Lúc 3h42 phút sáng ngày 28/7/1976, một trận động đất dữ dội, với cường độ ước tính 7,8 - 8,2 độ Richter đã san phẳng cả Đường Sơn, một thành phố công nghiệp có khoảng 1 triệu dân của Trung Quốc.
Gần như mọi người đều đang say giấc nồng vào thời điểm "đất mẹ" nổi cơn thịnh nộ cách đây 42 năm. Vì vậy, số trường hợp thương vong đặc biệt cao khi cơn địa chấn bất thần ập đến lúc rạng sáng, khiến hầu hết các ngôi nhà và công trình xây dựng khác ở Đường Sơn đổ sụp.
Với số người thiệt mạng ước tính từ trên 200.000 - 600.000 người ở Đường Sơn và các khu vực lân cận, thảm họa được xếp vào dạng gây chết chóc nhất lịch sử thế giới hiện đại, vượt qua cả cơn địa chấn Calcutta, Ấn Độ năm 1737 (300.000 người chết) và có thể chỉ xếp sau ác mộng động đất ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc năm 1556 (tới 830.000 người được tin đã tử nạn trong sự cố này).
Theo các chuyên gia, do nằm kẹt giữa các mảng kiến tạo Ấn Độ và Thái Bình Dương, Trung Quốc tọa lạc ở khu vực xảy ra các hoạt động địa chất sôi động, đặc biệt là động đất. Các cơn địa chấn cũng đóng một vai trò quan trọng trong nền văn hóa và khoa học của đất nước này. Chính người Trung Quốc đã phát triển các địa chấn kế hoạt động được đầu tiên trên thế giới.
Ảnh: History.com |
Khu vực phía bắc Trung Quốc, nơi chịu tác động trực tiếp từ vụ động đất Đường Sơn đặc biệt dễ bị ảnh hưởng trước các vận động hướng tây của mảng lục địa Thái Bình Dương.
Trong những ngày trước thảm họa, người dân địa phương bắt đầu ghi nhận hiện tượng lạ trong và xung quanh vùng Đường Sơn. Nước trong các giếng khơi tăng rồi giảm xuống bất thường. Những con chuột chạy thành đàn hoảng loạn giữa ban ngày. Gà nuôi nhốt không chịu ăn, khiến các chủ nuôi vô cùng lo lắng.
Trong tối 27/7 và đầu giờ sáng ngày 28/7/1976, nhiều người cho biết đã nhìn thấy các chớp sáng nhiều màu sắc và các quả cầu lửa xuất hiện. Tuy nhiên, đến 3h42 sáng ngày 28/7, khi hầu hết mọi người đang chìm sâu vào giấc ngủ thì trận động đất mới ập đến.
Ảnh: China Daily |
Cơn địa chấn dữ dội diễn ra chỉ 23 giây, nhưng đã san phẳng 90% các tòa nhà ở Đường Sơn. CCTV dẫn lời các chuyên gia nhận định, sức hủy diệt của trận động đất này tương đương 400 quả bom nguyên tử ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật trong Thế chiến thứ hai. Sự cố cũng cướp đi sinh mạng của ít nhất 1/4 cư dân ở trong và xung quanh thành phố, cũng như khiến 164.000 người khác bị thương.
Ảnh: China Daily |
Động đất còn dẫn đến hỏa hoạn và cháy nổ khí độc ở các nhà máy Đường Sơn. Điện và nước bị cắt. Các tuyến đường giao thông và đường sắt bị hư hại nặng.
Chính phủ Trung Quốc đã không chuẩn bị tốt đủ để đối phó với thảm họa nghiêm trọng đến mức như vậy. Một ngày sau động đất, các trực thăng và máy bay cứu hộ mới bắt đầu thả nhu yếu phẩm và thuốc men xuống vùng bị thiên tai.
Ảnh: China Daily |
Khoảng 100.000 binh sĩ Trung Quốc được lệnh tới Đường Sơn ứng cứu, nhưng rất nhiều người trong số họ phải hành quân bộ từ Cẩm Châu, nơi nằm cách đó hơn 290km. Nhà chức trách cũng điều động gần 30.000 nhân viên y tế và 30.000 công nhân xây dựng tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn.
Đáng chú ý, Bắc Kinh từ chối mọi sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế. Trong tuần quan trọng đầu tiên sau động đất, nhiều người tử vong vì thiếu sự chăm sóc y tế.
Ảnh: History.com |
Công tác giải cứu nạn nhân khỏi các đống nát gặp nhiều khó khăn do điều kiện khách quan và cả việc các nhân viên cứu hộ thiếu kinh nghiệm xử lý trong những tình huống khẩn cấp. Nạn hôi của ở vùng thiên tai cũng khiến nhà chức trách địa phương đau đầu giải quyết.
Bộ phim "Aftershock" (Dư chấn) của điện ảnh Trung Quốc năm 2010 đã tái hiện lại những gì từng xảy ra trong thảm họa động đất Đường Sơn năm 1976.
Theo các số liệu thống kê, hơn 160.000 gia đình bị mất nhà cửa vì động đất. Hơn 4.000 đứa trẻ bỗng chốc lâm vào tình cảnh mồ côi sau sự cố. Tổn thất đối các khu vực bị ảnh hưởng ước tính lên tới tổng cộng gần 10 tỉ Nhân dân tệ (tương đương hơn 1,46 tỉ USD hiện nay).
Ảnh: China Daily |
Chính phủ Trung Quốc ban đầu công bố số trường hợp tử nạn chính thức là 655.000 người, nhưng sau đó giảm xuống còn 240.000 - 255.000 người. Song, một số nguồn tin của Trung Quốc thống kê, số trường hợp thiệt mạng vì cơn địa chấn kinh hoàng phải lớn hơn nhiều, có thể lên tới hơn 500.000 người.
Đường Sơn rốt cuộc cũng được tái thiết hoàn toàn và phát triển khang trang hơn xưa. Công tác phòng ngừa động đất tại thành phố công nghiệp này hiện được đánh giá là đầy đủ và đạt chuẩn. Ước tính có gần 2 triệu dân đang cư trú ở đây.
Đài tưởng niệm nạn nhân động đất ở Thiên Tân. Ảnh: Wikipedia |
Tuấn Anh
Ông Trump "đổ thêm dầu vào lửa", Trung Quốc náo động
Chính phủ và các nhà phân tích Trung Quốc chỉ trích các động thái "đổ thêm dầu vào lửa", làm leo thang chiến tranh thương mại của chính quyền Tổng thống Mỹ Trump.
Ngày này năm xưa: Kết cục bi thảm của kẻ sát nhân có thật trong phim kinh dị
Ngày 26/7/1984, Ed Gein, kẻ sát nhân chuyên lột da tử thi, chết trong tù vì biến chứng ung thư. Hắn là nguyên mẫu cho nhiều bộ phim kinh dị của Hollywood.
Ngày này năm xưa: 'Vụ xét xử thế kỷ' chấn động nước Mỹ
Ngày 21/7/1925, John T. Scopes, một giáo viên trung học bị kết tội vi phạm luật cấm dạy Thuyết tiến hóa ở bang Tennessee, trong "vụ xét xử thế kỷ" của Mỹ.
Bị ép làm nô lệ tình dục, cô gái trẻ bắn chết bạn trai trong xe
Cảnh sát Thái Lan vừa bắt giữ một nữ trợ lý y tá thực tập trẻ tuổi vì dùng súng bắn chết bạn trai trong xe hơi của anh ta ở quận Bang Na, thủ đô Bangkok.
Những quy tắc khắt khe vợ Hoàng tử Anh phải theo khi có thai
Nếu mang bầu, Công nương Meghan Markle, người được mệnh danh "Nàng Lọ lem của Hoàng gia Anh" sẽ phải tuân thủ các quy tắc khắt khe.
Ông Trump lại gây sốc khi 'đổi giọng' về cuộc gặp với Putin
Tổng thống Trump tiếp tục khiến dư luận ngỡ ngàng khi đổi giọng, khẳng định đã buộc ông Putin phải chịu trách nhiệm cá nhân về việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ.