Tại tỉnh Nghệ An, xã Diễn Kỷ là một trong hai địa phương được huyện Diễn Châu lựa chọn xây dựng nông thôn mới nâng cao. Do vậy, công tác xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật rất được coi trọng. 

Theo đó, xã đã phân công từng cán bộ liên quan phụ trách và chấm điểm từng tiêu chí với hồ sơ minh chứng chặt chẽ. Ví như đối với việc thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền UBND cấp xã, ngoài niêm yết công khai đầy đủ, kịp thời, việc tiếp nhận, xử lý, phản ánh, kiến nghị và giải quyết các thủ tục hành chính cũng được thực hiện với phương châm đúng trình tự, thủ tục, nhanh gọn.

Bên cạnh đó, tất cả các chỉ tiêu trong tiêu chí phổ biến pháp luật đều được rà soát thực hiện nghiêm túc. Từ việc công khai văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức lấy ý kiến nhân dân về các dự thảo quy phạm pháp luật, đến quán triệt, phổ biến chính sách pháp luật có liên quan. Đặc biệt, UBND xã Diễn Kỷ đã chỉ đạo toàn hệ thống chính trị tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên mạng xã hội và qua các trang fanpage của tổ chức, đoàn thể.

Bà Hoàng Thị Xuyên, Trưởng phòng Tư pháp huyện Diễn Châu cho hay, xác định việc xây dựng xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật không phải là nhiệm vụ riêng của ngành tư pháp mà của cả hệ thống chính trị, huyện Diễn Châu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, phấn đấu hàng năm có ít nhất từ 35 xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành xây dựng các giải pháp thực hiện đảm bảo đạt và ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, gắn với mục tiêu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, giai đoạn 2021 - 2025.

Ảnh chụp Màn hình 2024 07 11 lúc 09.19.55.png
Công an huyện Diễn Châu hướng dẫn cập nhật mã định danh điện tử cho người dân.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong xây dựng nông thôn mới, những năm qua, các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả, thiết thực. Qua đó, đảm bảo quyền được tiếp cận thông tin của công dân đối với các quy định của pháp luật, xây dựng nền hành chính cơ sở ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, góp phần vào quá trình xây dựng nông thôn mới hiệu quả.

Theo ông Lê Bá Thiệu, Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An, công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nền nếp; nhận thức của đội ngũ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, nhất là cấp xã về công tác này từng bước được nâng cao. 

Tại các địa phương, nhiều đơn vị đã có sự phân công cụ thể cho các công chức trực tiếp thực hiện và chịu trách nhiệm triển khai các chỉ tiêu, tổng hợp tài liệu, xây dựng bộ hồ sơ minh chứng và tự chấm điểm theo các tiêu chí.

Năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 403/460 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt tỷ lệ 87,61%. Trong đó, các đơn vị cấp huyện có tỷ lệ đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cao là thành phố Vinh, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Tân Kỳ, thị xã Thái Hòa, Quỳ Châu, Nghi Lộc, Diễn Châu, Yên Thành, thị xã Hoàng Mai, thị xã Cửa Lò.

Việc thực hiện đầy đủ các tiêu chí đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, nhân dân; bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin của công dân đối với các quy định của pháp luật; góp phần xây dựng nền hành chính ở cơ sở ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại.

Trong năm 2024, Nghệ An đề ra mục tiêu tiếp tục nâng cao số lượng và chất lượng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Để đạt mục tiêu này, tỉnh sẽ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp như: Nâng cao nhận thức của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp về tầm quan trọng của việc thực hiện công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật để có sự chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở đối với các công chức được giao theo dõi các tiêu chí, chỉ tiêu.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tập hợp tài liệu đánh giá và có sự tham mưu kịp thời đối với lãnh đạo cấp xã để chỉ đạo các công chức khác phối hợp hiệu quả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Nâng cao chất lượng, nhân rộng các mô hình điển hình, cách làm hay trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở; thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp với Tòa án Nhân dân cấp huyện, Hội Luật gia cấp huyện.

Tổ chức sơ kết, tổng kết nhằm đánh giá toàn diện kết quả, nhận diện khó khăn, vướng mắc, làm rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm; triển khai các giải pháp huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm thực hiện có hiệu quả quy định về cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước ở cơ sở và thực hiện tốt hơn quyền tiếp cận thông tin, tiếp cận pháp luật của người dân nhằm thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôp mới thực chất, hiệu quả.