Năm 2018, Huỳnh Anh Thư - nữ sinh Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6, TP.HCM) - trở thành thủ khoa đầu vào ngành Thiết kế thời trang, khoa Mỹ thuật công nghiệp, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM. 

Tháng 7/2023 này, cô kết thúc quãng thời gian sinh viên của mình cũng với danh hiệu thủ khoa, sau khi được Hội đồng chấm thi cho điểm cao nhất toàn khóa với đồ án tốt nghiệp mang tên “Nét”.

Huỳnh Anh Thư - thủ khoa kép ngành Thiết kế thời trang, khoa Mỹ thuật công nghiệp, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM

Chia sẻ về bộ sưu tập (BST) được đánh giá cao nhất trong tốt nghiệp vừa được Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM tổ chức vào tháng 7 vừa qua, Anh Thư cho biết cô khai thác nghệ thuật thư pháp Việt Nam khi đặt vào góc nhìn mới của một người trẻ trong nhịp sống hiện đại. 

“Thư pháp Việt Nam đã kéo dài hàng nghìn năm, trong đó đã bao hàm vô vàn giá trị về văn hóa, lịch sử. Sẽ thật nuối tiếc biết bao khi phần nào đó của thư pháp đang chìm dần vào quá khứ.

Thông qua BST Nét, em khắc họa lại nét đẹp của nghệ thuật này trong ngôn ngữ thời trang bằng các biện pháp xử lý chất liệu như đính kết thủ công, phá cấu trúc từ phom dáng áo dài nam, rã rập thành từng mảnh nhỏ và xâu lại bằng móc khoen kim loại và đan và thắt dây phối hợp đa chất liệu… Tất cả để tạo nên câu chuyện đặc trưng trong từng bộ trang phục”.

‘Nét - hiểu nôm na là đường nét, hiểu sâu hơn là nét chữ nết người. Dưới lăng kính của nghệ thuật viết thư pháp, “Nét" không gói gọn trong hình thức, nội dung mà còn bộc lộ nên khí chất, phong thái của người nghệ sĩ cầm bút". Ảnh: NVCC

Khi thực hiện đồ án tốt nghiệp, điều Anh Thư luôn tâm niệm: "Sau tất cả, em cho rằng, những giá trị truyền thống không chỉ nằm yên ở quá khứ.

Như một chiếc kén, những giá trị này từng ngày lột xác và bung nở để phù hợp với thời đại. Vẻ đẹp truyền thống chính là gốc rễ, giới trẻ kế thừa và tiếp nối để phát huy mạnh mẽ hơn nữa". 

"Qua BST, em muốn gửi gắm niềm yêu thích về nghệ thuật thư pháp của bản thân cũng như cái tôi thời trang của mình. Em tin rằng nghệ thuật dù không có ràng buộc nhưng luôn có quy chuẩn để nó thuộc về, dù bạn là ai, là trang giấy trắng hay một bức tranh thư pháp đã thấm mực, chỉ cần chúng ta lắng nghe bản thân, tận hưởng từng giây phút trong cuộc sống, biết ơn, trân trọng và cho đi...". Ảnh: NVCC

Tập trung vào từng bước nhỏ để đạt mục tiêu lớn

Để đi đến kết quả ngày hôm nay, Anh Thư đã có những ngày tháng học tập không hề dễ dàng. Đam mê thời trang đã bắt đầu từ khi Thư còn là một cô bé. Tuy vậy, cho đến lúc đối diện với kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018, cô mới thật sự nhìn nhận một cách nghiêm túc về đam mê của mình và quyết định theo học ngành thiết kế thời trang.

"Có lẽ, khoảnh khắc đáng nhớ nhất tới giờ của em vẫn là lúc nghe bạn bè, thầy cô báo tin đậu thủ khoa ngành thời trang. Lúc đó, em vẫn không tin đấy là sự thật".

Chiếc áo dài cách điệu này bao gồm 4.000 chiếc móc khoen đính từng mảng ô vuông ghép lại với nhau trên nền vải in chuyển nhiệt nét mực thư pháp, đồng thời vẽ tay thủ công các đường nét thư pháp trên tạo sự liên kết giữa các ô vải... "Nó cũng giống như là quá trình luyện chữ viết của một thư pháp gia, bao giờ cũng bắt đầu với những nét bút còn nhiều khiếm khuyết và trải qua một quá trình luyện tập dày công khổ luyện mới gặt hái được kỹ năng viết chữ cho riêng mình..." - Thư chia sẻ ý tưởng. Ảnh: NVCC

Sau 5 năm học tập, Thư đã có được vô vàn kiến thức chuyên môn cũng như kinh nghiệm từ các thầy cô, anh chị, bạn bè. Qua đó, cô góp nhặt cho mình những kỹ năng thiết kế theo cảm hứng bằng lối tư duy logic, xây dựng hệ thống bảng ý tưởng, lên phác thảo và phân tích đánh giá những loại vải, nguyên phụ liệu cũng như là cách xử lý phù hợp để lên sản phẩm thật.

Không chỉ học, Thư còn làm một loạt công việc như bán quần áo, vẽ tường, thực tập ở các công ty thời trang... 

“Trải nghiệm của em trải dài từ các công việc không liên quan đến ngành học đến các công việc chuyên ngành, để biết thêm về giá trị của việc lao động trong cuộc sống”.

Thư nói đồ án tốt nghiệp vừa rồi chính là kết quả của quá trình kiên trì và không ngừng học hỏi của bản thân ở môi trường đại học và trải nghiệm thực tế.

"Qua quá trình đó, em thấy mình phát triển về mặt nhận thức, lối tư duy mới và cũng vững vàng hơn ở những kỹ thuật, kỹ năng cần thiết để thực hiện hóa những thiết kế của mình". 

"Em muốn nhìn nhận thư pháp dưới góc độ đa chiều, những mảnh giấy thư pháp giờ đây không chỉ đơn thuần là 2D mà được biến tấu thành dạng 3D qua ngôn ngữ thời trang bằng phương pháp draping 3D trên nền vải in chuyển nhiệt và dập ly tăm". 

Ảnh: NVCC

Kết thúc quãng đời sinh viên, điều mà Anh Thư mong muốn là có thể tiếp tục theo đuổi và phát triển công việc liên quan đến đam mê thời trang của mình, học hỏi những kinh nghiệm thực tiễn từ phía đồng nghiệp và những người anh chị đi trước.

“Em không đặt cụ thể mục tiêu thu nhập, nhưng em quan niệm một công việc tốt là khi giúp mình trang trải đủ khoản phí cá nhân và là môi trường tốt để phát triển kỹ năng và kiến thức chuyên môn” - cô gái trẻ bày tỏ.

Với những bạn trẻ đang ở ngưỡng lựa chọn và cả những bạn đang theo đuổi ngành thời trang, theo Anh Thư, điều cô muốn nhắn nhủ là: “Tập trung vào từng bước nhỏ để đạt được mục tiêu lớn”.

“Đây cũng là lời mà em từng nhắn nhủ bản thân mình ngày trước. Bởi vì đây là một chặng đường dài, các bạn cần chuẩn bị đủ về kiến thức và các kỹ năng cần thiết để tận dụng từng khoảng thời gian cho việc học cũng như hoàn thiện đồ án một cách tốt nhất, đầy đủ nhất” - Anh Thư chia sẻ.