- Trao đổi với VietNamNet bên lề QH sáng nay, ĐB Dương Trung Quốc hoan nghênh việc lãnh đạo “tuyên thệ” khi nhậm chức để tránh “tư duy nhiệm kỳ”, “hoàng hôn nhiệm kỳ” như hiện nay.
Ông Dương Trung Quốc cho hay:
Chúng ta hay nói tư duy nhiệm kỳ để trong ngoặc kép hiểu theo nghĩa tiêu cực của nó. Đó là tầm nhìn ngắn hạn, lợi ích ngắn hạn và buông xuôi trách nhiệm.
ĐB Dương Trung Quốc. Ảnh: Hoàng Long |
Tư duy nhiệm kỳ là một lời cảnh báo, nhắc nhở giống như phát biểu của ĐB Lê Như Tiến nói về “hoàng hôn nhiệm kỳ” thường nảy sinh ra vấn đề tiêu cực.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh thẳng thắn nói “nhường”, “truyền đạt” cho nhiệm kỳ sau trả lời những vấn đề nhiệm kỳ của ông chưa làm được. Ông có suy nghĩ gì về tư duy nhiệm kỳ như vậy?
Bộ trưởng nói lên một sự thật ở cả 2 chiều và tất yếu. Mỗi nhiệm kỳ sau khi trao truyền lại thì “di sản” để lại có cả những mặt tích cực, thành tựu của nó và cũng có hạn chế thì phải tiếp tục khắc phục.
Hiện nay có hiện tượng tạm gọi là vô can. Nhiều khi cán bộ hết chức trách là không chịu trách nhiệm gì những vấn đề mà mình để lại. Điều đó rất nguy hiểm, nhất là dấu ấn cá nhân.
“Trách nhiệm thì trách nhiệm chung, nhưng tài khoản là tài khoản riêng”, người ta hay nói như vậy.
Ở các quốc gia, mỗi một nhiệm kỳ ở một cương vị nào đó, người ta rất có ý thức để lại một dấu ấn tốt đẹp. Tổng thống Pháp François Mitterrand để lại một thư viện. Có nơi một nghị sỹ thì để lại một dấu ấn bằng một đạo luật, sáng kiến pháp luật… Điều đó rất cần thiết. Nhưng đồng thời phải thấy trách nhiệm về những “di sản” thất bại.
Ở ta thấy nhiều người vô can. Hôm nay tôi đang làm chức vụ này, ngày mai làm chức vụ khác và tôi cảm thấy việc kia không phải việc của mình. Ngay trong QH, ngày hôm qua anh đang ở cơ quan hành pháp, thì ngày hôm nay ở cơ quan lập pháp, mà nói việc kia như không ấy. Câu trả lời của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh là một sự thật để nhắc nhở về tư duy nhiệm kỳ.
“Bia đá, bia miệng”
Tại sao ở ta khi nhắc đến “tư duy nhiệm kỳ” thường bị hiểu theo nghĩa tiêu cực?
Do cơ chế của mình lãnh đạo theo tập thể, mất dấu ấn cá nhân, kể cả phong cách cá nhân. Tôi nghĩ, ông Bá Thanh (nguyên Bí thư Đà Nẵng) mất rồi nhưng để lại một phong cách rất đáng quý trọng. Tại sao mỗi người không tạo ra cái đó?
Vai trò cá nhân cực kỳ quan trọng, đừng có nhân danh chống chủ nghĩa cá nhân mà tất cả đều là tập thể. Chúng ta hay nói vui rằng, “trách nhiệm thì tập thể, mà quyền lợi thì cá nhân” là như vậy.
Ở nhiều nước đã là trách nhiệm thì phải chịu trách nhiệm đến cùng, hồi tố rất quan trọng và dư luận xã hội. Cho nên câu chuyện của An Giang, một bình luận của người dân thành một hành vi xử lý phạt hành chính là không được.
Các cụ nói rồi: “Bia đá, bia miệng”, đó là những yếu tố góp phần tích cực điều chỉnh cái nhận thức xã hội cũng như trách nhiệm xã hội.
Lãnh đạo phải tuyên thệ khi nhậm chức
Có thực tế khi mới nhậm chức, quan chức hứa rất nhiều và có nhiều hành động được dân ủng hộ nhưng càng về cuối nhiệm kỳ lại có hành động khác hẳn như việc bổ nhiệm hàng loạt trước khi nghỉ hưu?
Lời cảnh báo của ĐB Lê Như Tiến về “hoàng hôn nhiệm kỳ” là rất đúng vì nó tồn tại rất lâu rồi, phải có biện pháp ngăn chặn, pháp luật phải có quy định. Ví dụ trước khi kết thúc nhiệm kỳ bao nhiêu lâu thì không được ký bổ nhiệm nữa.
Bổ nhiệm phải đúng luật. Bổ nhiệm một số lượng lớn hay đưa ra các biến thể của nó như là “hàm” cũng là một cách. Cuối cùng là để lại những gánh nặng cho nhà nước, hậu quả rất khó giải quyết sau này.
Có ý kiến cho rằng, chủ tịch tỉnh, bộ trưởng phải đưa ra một lời cam kết khi nhận chức để khắc phục tình trạng này?
Thực ra cam kết đã có rồi, vấn đề là thực thi cam kết, giám sát cam kết, chế tài cam kết xử lý như thế nào. Có một yếu tố nữa mà Hiến pháp đã quy định tôi rất hoan nghênh là “tuyên thệ”.
Tôi thấy tuyên thệ sâu sắc hơn, có trách nhiệm và danh dự của anh nữa. Đương nhiên một người vô trách nhiệm, không có danh dự thì có lẽ chính điều đó sẽ tự đào thải mình.
Thu Hằng