Bộ Ngoại giao đã nhận được hơn 100 đề xuất, kiến nghị của gần 50 địa phương

Đánh giá về hiệu quả của công tác ngoại giao kinh tế (NGKT) đối với phát triển bền vững tại địa phương, bà Đoàn Phương Lan, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế (Bộ Ngoại giao) cho rằng, công tác ngoại giao kinh tế triển khai toàn diện, đi vào chiều sâu, thực chất, đóng góp thiết thực và hiệu quả vào thực hiện mục tiêu phát triển đất nước và các địa phương.

Thời gian qua, thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW của Ban Bí thư, Chính phủ ban hành Nghị quyết 21/NQ-CP thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW, 34/63 địa phương đã ban hành văn bản triển khai công tác ngoại giao kinh tế.

Công tác ngoại giao kinh tế đã hỗ trợ địa phương xây dựng các mục tiêu phát triển KTXH: thẩm định, rà soát các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành.

Bộ Ngoại giao liên tục cập nhật thông tin cho các địa phương về tình hình kinh tế thế giới, xu hướng kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế; điều chỉnh chính sách của các nước; thông tin từ các thị trường, cơ hội hợp tác - giao thương; tiêu chuẩn, luật lệ mới đang hình thành…

Những việc này được triển khai thông qua các báo cáo hàng tháng gửi Lãnh đạo và các cơ quan tại địa phương; Trang ngoại giao kinh tế trực tuyến; Các Tọa đàm, Hội nghị tại các địa phương.

W-anhminhhoa.png

Bộ Ngoại giao liên tục cập nhật thông tin cho các địa phương về tình hình kinh tế thế giới, xu hướng kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế; điều chỉnh chính sách của các nước; thông tin từ các thị trường, cơ hội hợp tác - giao thương; tiêu chuẩn, luật lệ mới đang hình thành… (ảnh minh hoạ)

Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao góp phần kiến tạo cơ hội thúc đẩy các động lực tăng trưởng, hỗ trợ các địa phương hội nhập quốc tế. Tạo dựng quan hệ hợp tác thuận lợi, tháo gỡ các vướng mắc, biện pháp hạn chế, quảng bá hình ảnh Việt Nam bằng cách xây dựng chương trình, lồng ghép nội dung làm việc của Lãnh đạo cấp cao, quảng bá chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, hình ảnh Việt Nam đổi mới, giàu tiềm năng, chính trị ổn định, thị trường lớn, điểm đến đầu tư hấp dẫn; tổ chức các Ngày Việt Nam ở nước ngoài tại các thị trường quan trọng.

Bên cạnh đó, về đầu tư, công tác ngoại giao kinh tế đẩy mạnh ngoại giao tập đoàn, tìm kiếm, tiếp cận các tập đoàn hàng đầu, đưa vào Việt Nam làm việc bằng cách hiện thực hóa các cơ hội thu hút đầu tư tại các địa phương, tập trung vào các lĩnh vực tiên tiến (nhà máy trung hòa carbon của Lego, các đoàn Hiệp hội bán dẫn Mỹ, tập đoàn John Cockerill của Bỉ về hydro xanh); thẩm tra, xác minh nhà đầu tư nước ngoài theo yêu cầu của địa phương.

Thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã nhận được hơn 100 đề xuất, kiến nghị của gần 50 địa phương mong muốn được hỗ trợ về công tác ngoại giao kinh tế và hội nhập quốc tế, tập trung vào một số vấn đề chính là: nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, công nghệ cao, đô thị thông minh, khu thương mại tự do…;

Các cơ quan của Bộ Ngoại giao cung cấp thông tin về các thị trường, đối tác, yêu cầu, tiêu chuẩn, rào cản; tăng cường sự tham gia của các địa phương tại các hoạt động đối ngoại cấp cao, các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại - du lịch trong và ngoài nước; hỗ trợ địa phương quảng bá hình ảnh và sản phẩm ở nước ngoài, tổ chức các sự kiện quốc tế tại địa phương; tìm kiếm nguồn lực từ bên ngoài phục vụ phát triển, trong đó có vốn FDI, vốn ODA, vốn viện trợ NGO; kết nối, thiết lập quan hệ đối tác với các đối tác nước ngoài và triển khai các thỏa thuận đã ký kết.

Giải pháp công tác ngoại giao kinh tế hỗ trợ địa phương giai đoạn tới

Trong bối cảnh hiện nay và căn cứ nhu cầu của các địa phương, nhiệm vụ, giải pháp công tác ngoại giao kinh tế hỗ trợ địa phương giai đoạn tới tập trung các hoạt động:

Chủ động phối hợp với các bộ, ngành hỗ trợ các địa phương hoàn thiện tầm nhìn và mục tiêu phát triển của địa phương, của vùng. Tiếp tục hỗ trợ các địa phương chưa có quy hoạch tỉnh hoàn thiện quy hoạch; phối hợp với các bộ, ngành thẩm định, rà soát các hoạch tỉnh vùng; hỗ trợ các địa phương đã có hoạch tỉnh tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện hoạch tỉnh.

Tận dụng tối đa các kết quả của công tác đối ngoại cho phát triển địa phương, nhất là các hoạt động đối ngoại cấp cao. Các địa phương cần cập nhật về nhu cầu của mình từ sớm để Bộ Ngoại giao tổng hợp, lồng ghép xây dựng nội dung làm việc của LĐCC, có cơ sở đề xuất tổ chức các hoạt động ở nước ngoài nhân dịp chuyến thăm cấp cao, nhất là các hoạt động quảng bá đất nước kết hợp quảng bá địa phương, thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường, quảng bá văn hóa, du lịch.

Tìm kiếm nguồn lực từ bên ngoài, nhất là nguồn lực thế hệ mới phục vụ phát triển địa phương: vận động thu hút nguồn lực, vốn đầu tư FDI xanh, ODA xanh, tạo các động lực tăng trưởng mới về công nghệ cao, giao thông xanh, năng lượng xanh, sản xuất xanh giúp tăng cường hợp tác đầu tư, kết nối, giới thiệu các Quỹ đầu tư, Quỹ xanh quốc tế tới các địa phương; tìm hiểu, thông tin về các tiêu chuẩn, định hướng đầu tư của các Quỹ để tham mưu các địa phương lựa chọn dự án hợp tác phù hợp.

Tăng cường năng lực công tác ngoại giao kinh tế tại địa phương: tăng cường trao đổi thông tin hai chiều, tận dụng hiệu quả trang ngoại giao kinh tế trực tuyến; thường xuyên tổ chức các hoạt động giới thiệu, phổ biến về các xu hướng mới, các Chứng chỉ xanh, đầu tư xanh, chuyển đổi năng lượng xanh… với sự tham gia của các đối tác, tổ chức phát triển, hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài… mời các địa phương tham gia theo nhóm hoặc vùng.

Trung Vũ