Từ việc hình thành Khu CNHT đầu tiên của Việt Nam

Hanssip là Khu công nghiệp (KCN) chuyên sâu đầu tiên của Việt Nam về CNHT. KCN này được quy hoạch phát triển lên tới 640 Ha nằm ngay cửa ngõ phía nam Thủ đô, thuộc đô thị vệ tinh công nghiệp và logistic Phú Xuyên với rất nhiều thuận lợi về giao thông.

Từ Hanssip dễ dàng kết nối với cảng Hải Phòng, sân bay Nội Bài và là đầu mối chuỗi liên kết sản xuất và thương mại dịch vụ với các KCN và địa phương liền kề  như Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình... thuộc vùng kinh tế đồng bằng Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội.

{keywords}
Khu công nghiệp chuyên về công nghiệp hỗ trợ Hanssip nằm tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội.

Đây cũng là KCN được quy hoạch, thiết kế và tư vấn kết nối thu hút đầu tư theo tiêu chuẩn Nhật Bản bởi tập đoàn tư vấn thiết kế Nikken Sekkei Civil. Theo đó, chuỗi sản xuất liên kết ngay tại KCN theo đơn đặt hàng chuỗi sản xuất toàn cầu.

Khi đi vào hoạt động theo quy hoạch phát triển, toàn bộ 640 ha của Hanssip sẽ hội tụ khoảng 1.500-2.000 doanh nghiệp lớn nhỏ, trực tiếp đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tương ứng tạo ra việc làm cho khoảng 150.000-200.000 lao động trực tiếp.

Qua gần 10 năm nghiên cứu, khảo sát, đầu tư phát triển và thu hút đầu tư, đã có nhiều DN trong nước và quốc tế quan tâm, ký kết các hợp đồng nguyên tắc, biên bản ghi nhớ để đầu tư tại KCN Hanssip.

Trong đó, có thể kể đến những tên tuổi khá nổi tiếng như Hiệp hội các nhà sản xuất linh kiện máy bay Nhật Bản vùng Cobe và Công ty Onaga là nhà sản xuất linh kiện hàng không cho Boeing, Airbus; Hiệp hội các doanh nghiệp dập đúc công nghệ cao của Nhật Bản, Công ty MBI - Hàn Quốc, chuyên sản xuất các sản phẩm sử dụng năng lượng tái tạo (xe điện, thiết bị năng lượng mới),...

Sự ra đời của KCN Hanssip cũng góp phần hình thành Hiệp hội các doanh nghiệp ngành CNHT Hà Nội. Ðến thời điểm này, có khoảng 200 hội viên là các công ty đang sản xuất nhiều sản phẩm cho các tập đoàn lớn nước ngoài như Honda, Canon,...

Có thể nói, sự ra đời của KCN Hanssip đã cụ thể hóa chủ trương phát triển bằng được ngành CNHT Việt Nam của Ðảng, Nhà nước và Chính phủ. Đồng thời thể hiện sự quyết tâm, tầm nhìn của thành phố Hà Nội trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Hiện thực hoá bằng những bước đi cụ thể

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp CNHT Hà Nội Nguyễn Hoàng cho biết, các doanh nghiệp ngành CNHT không chỉ ở KCN Hanssip mà còn ở các KCN khác tại Việt Nam đang quyết tâm mạnh mẽ vượt qua khó khăn, nhất là ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như hiện nay.

Đồng thời, ông Nguyễn Hoàng cũng cho rằng, các doanh nghiệp CNHT đang rất cần "bàn tay" của Nhà nước để hoàn thiện chính sách, cụ thể hóa cơ chế, chủ trương tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận những nguồn vốn ưu đãi để đẩy mạnh đầu tư, chung tay phát triển kinh tế đất nước và ngành CNHT Việt Nam.

Để có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào ngành CNHT, ngày 5/5, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 94/KH-UBND về Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội năm 2020, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo đó, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1.000 doanh nghiệp CNHT, trong đó 40% doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng, tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu; giá trị sản xuất của CNHT chiếm khoảng 18% giá trị sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng cho biết, chương trình phát triển CNHT của Hà Nội đã cụ thể hoá bằng việc triển khai 13 hoạt động nhằm kết nối doanh nghiệp CNHT với khách hàng trong và ngoài nước, xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài;

Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu; hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đổi mới công nghệ… Mục tiêu đặt ra là đưa chỉ số công nghiệp hỗ trợ tăng 12%, hết năm 2020 có 900 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT.

Ông Thắng cũng thông tin, Sở Công Thương đã triển khai chương trình kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp ngành CNHT. Dự kiến khoảng 700 lượt doanh nghiệp tham gia; trong đó, 100 doanh nghiệp trở thành nhà cung ứng trực tiếp cho các đơn vị sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh.

Khoảng 500 lượt doanh nghiệp được hỗ trợ tư vấn, đào tạo về quản trị; khoảng 300 lượt doanh nghiệp được hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ mới…

Hoàng Hiệp

Rộng đường cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển

Rộng đường cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển

Bộ Công Thương sẽ rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách mới phù hợp với các cam kết hội nhập để hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển.