Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết năm 2022, tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng 14,18% nhưng 8 tháng đầu năm nay mới tăng 5,56%. Tiếp cận tín dụng bị hạn chế do rất nhiều nguyên nhân, cần được phân tích cụ thể.
Để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng và khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế, trong gần 9 tháng đầu năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tổ chức hàng loạt hội nghị, cuộc họp bàn, hội nghị kết nối để đồng hành, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế và toàn bộ doanh nghiệp.
Trong bối cảnh nền kinh tế chuẩn bị bước vào thời điểm 3 tháng cuối cùng của năm 2023, theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà, đây là thời điểm mà nhu cầu vốn tín dụng tăng cao để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh sôi động của người dân, doanh nghiệp dịp cuối năm.
Chính vì vậy, các tổ chức tín dụng và các cơ quan hữu quan cần tích cực tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng tại các tỉnh, thành trên cả nước, tiếp tục nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong việc tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng ngân hàng.
Từ đó, cùng nhau bàn và tìm các giải pháp tháo gỡ nhằm tiếp tục đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng vốn vay dễ dàng và hiệu quả hơn trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên có sự sụt giảm, trong đó dư nợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giảm 6,3%, doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm 9,78%. Bên cạnh đó, tín dụng lĩnh vực bất động sản giảm 23,79%; trong đó tín dụng kinh doanh bất động sản chiếm gần 53%, giảm 2,64%; dư nợ tín dụng bất động sản với mục đích tiêu dùng, tự sử dụng giảm mạnh 38,59%.