Nâng lãi suất lần thứ 9 liên tiếp

Trong cuộc họp ngày 21-22/3 (rạng sáng 23/3 giờ Việt Nam), Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã quyết định tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản từ 4,5-4,75% lên 4,75%-5%/năm đúng như dự báo của thị trường.

Đây là lần tăng lãi suất thứ 9 liên tiếp của Fed trong vòng một năm qua trong nỗ lực kéo lạm phát đi xuống. Tháng 6/2022 Mỹ ghi nhận lạm phát lên mức cao nhất trong hơn 4 thập kỷ, ở mức 9,1% (cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 2%).

Lạm phát Mỹ gần đây giảm dần xuống vùng 8-8,5% từ tháng 7-9/2022; xuống 7,1-7,7% trong tháng 9-10/2022 và xuống vùng 6-6,5% như hiện tại.

Lạm phát Mỹ hiện vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng Mỹ với việc một số nhà băng đã phá sản cùng với một số ngân hàng quy mô nhỏ khác còn đối mặt với nhiều khó khăn… đã khiến Fed trở nên thận trọng.

Đây là lần tăng lãi suất thứ 9 liên tiếp của Fed trong vòng một năm qua trong nỗ lực kéo lạm phát đi xuống. (Biểu đồ: M. Hà)

Báo hiệu chu kỳ nâng lãi suất sắp kết thúc

Một điểm đáng chú ý trong cuộc họp 2 ngày 21-22/3 vừa kết thúc là các quan chức Fed báo hiệu chu kỳ nâng lãi suất đã gần kết thúc.

Chu kỳ nâng lãi suất với 9 lần tăng liên tiếp (đưa lãi suất từ mức thấp lịch sử 0-0,25%/năm lên 4,75-5%/năm như hiện tại) vẫn chưa kéo lạm phát xuống thấp nhưng đã khiến hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp Mỹ lao đao. 

Thị trường tài chính và nền kinh tế thế giới cũng gặp rất nhiều trục trặc, điển hình là vụ ngân hàng lớn thứ 2 Thuỵ Sĩ Credit Suisse suýt phá sản và buộc phải sáp nhập vào ngân hàng số 1 Thụy Sĩ - UBS. Lãi suất tăng mạnh trên thế giới khiến doanh nghiệp trên phạm vi toàn cầu lao đao. Nhiều ngân hàng thua lỗ, đánh mất niềm tin và bị rút tiền ồ ạt, và rơi vào khủng hoảng.

Ủy ban Thị trường mở Cục dự trữ liên bang Mỹ (FOMC) lưu ý họ không chắc sẽ nâng lãi suất trong tương lai và phụ thuộc hoàn toàn vào dữ liệu sắp tới.

Theo đó, Ủy ban dự báo có thể cần “một vài sự điều chỉnh chính sách bổ sung” để đạt được lập trường chính sách đủ thắt chặt nhằm đưa lạm phát về 2% theo thời gian.

Như vậy, FOMC đã không còn dùng cụm từ "tiếp tục nâng lãi suất" để kéo giảm lạm phát, mà thay vào đó là "điều chỉnh chính sách bổ sung".

Tại cuộc họp báo sau đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết việc sử dụng từ ngữ mới trong tuyên bố là vì Fed không chắc chắn về tác động của các vụ việc ngân hàng gần đây (Silicon Valley Bank, Signature Bank phá sản) tới nền kinh tế.

Ông Powell cho biết, nếu các vụ việc ngân hàng khiến kinh tế giảm tốc mạnh thì khả năng nâng lãi suất sẽ giảm đi.

Biểu đồ dot-plot của Fed. (Nguồn: BLB)

Lãi suất của Mỹ dự báo đạt đỉnh 5,1%

Biểu đồ điểm (dot-plot) phản ánh dự báo của các thành viên Fed cho thấy, lãi suất đỉnh ở mức 5,1%. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các quan chức Fed chỉ kỳ vọng có thêm 1 đợt nâng lãi suất.

Như vậy, nhiều khả năng Fed sẽ chỉ tăng lãi suất thêm 1 lần trong nửa đầu năm 2023 và sau đó dừng lại và có thể đảo chiều giảm lãi suất vào đầu năm sau.

Biểu đồ cũng cho thấy, dự báo về lãi suất trong 2 năm tới, Fed có thể giảm lãi suất 80 điểm cơ bản trong năm 2024 và giảm 120 điểm cơ bản trong năm 2025.

Fed cho biết sẽ tiếp tục thu hẹp bảng cân đối kế toán sau giai đoạn nới lỏng định lượng (QE) trước đó.

Nâng dự báo lạm phát, hạ tăng trưởng kinh tế

Các quan chức Mỹ nâng dự báo lạm phát lên mức 3,3% trong năm 2023, cao hơn mức 3,1% trong dự báo trước đó. Trong khi đó, hạ dự báo tăng trưởng GDP xuống còn 0,4% trong năm 2023 và 1,2% trong năm 2024.

Các dự báo xấu đi được đưa ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ngân hàng đã diễn ra và có thể còn tiếp diễn.

Chủ tịch Fed Powell nói trong họp báo rằng hệ thống ngân hàng Mỹ vẫn ổn và vững chắc, với thanh khoản và vốn dồi dào. Tuy nhiên, Fed tiếp tục theo dõi sát và “sẵn sàng sử dụng tất cả công cụ để bảo vệ sự an toàn của hệ thống".

Lạm phát Mỹ. (Biểu đồ: M. Hà)

Chứng khoán Mỹ lao dốc

Thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc sau khi Fed tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản và Chủ tịch Fed thừa nhận rằng cuộc khủng hoảng trong ngành ngân hàng có thể khiến nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones đóng cửa phiên 22/3 (rạng sáng 23/3 giờ Việt Nam) giảm hơn 530 điểm xuống 32.030,11 điểm. Chỉ số tầm rộng S&P 500 giảm 1,65% còn chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 1,6%.

Nhiều cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh sau khi Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen thông tin rằng hiện nay Mỹ chưa có chế độ bảo hiểm bao trùm cho tiền gửi tại các ngân hàng. Trong khi ông Powell nhận định dòng chảy tiền gửi tại các ngân hàng đã ổn định trở lại, sau khi Fed và các nhà quản lý có những động thái hỗ trợ người gửi tiền.

Việt Nam ghi nhận lãi suất giảm nhanh

Tại Việt Nam, lãi suất huy động và cho vay tại nhiều ngân hàng đồng loạt giảm nhanh. Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng đều đã xuống dưới 9%. Lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã giảm từ mức quanh 6% hồi giữa tháng 3 xuống mức 2,05%/năm hôm 21/3.

Hồi đầu tháng 10/2022, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng lên tới mức cao kỷ lục 8,44%/năm.

Thanh khoản trên hệ thống ngân hàng có dấu hiệu cải thiện rõ rệt khi hoạt động trên thị trường mở kém sôi động. Ngân hàng Nhà nước phải bơm ra rất ít kể từ giữa tháng 3, trong khi cũng ngừng hút tiền về thông qua hoạt động đấu thầu tín phiếu.

Tỷ giá có xu hướng giảm, từ mức đỉnh 24.888 đồng/USD (giá bán tại Vietcombank) hôm 25/10/2022 xuống dưới ngưỡng 24.000 đồng/USD trong tháng 12/2022 và tới 23/3/2023 còn 23.690 đồng/USD (giá bán).

Tỷ giá USD/VND giảm nhanh. (Biểu đồ: M. Hà)

Hôm 15/3, Ngân hàng Nhà nước có quyết định táo bạo, hạ lãi suất ngược chiều với xu hướng tăng trên thế giới. Đây là hành động chưa có tiền lệ nhưng được xem là hợp lý.

Cụ thể, NHNN hạ lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD giảm từ 7%/năm xuống 6%/năm.

Trước đó, theo thông lệ, ngân hàng trung ương các nước thường tăng lãi suất theo Fed như trong nhiều năm qua.