Sốt ruột vì những cuộc gọi của môi giới

Năm 2016, vợ chồng anh Hoàng Tùng mua căn hộ 56m2 bàn giao thô tại một chung cư ở quận Hà Đông (Hà Nội) với giá 19 triệu đồng/m2. Do chủ đầu tư có sai phạm, chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy nên cả tòa chung cư hiện vẫn chưa được cấp sổ hồng.

Từ cuối năm ngoái, khi chung cư có dấu hiệu tăng giá, anh thường xuyên nhận được các cuộc gọi của môi giới hỏi có bán nhà không nhưng anh đều từ chối.

Mấy tháng gần đây, anh phải nghe nhiều cuộc gọi từ môi giới. Giá họ đưa ra cũng tăng dần đều, cuộc gọi sau đưa ra mức giá cao hơn cuộc gọi trước.

“Tôi còn nhớ hồi tháng 6, môi giới nói giá khu nhà tôi khoảng 30-32 triệu đồng/m2 thì đến tháng 10, giá đã lên đến tầm 40-45 triệu đồng/m2. Môi giới còn bảo rằng chỉ cần tôi đồng ý bán, họ sẽ dẫn khách đến xem nhà rồi đặt cọc ngay”, anh kể.

Thấy căn hộ được giá, lại liên tục nhận được cuộc gọi của môi giới nên anh Tùng cũng sốt ruột và dao động. Sau khi bàn với vợ, hai vợ chồng quyết định bán căn hộ đang ở, rồi sau đó sẽ vay mượn thêm, tìm mua căn hộ thuộc dự án khác đã có sổ hồng.

“Có môi giới nào gọi đến, tôi đều bảo họ cứ dẫn khách qua xem. Thế nhưng nửa tháng trôi qua, tôi vẫn chưa thấy môi giới nào dẫn khách tới xem nhà hay đặt cọc”, anh nói. 

W-nha-sat-ha-noi-vietnamnet-1.jpg
Nhiều người cân nhắc việc mua nhà, chờ đợi để bất động sản giảm giá, bởi mức giá hiện tại chưa hợp lý. Ảnh minh họa: Hồng Khanh

Ông T.L - một môi giới bất động sản đã giải nghệ, tiết lộ, việc liên tục gọi cho chủ nhà hỏi mua nhà với giá cao không phải hiện tượng mới, nhất là trong những giai đoạn thị trường đang nóng. Đây là cách để tạo cảm giác nhu cầu lớn, khiến chủ nhà tưởng rằng giá trị bất động sản của mình tăng mạnh. 

Khi các chủ nhà đều đồng loạt tăng giá theo con số mà môi giới đưa ra, thị trường sẽ càng thêm nóng, giá chào bán căn hộ ngày càng đẩy lên cao tạo nên “cơn sốt”. Thấy mặt bằng giá chào bán căn hộ ngày càng cao, nhiều người mua dễ bị rơi vào trạng thái tâm lý Fomo - sợ bỏ lỡ, lo ngại giá tiếp tục leo thang - nên sẽ đưa ra quyết định vội vàng, xuống tiền nhanh hơn.

Theo thăm dò mới đây của VietNamNet về kế hoạch mua nhà thời điểm này, 40% phản hồi nên mua ngay. Trong khi, có 55% độc giả cho hay sẽ chờ đợi thêm để bất động sản giảm giá, bởi mức giá hiện tại chưa hợp lý. 

Bộ Xây dựng: Có hiện tượng môi giới “thổi giá”, “tạo giá ảo”

Theo báo cáo về nhà ở và thị trường bất động sản quý III/2024 của Bộ Xây dựng, giá căn hộ chung cư tiếp tục tăng ở cả dự án mới và cũ. 

Đến nay, thị trường đã thiết lập mặt bằng giá dự án mới, tăng khoảng 4-6% theo quý và 22-25% theo năm. Đặc biệt có một số khu vực tăng cục bộ lên khoảng 35-40% tùy từng vị trí so với quý trước. 

Qua phân tích thị trường, Bộ Xây dựng cho rằng có nhiều nguyên nhân làm tăng giá bất động sản trong quý III năm nay.

Bộ Xây dựng nhận định, việc thiếu nguồn cung nhà ở bình dân để đáp ứng nhu cầu đại bộ phận người dân, các đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình tại các khu vực đô thị là một trong những nguyên nhân khiến giá bất động sản tăng. Trên thị trường phân khúc căn hộ chung cư bình dân (có giá bán dưới 25 triệu đồng/m2) gần như không có giao dịch và sản phẩm để bán. 

Đáng chú ý, cơ quan quản lý chỉ ra rằng, có hiện tượng “tạo giá ảo”, “thổi giá” của giới đầu cơ và các cá nhân hành nghề môi giới bất động sản, lợi dụng sự thiếu hiểu biết, đầu tư theo tâm lý đám đông của người dân để trục lợi.

“Đây là các cá nhân hoạt động môi giới tự do, không có chứng chỉ môi giới bất động sản, yếu về chuyên môn, hiểu biết pháp luật hạn chế, chưa có tính chuyên nghiệp, yếu kém về đạo đức kinh doanh dẫn đến tình trạng làm ăn chụp giật, thông đồng làm giá, thổi giá cao so với giá trị thực tế, thao túng thị trường, gây thiệt hại cho khách hàng và làm giảm tính minh bạch của thị trường bất động sản”, Bộ Xây dựng đánh giá.

Để chấn chỉnh tình trạng này, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương kiểm tra, rà soát hoạt động kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp, chủ đầu tư, sàn giao dịch bất động sản, môi giới bất động sản tại địa phương. 

Đồng thời, kiểm soát việc mua đi, bán lại các bất động sản trao tay nhiều lần, đặc biệt tại các khu vực, dự án, khu chung cư có hiện tượng tăng giá bất thường. 

Ngoài ra, thanh tra, kiểm tra, có biện pháp chấn chỉnh các hành vi thổi giá, làm giá, đầu cơ, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, pháp luật kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan theo thẩm quyền. 

Đầu cơ đẩy giá nhà cao phi thực tếBộ Xây dựng đề xuất nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chính sách thuế liên quan hoạt động kinh doanh bất động sản nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời và được Bộ Tài chính đồng tình.