Tại “Hội thảo Quản lý tác động của công nghệ đối với công việc, người lao động và mối quan hệ việc làm trong ASEAN”, do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức mới đây, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho rằng những tiến bộ vượt bậc về công nghệ đang và sẽ mang đến những tiến bộ vượt bậc về năng suất, hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, công nghệ đang thay đổi bản chất của việc làm, tạo ra không chỉ những công việc mới mà còn cả những cách thức làm việc mới, làm thay đổi cấu trúc thị trường lao động và cả các mối quan hệ giữa người lao động, người sử dụng lao động và các nhà cung ứng dịch vụ cũng như vai trò của Nhà nước trong việc quản lý những thay đổi này.
Các nước thành viên ASEAN cũng không nằm trong ngoại lệ đó. Sự xuất hiện của nền kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ đã mở ra những cánh cửa cơ hội cho người lao động, cho phép họ chủ động và linh hoạt trong việc lựa chọn công việc của mình.
Tuy nhiên theo ông Thanh, những loại hình việc làm mới này cũng đồng thời gây ảnh hưởng nhiều đến việc đảm bảo an sinh xã hội và khả năng gia nhập tổ chức, thương lượng tập thể của người lao động. Do vậy những vấn đề mới cần được điều chỉnh bởi những chính sách, quy định về lao động và việc làm để có thể giải quyết các vấn đề an sinh xã hội cũng như đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp liên quan tới việc làm.
Ông Lê Văn Thanh: Nền kinh tế trên nền tảng công nghệ số mở nhiều cánh cửa cho người lao động |
Trong bối cảnh ASEAN đã triển khai dự án “Nghiên cứu khu vực về bản chất thay đổi của quan hệ việc làm dưới tác động của việc sử dụng công nghệ và tính phù hợp của luật pháp trong việc điều chỉnh các mối quan hệ việc làm” Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ra mắt bản báo cáo đánh giá nghiên cứu “Quản lý tác động của công nghệ đối với công việc, người lao động và mối quan hệ việc làm trong ASEAN”.
Báo cáo nhằm cung cấp thể hiện cái nhìn tổng quan về tình hình công nghệ đang thay đổi thị trường lao động ASEAN, cung cấp những thông tin, thống kê về xu hướng kinh tế, nhân khẩu học và thị trường việc làm trong ASEAN; xu hướng công nghệ và việc làm toàn cầu trong ASEAN; nền tảng kinh tế và những vướng mắc của chính sách mới; khung pháp lý và chính sách để thích ứng với những thay đổi tất yếu của việc làm thế kỷ 21, qua đó đưa ra định hướng trong tương lai.
"Sự biến đổi nhanh chóng của đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế và xã hội, làm mất đi hàng triệu việc làm và đe dọa sinh kế của hàng triệu người lao động. Tuy nhiên, chính bối cảnh này cũng đã tạo ra sự thúc đẩy công nghệ và những hình thức làm việc mới phát triển với tốc độ phi thường làm biến bổi nền tảng số và tăng tốc độ ứng dụng những công nghệ và sáng kiến mới vào thế giới việc làm. Đây chính là thời điểm đề chúng ta tìm hiểu, khám phá những cách thức quản lý quan hệ lao động khi việc sử dụng công nghệ thông tin và ứng dụng số ngày càng trở nên rộng khắp và thâm nhập tất cả mọi khía cạnh của đời sống"- ông Thanh nhấn mạnh.
Minh Anh
Tìm giải pháp cho đào tạo nghề trong bối cảnh chuyển đổi số
Giải pháp để phát huy vai trò và tính hiệu quả của đào tạo trực tuyến trong trong bối cảnh chuyển đổi số giáo dục nghề nghiệp là vấn đề được nhiều chuyên gia, nhà quản lý quan tâm.