Sự e dè, sợ hãi, sợ trách nhiệm không chỉ ở TP.HCM
Tâm lý, tinh thần của cán bộ, công chức cần phải được xốc lại, thổi luồng gió mới trong bối cảnh các động lực tăng trưởng chính trong nền kinh tế đất nước đang có dấu hiệu hụt hơi.
Xin trích dẫn những phát biểu được báo chí tường thuật tại cuộc họp ngày 16/4 tại TP.HCM, là đầu tầu kinh tế của cả nước nhưng tăng trưởng chỉ đạt 0,7% trong quý 1 năm nay.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thừa nhận tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức của Thành phố sợ trách nhiệm, sợ sai, thiếu chủ động, sáng tạo trong thi hành công vụ; các sở, ban, ngành còn chậm, thiếu đồng bộ trong triển khai thực hiện…
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chỉ thẳng: "Cán bộ, công chức TP.HCM có tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm". Ông dẫn chứng, trong năm 2022, TP.HCM có 584 văn bản hỏi và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải trả lời 604 văn bản. Điều đáng nói, nội dung hỏi hầu hết thuộc thẩm quyền của Thành phố.
Việc này cho thấy có sự đùn đẩy, không phối hợp với nhau. Mặt khác, sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành TP chưa chặt chẽ, và sự phối hợp với các bộ, ngành cũng hạn chế.
"… Hai vấn đề lớn nhất của Thành phố phải giải là niềm tin thị trường, tâm lý xã hội và sự e dè, sợ hãi, sợ trách nhiệm của cán bộ. Nếu không giải quyết được ngay sẽ không tạo được đột phá cho những quý sắp tới", ông Dũng nói.
Trong bối cảnh cả nền kinh tế tăng trưởng chậm lại sau mấy năm dịch bệnh, TP.HCM lẽ ra phải là đầu tầu đi trước, như truyền thống vốn có là cái nôi của các sáng kiến, đột phá chính sách, của cải cách từ dưới lên. Song, “sự e dè, sợ hãi, sợ trách nhiệm” của cán bộ đã làm tinh thần này mai một.
Vấn đề là ở chỗ, tinh thần này không chỉ của riêng TP.HCM.
“Làm suy giảm niềm tin trong doanh nghiệp, người dân”
Đầu tầu khác là Hà Nội cũng gặp chuyện tương tự. Tại phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ ngày 19/4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng, cần nghiêm túc nhìn nhận thực trạng cán bộ còn e dè, thận trọng trong quá trình tham mưu để trình văn bản cho cấp trên quyết định vì ai cũng lo cho an toàn của mình.
“Nếu không giải quyết được việc này, tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm với công việc sẽ vẫn còn tiếp diễn”, ông Thanh nói.
Cũng tại phiên họp này, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn nói về tình trạng chung: Còn tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, thiếu chủ động, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền ở một số bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức; đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc sang các bộ, cơ quan khác…
Hệ quả là quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây cản trở và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; làm suy giảm niềm tin trong doanh nghiệp, người dân đối với cơ quan nhà nước, ảnh hưởng không tốt đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Trích dẫn một số phát biểu của các lãnh đạo bộ, ngành và địa phương để thấy, công điện của Thủ tướng là rất đúng và trúng.
Sự sợ hãi đã đến mức độ làm cán bộ không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của pháp luật chứ đừng nói việc cần phải sáng tạo, đột phá, dám nghĩ, dám làm. Cán bộ tham mưu không trình ký thì lãnh đạo lấy gì mà ký?
Không ký thì làm sao công việc vận hành như nó cần có? Các dự án công và tư đều đình đốn, ách tắc; nhu cầu cấp thiết của người dân không được Nhà nước đáp ứng; các vấn đề bức thiết ở các thị trường vốn, đất đai, năng lượng... đang cần các giải pháp nhanh, quyết liệt.
Hệ lụy về kinh tế, xã hội và nhất là chính trị là gì?
Nhất quán trong chỉ đạo
Công điện của Thủ tướng yêu cầu rất rõ: không chuyển công việc thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan mình sang bộ, cơ quan khác; không giải quyết các công việc được xác định thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan khác; trả lại văn bản cho cơ quan, đơn vị, địa phương xin ý kiến nếu không đúng thẩm quyền hoặc thuộc thẩm quyền của cơ quan, đơn vị xin ý kiến.
Trường hợp quá thời hạn quy định mà bộ, cơ quan được lấy ý kiến không trả lời hoặc chậm trả lời thì được xác định là đồng ý với ý kiến và đề xuất của cơ quan lấy ý kiến theo đúng quy định của Quy chế làm việc của Chính phủ. Cơ quan lấy ý kiến có văn bản thông báo lại và bộ, cơ quan không có ý kiến hoặc chậm có ý kiến trả lời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Những nội dung trên và nhiều nội dung khác trong Công điện cho thấy tinh thần quyết liệt của Thủ tướng. Hy vọng tới đây, nghị định về bảo vệ cán bộ “dám nghĩ, dám làm” sẽ được ban hành sớm, triệt tiêu được những nỗi sợ hãi lan tràn hiện nay.
Chỉ đạo của Thủ tướng trong Công điện và trong nhiều văn bản, phát biểu khác rất nhất quán với Văn kiện đại hội XIII: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu… dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung…” và Kết luận 14/2021 của Bộ Chính trị về về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Xin nói thêm một việc. Hiện tại, mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm là 6,5%. Trên nền tảng tăng trưởng quý 1 thấp thì tăng trưởng kinh tế quý 2 là 6,7% quý 3 và quý 4 lần lượt là 7,5% và 7,9%. Tốc độ tăng trưởng của hai quý cuối năm như vậy là chưa từng có trong các quý kể từ năm 2010 đến nay, trừ duy nhất quý 3 năm 2022.
Nếu không có tinh thần quyết liệt, dám làm sẽ rất khó đạt được những mục tiêu như vậy.
Vì lẽ đó, cần lấy tăng trưởng GDP như một thước đo để đánh giá năng lực, hiệu quả điều hành của các lãnh đạo địa phương bởi nếu họ không dám nghĩ, dám làm, không tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân thì lấy đâu ra động lực để đạt được tốc độ tăng trưởng mang tính pháp lệnh.
Đó là chưa nói đến việc, hơn 2/3 chi ngân sách đã dành để chi thường xuyên nuôi bộ máy; chi đầu tư phát triển còn lại rất mỏng, thậm chí phải đi vay.
Từng có thời quyết đoán trong tư duy, quyết liệt trong chỉ đạo
Xin trích dẫn một câu chuyện trong bài “Đồng chí Võ Văn Kiệt với tư duy đột phá, đổi mới, phát triển kinh tế thị trường nhiều thành phần” trên trang tin điện tử của Đảng bộ TP.HCM.
Những năm 1979-1980 là thời điểm Thành phố Hồ Chí Minh, miền Nam, cả nước rơi vào tình cảnh thiếu lương thực nghiêm trọng, dân phải ăn độn lúa mì, hạt bobo, các loại khoai, củ.
Ông Kiệt rất chạnh lòng, đau xót và đã tổ chức gặp gỡ, trao đổi thẳng thắn với cán bộ lãnh đạo các đơn vị: Giám đốc Ngân hàng Thành phố, Công ty Lương thực, Sở Tài chính, Sở Giao thông Vận tải.
Ông chỉ đạo: “Bây giờ có chuyện hệ trọng, nếu không giải quyết xong tôi không cho về. Bàn cách giải quyết lương thực cho dân: Sở Tài chính lo ngân sách, Ngân hàng lo tiền mặt, Giám đốc Công ty Lương Thực Ba Thi mang tiền, đưa xe xuống các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mua lúa theo giá sát thị trường, gấp 5 lần giá Nhà nước”.
Khi bà Ba Thi lo ngại: “Làm thế này là tôi dễ đi tù lắm vì dám phá giá Nhà nước, lại chuyên chở gạo trái phép”. Ông nói: “Chị cứ làm đi, nếu chị phải đi tù thì tôi đem cơm cho chị” (1).
Trong thời kỳ đất nước khó khăn, gian khổ, nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung cao độ, hệ thống pháp luật lại thiếu và yếu mà ông Kiệt và nhiều lãnh đạo khác còn dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết đoán trong tư duy, quyết liệt trong chỉ đạo để giải quyết những nhiệm vụ cấp bách, hệ trọng về kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân.
Đó là điều phải suy nghĩ hôm nay.
Tư Giang