Những tưởng “một vốn bốn lời” chỉ là nói quá về lợi nhuận mà cơn sốt trà chanh mang lại cho chủ kinh doanh; ấy vậy mà người ta hoàn toàn có thể pha được 4 lít trà chỉ từ 1 nắp hương liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Món mới vỉa hè
Dừng xe tại đầu phố, chị Nguyễn Thu Thảo (Hoàng Mai, Hà Nội) đặt một ly trà bí đao cho bữa sáng của mình. Giá một ly trà bí đao từ 15.000 đồng, nếu thêm các loại topping tăng thêm 5.000-10.000 đồng/cốc. Loại trà này được cửa hàng quảng cáo tốt cho sức khoẻ, không thuốc bảo quản, tốt cho sức khoẻ như giảm cân, đẹp da. Chính vì thế, những chị em công sở như chị Thảo khá yêu thích.
Chị Thảo cho hay, mỗi ngày chị uống 1-2 cốc vì mức giá khá hợp với ví tiền. “Một cốc cà phê ngồi ở quán đã 25.000-30.000 đồng, trong khi đó nước này uống tốt cho sức khoẻ và còn rẻ”, chị nói.
Từ khi xuất hiện, loại trà bí đao thu hút giới trẻ, đặc biệt là nhóm khách hàng từng quen thuộc với trà chanh. Vào buổi tối, điểm bán này tấp nập khách ra vào. Cơn sốt trà chanh vỉa hè lụi tàn dần thay thế vào đó là các loại trà mới.
Chị Thu Hồng, nhân viên bán hàng tại đây cho hay, trà bí đao rẻ hơn trà sữa. Một ly trà sữa có giá tối thiểu khoảng 50.000 đồng thì một ly trà bí đao chỉ 15.000 đồng. Người uống trà bí đao quan tâm tới sức khoẻ hơn do không có nhiều đường, dễ uống và phù hợp với túi tiền của đại đa số người tiêu dùng như học sinh, sinh viên. Mỗi ngày, chị bán được hàng trăm cốc uống tại chỗ, mang đi và đặt hàng online.
Cũng giống mô hình trà chanh trước đây, cửa hàng trà bí đao chỉ có một quầy pha chế nhượng quyền thương hiệu, bàn ghế gỗ vỉa hè, không cần view chảnh, cũng không cần máy lạnh điều hoà. Ngoài trà bí đao, điểm bán còn có thêm một số loại đồ ăn vặt. Theo chị Hồng, ngoài trà bí đao, trà dâu cũng đang khá thịnh hành trên nhiều con phố, thu hút giới trẻ.
Là khách hàng quen thuộc của quán, Mai Anh (ĐH Thăng Long) cho hay, trà bí đao không ngọt như trà chanh. Thỉnh thoảng, Mai Anh cùng nhóm bạn đều ra quán ngồi uống nước tán gẫu sau giờ học. Giá một ly trà bí đao cũng chỉ 15.000 đồng, khá hợp với sinh viên. “Người mua ngày càng quan tâm đến các vấn đề sức khỏe, lựa chọn nước giải khát không chỉ ngon mà còn phải có tác dụng giải nhiệt, thanh lọc cơ thể và có lợi cho sức khỏe”, Mai Anh nói.
Với tín đồ nước uống đường phố, trà dâu cũng là một thức uống đang phát triển khá nhanh. Từ một vài điểm bán, trà dâu đang có hệ thống chuỗi rộng khắp Hà Nội, tập trung chủ yếu quanh các trường đại học, khu vực học sinh. Là đồ uống nguồn gốc từ miền Nam, trà dâu được biến tấu cho phù hợp với người dân miền Bắc, biến thành trào lưu thưởng thức mới cho bộ phận lớn giới trẻ. Ưu điểm của loại nước này vẫn là giá rẻ, phù hợp với nhiều người.
Cạnh tranh với các đại gia
Các quán trà bí đao, trà dâu đang cạnh tranh trực tiếp với các loại uống đóng chai tương tự của nhiều đại gia lớn như Vinamilk, TH, Tribeco, Tân Hiệp Phát, Wonderfarm. Giá các loại nước giải khát dao động từ 10.000-20.000 đồng/sản phẩm - mức giá tương đối hợp lý với đa số khách hàng. Ưu thế của các đại gia này là công nghệ, quảng cáo tiếp thị nhưng lại không có hệ thống phân phối bán lẻ như các kiôt vỉa hè.
Đồ uống như các loại trà đang là một thị trường nhiều tiềm năng. Theo Euromonitor International (Anh Quốc), Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ, với độ tuổi trong nhóm 15-54, chiếm gần 62,2% nên có nhu cầu cao về các loại nước giải khát.
Giai đoạn 2017-2019, trước khi dịch Covid-19 bùng nổ, mức tăng trưởng hàng năm của ngành nước giải khát Việt Nam lên đến 6-7%/năm, trong khi các nước như Pháp, Nhật Bản... chỉ khoảng 2% năm. Dự báo, đến năm 2025, doanh thu ngành nước giải khát Việt Nam đạt gần 6 tỷ USD, mức tăng trưởng bình quân 6,3%/năm nên có sức hút rất lớn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, hiện trung bình người Việt chỉ tiêu thụ 23 lít nước giải khát/năm, thấp hơn rất nhiều so với mức 40 lít/năm của người tiêu dùng thế giới. Với áp lực từ đại dịch, người tiêu dùng càng có thêm động lực để chi trả cho các sản phẩm tốt cho sức khỏe.
Theo bà Vân Anh, chuyên gia trong ngành, mức thu nhập của người tiêu dùng ngày càng tăng, doanh nghiệp đồ uống cần chú trọng đầu tư nghiên cứu phát triển những dòng sản phẩm cao cấp có lợi cho sức khỏe để đón đầu thị trường tiêu thụ thuộc phân khúc này.
Tuy nhiên, để chiếm lĩnh thị trường và như một món đồ uống quen thuộc không hề đơn giản. Trà chanh từng là một loại đồ uống nở rộ sau đó đã sớm lụi tàn nhanh chóng.
Hay như sữa uống đậu nành Soya Garden từng rầm rộ một thời gian lên tới hàng trăm điểm bán nhưng cũng rời bỏ thị trường. Startup này nhận được số vốn đầu tư lên đến 20 tỷ đồng trong giai đoạn I, thay vì 15 tỷ đồng như dự định ban đầu. Đầu năm 2019, ông Thủy quyết định nâng mức đầu tư lên 45 tỷ đồng; đến tháng 4 cùng năm, dự án chính thức nhận được số vốn là 100 tỷ đồng.
Trên thực tế, Soya chưa thành công trong việc tạo dựng được sản phẩm nổi bật gắn với thương hiệu của mình. Hương vị thức uống của Soya không đủ sức gây nghiện, trong khi giá bán lại khá cao, từ 45.000-60.000 đồng/món đồ uống.
Câu chuyện của trà chanh, hay sữa đậu nành là một bài học đắt giá để các loại trà tiếp theo như bí đao, trà dâu học hỏi. Loại thức uống mới này có tồn tại lâu không vẫn là câu hỏi khó.