Hãng thông tấn CNN dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng, một phần của gói viện trợ quân sự mới sẽ bao gồm “các xe chiến đấu bộ binh Bradley, hệ thống pháo binh, xe thiết giáp chở quân, tên lửa đất đối không RIM-7 Sea Sparrow, đạn dược cùng các trang thiết bị khác”.
Trang quân sự The Drive nhận định, những tên lửa đất đối không RIM-7 Sea Sparrow ‘chim sẻ biển’ mà Mỹ viện trợ cho Ukraine sẽ được chuyển đổi một số bộ phận để có thể tích hợp vào các hệ thống phòng không Buk (SA-11) có trong kho khí tài của lực lượng vũ trang Kiev. Việc tích hợp này có tỷ lệ thành công khá cao, bởi một biến thể của RIM-7 là RIM-162 trước đây từng được tích hợp thành công vào hệ thống phòng không 2K12 Kub (SA-6).
Theo trang Military Today, RIM-7 Sea Sparrow là tên lửa đất đối không được hai tập đoàn quốc phòng Raytheon và General Dynamics thiết kế vào đầu thập niên 1960 dựa trên loại tên lửa không đối không AIM-7 Sparrow. Đến năm 1976, RIM-7 Sea Sparrow đã hoàn thành các cuộc thử nghiệm và chính thức đi vào hoạt động trong quân đội Mỹ.
RIM-7 có khối lượng 230kg, trong đó phần đầu đạn nổ nặng 41kg; dài 3,7m; đường kính 0,2m. So với AIM-7, RIM-7 có những cải tiến về hệ thống dẫn đường, phát hiện cũng như xác định mục tiêu. Loại tên lửa này tiêu diệt mục tiêu bay của đối phương ở khoảng cách tối đa là 22km, với độ cao trong khoảng 30-15.000m. Tốc độ bay tối đa của RIM-7 có thể đạt 4.256 km/h.
Tên lửa phòng không vác vai hay hệ thống tên lửa phòng không đi động là một trong những vũ khí lợi hại được quân đội các nước sử dụng.