Giả sử bạn có một công ty đa quốc gia, bạn sẽ để tiền nằm chết dí ở những nước có thuế suất thật cao, hay sẽ chuyển nó về tax haven, chịu mức thuế thấp?

LTS: Sau phanh phui chấn động liên quan đến trốn thuế, rửa tiền liên đới nhiều nhân vật cộm cán, Panama bỗng dưng bị gọi tên như một vùng đất sinh ra để đi bao che cho những việc bẩn thỉu. Bên cạnh đó cụm từ "Tax haven" cũng đang được dư luận quan tâm. Để rộng đường dư luận, Tuần Việt Nam xin giới thiệu góc nhìn của một bạn trẻ.

“Tax haven” không chỉ toàn điều xấu

Tax haven rõ ràng là một khái niệm không mới, nhưng trước khi nói những điều cao xa, có lẽ nên chỉ ra khi nào một quốc gia được gọi là thiên đường thuế. Đầu tiên, điều quan trọng nhất là quốc gia đó phải duy trì thuế suất bằng 0 hoặc một mức rất thấp cho một vài hoặc toàn bộ mọi loại thu nhập. Tiếp đến là phải đảm bảo được tính bí mật trong hoạt động thương mại và ngân hàng diễn ra trên lãnh thổ của mình.

Nhà nước không can thiệp vào tỷ giá trao đổi trong khi các tiện ích ngân hàng quốc tế được cung cấp một cách tốt nhất cũng là một yếu tố cần thiết. Cuối cùng là một nền chính trị ổn định, một cơ sở hạ tầng thuận tiện cho liên lạc, một khí hậu tuyệt vời cho cuộc sống và công việc của các chuyên gia tài chính.

Với định nghĩa cơ bản nêu trên, giả sử rằng, bạn có một công ty đa quốc gia, bạn thu lợi nhuận trên toàn thế giới, bạn sẽ để tiền của mình nằm chết dí ở những quốc gia có thuế suất thật cao hay sẽ chọn chuyển nó về tax haven, chịu mức thuế thấp và sẵn sàng chuyển nó đến đầu tư ở một quốc gia khác với dịch vụ ngân hàng tốt nhất?

Nếu bạn thấy khó khăn trong việc lựa chọn thì có thể làm theo số đông, bởi: 1/3 GDP của thế giới và 50% tiền tệ dự trữ toàn cầu được luân chuyển qua các tax haven.[1] Cho nên đừng lý luận rằng bao nhiêu tiền để ở tax haven đáng ra phải xây được bao nhiêu trường học và bệnh viện, bởi vì không phải lợi nhuận nào cũng là xấu và càng không phải cứ nộp thuế rồi tiền đó sẽ ùn ùn trở thành trường học và bệnh viện.

Hoặc giả sử xa hơn, bạn có một quốc gia có khí hậu tuyệt vời, phong cảnh tươi đẹp. Đáng tiếc nó chỉ có toàn dừa, không có tài nguyên rừng biển, đất đai thì nhiễm mặn. Một gợi ý tốt cho bạn đó là bạn hoàn toàn có quyền và hãy biến quốc gia của mình trở thành một tax haven, thu hút các công ty nước ngoài đến đặt trụ sở rồi thu tiền từ các dịch vụ tài chính và các dịch vụ khác.

{keywords}

Thành phố Panama, nơi đặt trụ sở của hãng Mossack Fonseca. Ảnh: EPA

Thiên đường thuế và nỗi oan của Panama

Sau vụ việc Hãng luật Mossack Fonseca bất ngờ để lộ một số lượng lớn thông tin khách hàng, Panama – nơi mà hãng luật này được thành lập bỗng dưng trở nên “nổi tiếng”. Hàng loạt từ ngữ được áp đặt lên đất nước này, các tax haven khác và tất cả các khách hàng cũng như cá nhân liên quan của Hãng luật Mossack Fonseca một cách dễ dàng như: trốn thuế, bẩn thỉu, rửa tiền, tham nhũng… Mặc dù nhiều người có lẽ còn chưa định hình ra chính xác có những thông tin gì trong số tài liệu bị rò rỉ. Hoặc nghĩ rằng đấy là một bản danh sách liệt kê theo kiểu: Ai? có bao nhiêu tiền bẩn được cất giấu? trên toàn thế giới.

Thật sự, trước khi vụ việc chấn động này diễn ra, Panama có lẽ không phải là một cái tên đáng chú ý trong số các tax haven đã từng được liệt kê. Nhất là nếu so sánh với những nghiên cứu đã chỉ ra rằng khoảng 15% số quốc gia trên trái đất này là tax haven, trong đó có khoảng 40 tax haven[2] mạnh nhất. Những cái tên nổi tiếng hơn có thể kể ra đây bao gồm: British Virgin Islands, Cayman Islands, Hongkong, Isle of Man, Liechtenstein, Monaco, Singapore, Swissland hay thậm chí là Vương quốc Anh.

Quan trọng hơn, như đã định nghĩa ở trên, tax haven không chỉ đồng nghĩa với những thứ bẩn thỉu hay xấu xa. Trước hết, đó là chính sách kinh tế của một quốc gia hay vùng lãnh thổ và họ có quyền được làm điều đó. Về phía các công ty đa quốc gia, và các nhà đầu tư, họ có quyền tối ưu hóa lợi nhuận và chủ động điều phối nguồn vốn của mình trên phạm vi toàn cầu. Đúng như mục đích cơ bản mà tax haven đề ra. Đó là chuyển lợi nhuận từ nơi có thuế suất cao về nơi có thuế suất thấp – một cách tránh thuế (chứ không phải là trốn thuế) hoàn toàn hợp pháp.

Vậy mà từ việc Mossack Fonseca để lộ thông tin về khách hàng của mình trong những dịch vụ pháp lý hợp pháp hoặc không hợp pháp theo một cách nào đó, Panama bỗng dưng bị gọi tên như một vùng đất sinh ra để đi bao che cho những việc bẩn thỉu.

Tax haven – Thiên đường thuế: không sai!

“Haven” trong tiếng Anh quả nhiên không có nghĩa là “thiên đường”, mà nó có nghĩa là một nơi ẩn náu an toàn cho tàu thuyền, còn “heaven” mới đúng là thiên đường. Nhiều người đã phản ứng như vậy khi tôi bắt đầu dùng khái niệm “thiên đường thuế” trong những cuộc nói chuyện.

Tuy nhiên, cái điều tưởng như là nhầm lẫn về chính tả kia hóa ra lại hoàn toàn đúng về mặt ý nghĩa, và thậm chí được dùng một cách phổ biến trên toàn thế giới.

Bắt đầu từ mảnh đất đầu tiên được gọi là “tax haven” – Netherlands Antilles, như nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định[3]. Được thành lập vào năm 1953, hòn đảo nằm ở Caribbean này là một thuộc địa của Vương Quốc Hà Lan, nơi mà những doanh nghiệp đến đây sẽ được hưởng lợi bởi một chính sách thuế ưu đãi đặc biệt với thuế suất rất thấp. Đó chính là cách mà vùng lãnh thổ này lựa chọn để thu hút các hoạt động tài chính cũng như thúc đẩy kinh tế.

Và kể từ đó cho đến nay, một loạt “tax haven” khác lần lượt ra đời, rải rác khắp nơi trên thế giới, từ một quốc gia to lớn trên bản đồ cho đến một hòn đảo vô danh nào đó giữa đại dương. Chỉ có một điều, mỗi khi nhắc đến “tax haven” hình ảnh đầu tiên mà hầu hết mọi người nghĩ đến một hòn đảo nhỏ, có khả năng là ở Caribbean và phong cảnh ở đó chắc chắn phải là một “thiên đường nhiệt đới” thật sự.

Và tất nhiên, không chỉ trong tiếng Anh mới có khái niệm “tax haven”. Những vùng đất giống như Netherlands Antilles kể ra ở trên trong tiếng Đức gọi là “Steuerparadies”, tiếng Pháp gọi là: “Paradis fiscal”, tiếng Tây Ban Nha gọi là “Paraíso fiscal”. Đọc đến đây có lẽ nhiều người đã nhìn thấy “paradies” – “paradis” – “Paraíso” hay cũng chính là “paradise” trong tiếng Anh – đều có nghĩa giống nhau, một “thiên đường” chẳng khác gì “heaven” cả.

Vậy tiếng Việt gọi “tax haven” là “thiên đường thuế” thì có lẽ không sai.

Bùi Phú Châu

>> XEM THÊM:

[1]Oxfam 2000.
[2]Dharmapala, D and Hines, J R Jr (2009) Which countries become tax haven? NBER Working Paper.

[3] Picciotto, S (1992) International Business Taxation, London.