Với vị trí địa lý kinh tế - chính trị hết sức thuận lợi, vùng biển được xem là một cửa ngõ quan trọng, là “mặt tiền” không chỉ riêng của Nghệ An mà cả khu vực Bắc Trung Bộ, là cầu nối thực hiện các hoạt động giao lưu và hội nhập quốc tế. 

Nghệ An xác định phát triển vùng biển trở thành vùng kinh tế mũi nhọn, trong đó ưu tiên phát triển các ngành: dịch vụ cảng biển; dịch vụ du lịch biển; công nghiệp đóng và sửa chữa tàu thuyền; khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản.

bdbp u ly.jpg
Toàn tỉnh hiện có 1.069 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt tỷ lệ 95,87%.

Với những tiềm năng sẵn có, cùng các chính sách hỗ trợ, sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương xuống địa phương và sự nỗ lực của người dân có thể nói trong những năm qua, kinh tế biển nói chung, kinh tế thủy sản nói riêng có những bước phát triển đáng ghi nhận. 

Cơ cấu kinh tế nội ngành tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, đến cuối năm 2022, tỷ trọng của ngành khai thác trong ngành thủy sản chiếm 63%.

Hiện nay, toàn tỉnh có 3.614 tàu thuyền khai thác thủy sản. Trong đó, tàu cá thuộc diện phải đăng ký (có chiều dài lớn nhất từ 6m trở lên) đến ngày 18/10/2023 là 2.717 chiếc, trong đó có 2.470 chiếc đã được đăng ký và được cập nhật lên hệ thống cơ sở dữ liệu Vnfishbase (đạt 90,91%).

Nghề khai thác hải sản nơi đây khá đa dạng, với nhiều loại ngư lưới cụ, tập trung chủ yếu vào 07 nhóm nghề. 

Lao động khai thác thủy sản không ngừng nâng cao năng lực trình độ chuyên môn, đến 18/10/2023 số lượng lao động tham gia khai thác thủy sản toàn tỉnh trên 16.660 người. Trong đó, số lao động khai thác vùng khơi là 8.408 người, số lao động khai thác vùng lộng là 3.109 người, số lao động khai thác vùng ven bờ là 5.143 người.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng sản lượng khai thác năm 2022 đạt 201.198,1 tấn, giá trị đạt 4.788,07 tỷ đồng, trong đó khai thác biển đạt 193.885,3 tấn, bằng 106,53% so với kế hoạch năm, bằng 100,47% so với cùng kỳ năm trước; khai thác nội đồng đạt 7.312,8 tấn, bằng 146,26% so với kế hoạch năm, bằng 105,68% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 10/2023, sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 19.435 tấn, giá trị ước đạt 389,5 tỷ đồng; trong đó khai thác biển đạt 18.740 tấn, bằng 10,02% so với kế hoạch năm, bằng 101,52% so với cùng kỳ năm trước; khai thác nội đồng đạt 695 tấn, bằng 13,9% so với kế hoạch năm, bằng 103,89% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế đến tháng 10/2023, sản lượng khai thác ước đạt 178.902 tấn, giá trị ước đạt 4.090,8 tỷ đồng, đạt 93,17% so với kế hoạch năm, bằng 103,18% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khai thác biển đạt 172.665 tấn, bằng 92,33% so với kế hoạch năm, bằng 103,14% so với cùng kỳ năm trước; khai thác nội đồng đạt 6.237 tấn, bằng 124,74% so với kế hoạch năm, bằng 104,3% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện nay, Nghệ An đã có 4 cảng cá được Nhà nước đầu tư xây dựng, gồm cảng cá Quỳnh Phương, cảng cá Lạch Quèn, cảng cá Lạch Vạn và cảng cá Cửa Hội. Tỉnh cũng đã được quy hoạch 5 khu neo đậu tránh trú bão với tổng sức chứa cho tàu cá vào tránh trú bão là 3.100 chiếc; trong đó có 1 khu cấp vùng và 4 khu cấp tỉnh.

Thời gian qua, Nghệ An đã rất nỗ lực trong hoạt động chống khai thác IUU. Đến nay, tỉnh đã thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo IUU của tỉnh, ban hành Nghị quyết, Chỉ thị, cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả chống khai thác IUU theo chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia về IUU như: Hỗ trợ kinh phí cho ngư dân lắp đặt thiết bị VMS, bố trí nguồn lực tại cảng cá…; tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao để tàu cá địa phương tiếp tục vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. 

Bên cạnh đó, thực thi Luật Thủy sản và các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU, UBND tỉnh cũng đã ban hành 66 văn bản để chỉ đạo, điều hành công tác chống khai thác IUU, giao trách nhiệm cho các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị ven biển. 

Trong đó đã ban hành nhiều chương trình, đề án, kế hoạch, chính sách hỗ trợ cho ngư dân phát triển sản xuất bền vững, chống khai thác IUU, như Chương trình phát triển kinh tế thủy sản tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; hỗ trợ ngư dân lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, cước phí duy trì tín hiệu, kinh phí chuyến biển cho tàu cá vùng khơi; hoàn thành nhiệm vụ điều tra, đánh giá nguồn lợi hải sản vùng ven bờ và vùng lộng tỉnh Nghệ An, đề xuất các giải pháp khai thác bền vững giai đoạn 2021-2025; triển khai nhiệm vụ chuyển đổi nghề khai thác hải sản xâm hại, hủy diệt nguồn lợi thủy sản sang các nghề có tính chọn lọc cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Để công tác chống khai thác IUU đạt hiệu quả, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt việc khắc phục các tồn tại, hạn chế. Đồng thời, tăng cường công tác phối kết hợp trong thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU giữa các lực lượng, chính quyền địa phương; ký kết quy chế, kế hoạch phối hợp thực hiện giữa  các địa phương và lực lượng liên quan. 

Nhờ làm tốt công tác phối kết hợp đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, nêu cao được tinh thần trách nhiệm của các bên liên quan, khắc phục được những khó khăn, vướng mắc, từ đó nâng cao hiệu quả công tác chống khai thác IUU.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 2470 tàu cá được cấp đăng ký, đạt 90,91%; 100% số tàu được cập nhật dữ liệu tàu cá lên phần mềm VNFishbase; có 1.069 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt tỷ lệ 95,87%; việc theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá thông qua VMS được tổ chức trực 24/24h....

Từ đầu năm đến nay, Chi cục Thủy sản thành lập 34 đoàn kiểm tra sử dụng tàu kiểm ngư, xuồng công tác thực hiện tuần tra, kiểm soát trên biển 133 ngày công tác, kiểm tra được 571 lượt phương tiện.