W-thach-thao-22-1.jpg

Thôn Lao Xa (cách trung tâm thị trấn Đồng Văn, Hà Giang khoảng 25km) là nơi sinh sống của người dân tộc H'Mong. Tại đây có gia đình ông Mua Sè Sính, nghệ nhân chạm bạc nổi tiếng khắp vùng.

W-thach-thao-10-1.jpg

Ở tuổi 72, hàng ngày ông Sính vẫn cặm cụi tỉ mẩn chế tác đồ trang sức bằng bạc. Từ khi còn nhỏ, nghệ nhân đã học nghề từ cha và ông nội. Đến năm 16 tuổi, ông thành thợ làm bạc chắc tay trong vùng. 

W-thach-thao-21-1.jpg

Do tuổi đã cao, ông Sính bắt đầu truyền dạy nghề cho con và cháu trai trong gia đình đã vài năm qua. Như vậy tính đến nay, gia đình ông đã có 5 đời tiếp nối chuyên làm ra sản phẩm bạc thủ công.

W-thach-thao-4-1.jpg

"Mắt tôi kém dần nên không còn làm được nhiều như trước, trong khi đó đồ bạc được đặt làm ngày một nhiều. Khách đến đây không chỉ người trong vùng mà còn ở khu vực lân cận hay khách du lịch. Rất may gia đình tôi con cháu đều theo nghiệp nên mình cũng yên tâm", nghệ nhân nói.

W-0c072fb8a9067e582717-1.jpg

"Thông thường, ở các gia đình làm nghề chạm bạc giữ rất kỹ các bí quyết và chỉ truyền dạy cho con cháu. Vậy nên những người đến nhà tôi học việc đều là họ hàng ruột thịt", ông Mua Chìa Sò (bên trái, con trai ông Sính) nói.

W-thach-thao-9-1.jpg

Các trang sức làm từ bạc có vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con H'Mong ở Hà Giang. Trong quan niệm của người dân nơi đây, bạc là vật liệu thiêng có thể đuổi tà ma, gió độc, đồng thời là hồn cốt, tập tục để tưởng nhớ cội nguồn, biết tổ tiên.

W-thach-thao-1.jpg

Các công đoạn làm bạc thủ công vẫn cần thêm sự hỗ trợ của một vài loại máy móc đơn giản. Nguyên liệu được gia đình tìm mua tại những phiên chợ vùng cao, chủ yếu là những đồ bằng bạc lâu năm đã bị hỏng. 

Sau khi mang bạc về, họ mang nung chảy bằng một chiếc khò, đổ khuôn, rát mỏng rồi tạo hoa văn theo ý muốn.

W-thach-thao-2-1.jpg

Mua Tiểu Bảo (cháu nội ông Sính) trở thành đời thứ 5 trong gia đình theo nghề chạm bạc. Bảo cho biết, học hết THPT trở về học việc, phụ giúp bố và ông nội. Sau 3 năm cần mẫn, đến nay cậu đã trở thành thợ cứng, có thể tự làm ra các sản phẩm riêng biệt. "Ở trong bản, kinh tế các gia đình chủ yếu làm nương rẫy. Chạm bạc vì thế trở thành nghề mang lại kinh tế ổn định, nuôi sống gia đình tôi qua nhiều thế hệ. Chẳng có lý do gì mình lại không tiếp nối", Bảo nói.

W-thach-thao-16-1.jpg

Hiện, ngôi nhà của ông Sính ngoài là xưởng sản xuất còn trở thành điểm tham quan của các vị khách phương xa. Nhiều người tấm tắc, trầm trồ khi nhìn thấy những sản phẩm được làm tinh xảo, đẹp mắt.

W-thach-thao-15-1.jpg

Các sản phẩm trang sức bằng bạc ở Lao Xa không chỉ tinh tế mà còn phong phú về chủng loại như: nhẫn, lắc tay, lắc chân, vòng cổ… Các hoa văn được tạo hình chủ yếu là hoa, lá, núi rừng. Ngày nay, để phục vụ nhu cầu của khách hàng, các sản phẩm còn có thể khắc tên hoặc đặt làm theo ý muốn.

W-thach-thao-11-1.jpg

Theo phong tục của người H'Mong, trang sức bằng bạc được sử dụng trong các dịp lễ, Tết hoặc tặng cho con gái làm của hồi môn khi về nhà chồng. Do đó nghề chạm, khắc bạc ở Lao Xa có điều kiện gìn giữ và phát huy. Tùy vào điều kiện các gia đình, một chiếc vòng bạc làm hồi môn sẽ có giá 15-20 triệu đồng.