Việc lao động di chuyển giữa các nước thành viên là tất yếu
AEC là một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN (cộng đồng chính trị - an ninh, cộng đồng kinh tế và cộng đồng văn hóa - xã hội). AEC là cơ chế hợp tác có hiệu lực từ ngày 31/12/2015 với quy mô dân số trên 600 triệu người và GDP khoảng 2.500 tỷ USD.
Theo cơ chế này, bên cạnh dòng hàng hóa, dịch vụ, vốn đầu tư, vốn, nguồn lao động di chuyển tự do giữa các nước ASEAN là nguồn lao động có kỹ năng. Một thị trường lao động nói chung và một phân khúc thị trường lao động có trình độ cao, lao động có kỹ năng sẽ nhanh chóng được hình thành trong AEC.
Việt Nam là một thành viên của ASEAN cho nên việc lao động di chuyển giữa các nước thành viên trong đó có Việt Nam là tất yếu và cũng là cơ hội để quá trình hội nhập và cạnh tranh trên phân khúc thị trường lao động có kỹ năng. Cạnh tranh trên thị trường lao động sẽ trở nên gay gắt và sự tham gia của lao động nước ngoài trên thị trường lao động Việt Nam cũng tất yếu.
Cung cấp lao động chất lượng cao cho khu vực ASEAN
Nhằm tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, trong đó đào tạo nghề, cung cấp lao động chất lượng cao cho khu vực ASEAN, Thành phố Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75 – 80%, trong đó lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 55,59%. Để nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực, trong những năm qua, Hà Nội luôn quan tâm, đầu tư phát triển GDNN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động ở trong nước, khu vực ASEAN.
Từ nay đến năm 2025, Hà Nội tiếp tục rà soát, sắp xếp, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở GDNN. Và triển khai thực hiện đầu tư trường chất lượng cao, trường nghề trọng điểm với 4 trường cao đẳng công lập thuộc Thành phố, để trở thành trường chất lượng cao theo Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 23/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Hà Nội cũng sẽ đầu tư trang thiết bị đào tạo các ngành, nghề trọng điểm theo các cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia đối với 16 trường đã được Bộ LĐTB&XH phê duyệt, lựa chọn.
Để có nguồn nhân lực chất lượng cao, Hà Nội sẽ thực hiện các giải pháp, trong đó phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong GDNN. Trọng tâm là phát triển đội ngũ nhà giáo thuộc các ngành nghề trọng điểm có năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề đạt chuẩn khu vực và quốc tế.