Phiên tòa xét xử cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn chưa tuyên án nhưng rất nhiều người đã bày tỏ thái độ chua chát, tiếc thương cho một tài năng sẽ phải chịu án phạt tù giam vì tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Không chua chát, không xót xa sao được khi một vị giáo sư đầu ngành về tim mạch, đã từng cùng tập thể y, bác sỹ Bệnh viện Tim Hà Nội cứu sống hàng ngàn trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh, hàng ngàn bệnh nhân tim.
Nhiều người tìm cách lý giải nguyên nhân dẫn đến việc một nhà chuyên môn rất giỏi của ngành y lại dính vào vòng lao lý. Họ cho rằng, ông Nguyễn Quang Tuấn cũng như nhiều quan chức nhúng chàm trong thời gian qua, một phần rất quan trọng là “do cơ chế”. Theo họ, cơ chế quản lý hiện hành đã và đang làm hỏng cán bộ, họ bị “cuốn”, chấp nhận sống chung với tham nhũng, hối lộ.
Với cách nghĩ và lập luận như trên thì thật khó để giải bài toán hiện nay khi tham nhũng đang ngày càng lộ liễu, trắng trợn, thách thức nhân dân.
Phải nói thẳng nguồn gốc sâu xa của tham nhũng, hối lộ chính là lòng tham: tham tiền, tham quyền lực,... Lòng tham cũng như sự liêm chính hay thiện ác đều là những thuộc tính có sẵn trong bản chất của mỗi con người. Người ta khác nhau ở khả năng tiết chế của mỗi cá nhân tạo nên sự nghiêng lệch sang cực này hay cực kia của phạm trù đạo đức tốt/xấu.
Tôi không muốn vơ đũa cả nắm nhưng có lẽ trong hầu hết các vụ án xảy ra vừa qua, các bị cáo phạm tội trước hết là do lòng tham như đã nói trên. Xin đừng đổ lỗi hết cho cơ chế dù cơ chế cũng có một phần “trách nhiệm” khi cách quản trị lỏng lẻo, luật pháp còn nhiều kẽ hở. Chẳng thể có một cơ chế nào hoàn hảo đến mức ngăn chặn hoàn toàn nạn tham nhũng của một quốc gia. Con người vận hành cơ chế nếu không cưỡng lại được cám dỗ vật chất, tiền bạc thì lòng tham sẽ trỗi dậy lấn lướt sự liêm chính, tìm cách thu vén cho bản thân hay nhóm lợi ích.
Lòng tham sẽ gia tăng, thậm chí theo cấp số nhân, khi công tác cán bộ được vận hành dù theo quy hoạch nhưng lại bị lèo lái, chi phối bởi 5 C (con cháu các cụ cả) hay 4 “ệ” (hậu duệ, đồ đệ, tiền tệ, quan hệ), trong đó nguy hiểm nhất là loại cán bộ tiến thân bằng cách đầu tư cho ghế. Đã bỏ tiền mua chức thì dứt khoát “nhà đầu tư” phải tìm cách thu hồi vốn bằng mọi giá. Và chỉ có tham nhũng, hối lộ, giành giật ăn phần trăm dự án, mua bán chức, móc túi dân, bòn rút của công… thì mới có thể thu vốn và kiếm lời trong nhiệm kì của mình.
Thân thế, nịnh hót, đút lót là các phẩm chất cơ bản của loại cán bộ bị lòng tham chi phối hàng đầu. Khi người ta dựa vào những tiêu chí đó để tiến thân thì lấy đâu ra phẩm chất trong sáng, đạo đức tư cách tốt? Những cán bộ thuộc loại này, bề ngoài vẫn đảm bảo việc tuyển dụng hay bổ nhiệm đúng quy trình, đầy đủ các bước, chặt chẽ, đồng thuận; phẩm chất bên trong chỉ lộ ra khi các sai phạm nghiêm trọng của họ được cơ quan điều tra phanh phui.
Việc 7 ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII bị khai trừ Đảng, cách chức, cho thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong thời gian gần đây là điều mà không ai ngờ tới nhưng lại là kết cục tất yếu cho những cán bộ lãnh đạo không giữ được phẩm cách của mình trước sức tấn công mãnh liệt của đồng tiền.
Dính vòng lao lý, ông Tuấn “tim” có bị chi phối bởi lòng tham không? Câu hỏi này chỉ có ông mới trả lời chính xác. Có điều, là nhà chuyên môn giỏi, giáo sư đầu ngành tim mạch nhưng một khi đã chấp nhận ngồi vào “ghế nóng” quyền lực thì cũng phải hiểu rằng, mình đã bị đặt vào thế “tứ bề thọ địch” bởi tiền, quyền, vật chất.
Làm sao “miễn dịch” trước mọi cám dỗ? Chỉ có Tài – Đức và tấm lòng thực sự vì dân vì nước mới có thể giúp bản thân trụ vững ở cương vị của mình và làm được như lời Bác Hồ dạy: “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”. Và, quan trọng hơn, phải có cơ chế để người ta không muốn, không dám, không thể và không cần tham nhũng.
Nguyễn Duy Xuân