Gián đoạn 4 năm do đại dịch Covid-19, Liên hoan Văn hóa Nghệ thuật dân gian Việt Nam lần 2, 2023 trở lại từ ngày 29/4 - 1/5 tại khu vực đi bộ đường Nguyễn Huệ (Quận 1, TP.HCM).
Đại diện Sở VH&TT TP.HCM nói Liên hoan có ý nghĩa với người trẻ khi diễn ra trong không khí cả nước hân hoan hướng về ngày Giỗ Tổ Hùng vương.
Tổng đạo diễn - NSND Vương Duy Biên cho hay dấu ấn của Liên hoan là tất cả diễn xướng dân gian sẽ được thể hiện trong không gian đậm đà bản sắc mang đặc trưng của vùng đất mà tác phẩm ra đời.
Nét đặc sắc trong văn hóa truyền thống của 3 miền Bắc – Trung – Nam được trình bày một cách mới mẻ thông qua vật dụng, chất liệu của mỗi vùng miền.
Cụ thể, sân khấu miền Bắc sẽ được lấy cảm hứng từ cờ hội, áo tứ thân và những tấm lụa được phơi sau khi nhuộm. Sân khấu miền Trung dùng màu nâu chủ đạo với các hình ảnh của thuyền thúng, lưới, nơm... Còn sân khấu miền Nam mô phỏng vẻ đẹp của đồng lúa, sông rạch, cây trái...
Sự kiện có khu vực để người tham quan chơi 17 trò chơi dân gian như: ô ăn quan, nhảy dây, lò cò, banh đũa, cướp cờ, kéo mo cau...
Một số loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian được biểu diễn trong Liên hoan lần này có: quan họ, chầu văn, chèo, hát bài chòi, múa bóng rỗi, đờn ca tài tử, múa Khmer Nam bộ, xoè Thái…
Trong không gian trưng bày các nhạc cụ dân tộc, mỗi nhạc cụ đều có người phụ trách giới thiệu. Họ sẵn sàng hướng dẫn người tham quan chơi nhạc cụ trải nghiệm.
"Tôi tâm đắc nhất việc đưa văn hóa dân gian ra phố đi bộ Nguyễn Huệ - trung tâm của thành phố. Nhờ đó, giới trẻ và du khách có thể tiếp cận văn hóa đặc sắc của dân tộc ta", Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam nói.
Bà Hồng Diễm - Phó Trưởng ban tổ chức, tác giả của chương trình Liên hoan - cho biết toàn bộ nội dung của Liên hoan thuần túy là văn hóa nghệ thuật dân gian truyền thống của Việt Nam, không có sự pha trộn.
"Giới trẻ cần biết rõ gốc gác văn hóa nghệ thuật dân gian của dân tộc trước khi tiếp cận những sản phẩm giao thoa giữa truyền thống và hiện đại. Khi giới trẻ chưa rõ nguồn gốc mà đã vội đưa cái mới vào, tôi sợ rằng họ sẽ tiếp tục hiểu chưa đúng về văn hóa nghệ thuật dân gian truyền thống", bà Diễm nói.
Theo bà Diễm, Liên hoan lần 2 vẫn có một vài tiết mục biểu diễn kết hợp giữa mới và cũ, truyền thống và hiện đại, bình dân và bác học sẽ được tiết lộ trong sự kiện khai mạc sắp tới.
Buổi công bố thông tin, nghệ nhân mặt nạ thời gian Bùi Quý Phong chia sẻ đã từ chối một công việc có mức thù lao hàng trăm triệu đồng để tham gia Liên hoan Văn hóa Nghệ thuật dân gian Việt Nam lần 2.
Đến Liên hoan, ông còn mang theo 150 chiếc mặt nạ thời gian thuần Việt trị giá 45 triệu đồng để tặng miễn phí cho người tham quan.
Trong khi đó, nghệ nhân ưu tú Trần Văn Xén - truyền nhân duy nhất của nghệ thuật múa trống Chhay-dăm được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia - hãnh diện về những "nghệ nhân nhí" là học trò sẽ cùng mình tham gia biểu diễn tại Liên hoan.