y tế. Cụ thể, là nhóm đối tượng suy giảm nhiều về sức khỏe sau thời gian dài lao động và cống hiến, NCT không chỉ có tần suất khám chữa bệnh cao hơn nhiều so với các nhóm đối tượng khác mà chi phí khám chữa bệnh cũng lớn hơn rất nhiều.
Trong khi đó, theo quy định tại Luật BHYT, người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng được quỹ BHYT chi trả 80% chi phí khi đi khám, chữa bệnh BHYT đúng quy định. Đối với NCT từ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng thì được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh. Nhóm từ 60-75 cũng được BHYT bao phủ khá tốt, tuy nhiên theo thống kê còn gần 1 triệu NCT thuộc nhóm từ 75-80 là chưa có mấy chính sách về BHYT.
Dù NCT luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chăm lo sức khỏe, bảo đảm ngày càng tốt hơn các điều kiện để người cao tuổi dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Nhưng dù ở lứa tuổi nào thì khi sức khỏe người già giảm sút, việc gần 1 triệu NCT chưa có BHYT nói riêng và nhóm NCT nói chung chính là đối tượng cần ưu tiên.
Bởi khi đau ốm, bệnh tật không chỉ làm suy giảm chất lượng cuộc sống mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế gia đình và khi những người mắc trọng bệnh lại đa phần rơi vào nhóm NCT nghèo, không có BHYT hay trợ cấp, lương hưu nên đây cũng là nhóm người yếm thế này cần xã hội đặc biệt quan tâm.