Thông tin từ Sở Y tế Nghệ An cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 38 bệnh viện, trong đó có 23 bệnh viện công lập và 15 bệnh viện ngoài công lập. Đến thời điểm hiện nay, có 28/38 đơn vị đã triển khai được việc thanh toán viện phí qua ngân hàng, đạt tỷ lệ 73,6%.

thanh toan benh vien.jpg
Chỉ mất khoảng 2 phút, người dân đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện đã thực hiện xong việc thanh toán viện phí mà không cần qua quầy thu ngân của bệnh viện.

Triển khai thực hiện Kế hoạch số 216/KH-UBND ngày 31/3/2022 của UBND tỉnh Nghệ An và Kế hoạch 1190/KH-BYT ngày 10/9/2022 của Bộ Y tế về việc thúc đẩy triển khai thanh toán chi phí dịch vụ khám chữa bệnh không dùng tiền mặt, góp phần thực hiện chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, đồng thời hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An đã đầu tư hạ tầng công nghệ, máy móc trang thiết bị, kết nối hệ thống phần mềm với ngân hàng phục vụ cho thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. 

Theo đó, từ tháng 6/2023, người dân đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện này, khi thực hiện thanh toán viện phí hay mua thuốc thì chỉ cần đăng nhập ứng dụng Mobie Banking của các ngân hàng, quét mã QR hiển thị trên phiếu chỉ định cần thanh toán; sau đó kiểm tra, xác nhận thông tin giao dịch và thực hiện giao dịch nhanh chóng mà không cần qua quầy thu ngân của bệnh viện.

Hiện nay, trung bình mỗi ngày Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An đón tiếp từ 1500-1800 lượt bệnh nhân. Trong những ngày cao điểm, số lượng bệnh nhân xếp hàng chờ đợi đến lượt thanh toán viện phí và các dịch vụ y tế rất đông, từ ngày bệnh vện triển khai thanh toán không dùng tiền mặt đã giúp người bệnh thực hiện thanh toán đơn giản, nhanh gọn, rút ngắn thời gian khám chữa bệnh từ 15-20 phút, đặc biệt là đảm bảo chính xác và an toàn cho người sử dụng, hạn chế những rủi ro phát sinh khi thanh toán tiền mặt, góp phần đơn giản hóa thủ tục, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ, hướng đến sự hài lòng của người dân. 

Chị Trần Hà Lê (ở Quỳnh Lưu) cho biết, cách đây 2 năm trước, khi đến bệnh viện này khám thì tôi mất cả ngày trời mới xong, nhất là lúc nộp tiền khám là mất thời gian lâu nhất, có những lúc phải xếp hàng dài chờ cả tiếng đồng hồ mới xong. Khi khám xong ra mua thuốc cũng rất mất thời gian vì phải chờ để thanh toán. Tuy nhiên, hôm nay, đưa chồng tôi đi khám tôi thấy thủ tục khám bệnh nhanh hơn hẳn, đặc biệt là việc không nộp viện phí bằng tiền mặt, thay vào đó là quét mã Qrcode rất nhanh, rất thuận tiện và an toàn. Nhờ đó, thay vì phải mất cả ngày như trước đây thì giờ tôi chỉ mất buổi sáng là có thể hoàn thành hết mọi thủ tục khám bệnh”.

Không riêng gì Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An, hiện tại, các bệnh viện như: Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, Bệnh viện Mắt Nghệ An, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đã được các bệnh viện triển khai giúp cho người bệnh không còn phải xếp hàng đợi thanh toán; giảm thiểu rủi ro giao dịch tiền mặt… Đồng thời giúp bệnh viện giảm chi phí quản lý, kiểm đếm; rút ngắn quy trình khám, chữa bệnh; tích hợp với hệ thống thông tin bệnh viện, hồ sơ bệnh án điện tử, góp phần đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số tại các bệnh viện.

Theo Sở Y tế tỉnh Nghệ An, để triển khai hiệu quả thanh toán không dùng tiền mặt trong hệ thống bệnh viện tỉnh rộng rãi hơn nữa, Sở Y tế đặt ra mục tiêu đến năm 2025, 100% các cơ sở y tế trong tỉnh triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt; đến năm 2030, các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt và các cơ sở khám, chữa bệnh khu vực đô thị đạt tối thiểu 50% trên tổng số thanh toán viện phí.

Để đạt được mục tiêu trên, theo Sở Y tế, ngoài sự đầu tư đồng bộ về trang thiết bị công nghệ thông tin, còn cần có sự áp dụng phương thức phù hợp với từng nhóm đối tượng bệnh nhân, quan trọng nhất là phải thay đổi được thói quen dùng tiền mặt của đại đa số người dân. 

Sở Y tế tỉnh cho biết, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị khắc phục các khó khăn và tăng cường hơn nữa các biện pháp truyền thông để việc triển khai thanh toán viện phí qua ngân hàng đạt kết quả cao hơn.

Theo đó, Sở sẽ chỉ đạo các bệnh viện phối hợp với các ngân hàng thương mại và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép, đẩy nhanh tiến độ triển khai đa dạng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng yêu cầu của người dân khi tham gia khám, chữa bệnh. Khi triển khai đồng bộ và sâu rộng hình thức này thì các cơ sở y tế trong tỉnh sẽ  thêm phương thức để kế toán và có thể kiểm soát việc tiền về tài khoản bệnh viện ngay khi khách hàng thực hiện giao dịch thành công.

Về phía các bệnh viện, cần đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng trang thiết bị như hệ thống mạng, Wifi...; phải xây dựng kế hoạch triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt tại đơn vị, có lộ trình triển khai cụ thể; đồng thời tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ cho nhân viên để có thể hỗ trợ bệnh nhân một cách nhanh chóng, cũng như có kiến thức để phát hiện những vấn đề liên quan đến gian lận trong hoạt động này một cách hiệu quả; đặc biệt là phải tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn về những lợi ích từ việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt qua các trang mạng xã hội, website của đơn vị cho người dân.

Nguyễn Lê và nhóm PV, BTV