Tại diễn đàn “Đổi mới sáng tạo Giáo dục Việt Nam trên nền tảng công nghệ thông tin 2022 - 2023” hồi tháng 3, ngành GD&ĐT tỉnh Bình Định có 3 sản phẩm được lựa chọn trong danh sách 150 sản phẩm ứng dụng công nghệ thông tin xuất sắc, ứng dụng vào hoạt động hằng ngày của các nhà quản lý giáo dục và trường học.
3 sản phẩm cụ thể bao gồm: Wesite tư liệu giáo dục địa phương dành cho giáo viên, học sinh tiểu học - tác giả Nguyễn Hữu Kính (Trường Tiểu học số 2 Hoài Tân, thị xã Hoài Nhơn); Xây dựng hệ thống chấm điểm tự động và áp dụng vào tổ chức kiểm tra trực tuyến môn Tin học - tác giả Nguyễn Thị Kiều (Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP.Quy Nhơn); bài giảng E-Learning môn Tự nhiên và xã hội - Chân trời sáng tạo, ở bài “phòng tránh ngộ độc khi ở nhà” - tác giả Đinh Thị Yến Nhi (Trường Tiểu học số 1 Phước Thuận, huyện Tuy Phước).
Trong đó, sản phẩm “Xây dựng hệ thống chấm điểm tự động và áp dụng vào tổ chức kiểm tra trực tuyến môn Tin học” tại trường THPT Lê Quý Đôn được đánh giá có nhiều hiệu quả. Cụ thể: Việc chấm bài được tự động khách quan, nhanh chóng và chính xác. Công việc chấm đều do máy tính đảm nhận và xử lý tự động, không phụ thuộc vào yếu tố con người (giáo viên chấm); Hệ thống tự động xử lý phát hiện học sinh đạo văn bài của nhau trong quá trình tổ chức kiểm tra, thi cử; Người dùng có thể truy cập vào hệ thống mọi lúc mọi nơi chỉ cần thiết bị có kết nối Internet.
Bên cạnh đó, hệ thống chấm điểm tự động của nhà trường còn giúp chuyển đổi tất cả tài liệu giấy sang số hóa phục vụ lưu trữ, tiết kiệm chi phí hơn so với lưu trữ bằng giấy; giảm thời gian chuẩn bị cuộc thi và chấm bài cho giáo viên; học sinh làm bài xong có thể biết ngay được kết quả làm bài của mình, tạo hứng thú cho các em; học sinh có thể chủ động và linh hoạt trong việc lựa chọn dạng bài tập nào phù hợp với khả năng kiến thức của mình để tự ôn luyện, cũng như những dạng bài tập thuộc phần kiến thức mới muốn luyện tập với sự chỉ dẫn của giáo viên; và tạo ngân hàng câu hỏi đa dạng, sử dụng cho nhiều khoá sau, không mất công lưu giữ và soạn thảo lại.
Thầy hiệu trưởng trực tiếp quản trị website, đăng bài facebook
Đề cập về câu chuyện chuyển đổi số, thầy giáo Huỳnh Lê Minh - Hiệu trưởng THPT chuyên Lê Quý Đôn (Bình Định) cho hay, giáo dục đào tạo là một trong 8 lĩnh vực cần được ưu tiên hàng đầu trong khai thác thực hiện chuyển đổi số. Theo “Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, chuyển đổi số là điều kiện tất yếu để xây dựng trường học thông minh trong thời đại 4.0. Cụ thể là phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Cũng theo thầy Minh, không giống nhiều ngôi trường khác, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn luôn muốn đưa hình ảnh tới gần hơn phụ huynh, học sinh, tận dụng internet để giới thiệu về môi trường giáo dục.
Từ đầu năm 2022 tới nay, trường bắt tay vào xây dựng, công khai hình ảnh của trường, trên các nền tảng mạng xã hội. Trước đó, website và tên miền của nhà trường vốn đã có từ lâu và do một cựu học trò sở hữu, quản lý. Thầy Minh liên lạc, thuyết phục cựu học sinh đồng ý chuyển quyền sở hữu lại cho nhà trường.
Cùng với đó, trường cho ra mắt fanpage trên mạng xã hội Facebook với lượng người theo dõi, tương tác đông. Thậm chí, có bài viết tiếp cận đến gần 150.000 lượt xem.
“Để thể hiện hình ảnh nhà trường trên mạng xã hội không khó nhưng cần trau chuốt, có lúc phải “chăm như con mọn”. Thông tin xuất hiện trên Internet phải chỉnh chu, các hoạt động được cập nhật liên tục, có tính thời sự, kịp thời và chính xác”, thầy nói.
Hoạt động của website và fanpage Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn giống như một toà soạn thu nhỏ, “phóng viên” là học sinh, thầy cô giáo. Sau khi có bài viết, chính thầy hiệu trưởng sẽ là người duy nhất và cuối cùng thực hiện thao tác chỉnh sửa, chịu trách nhiệm đăng tải bài viết.
Để xây dựng được hình ảnh nhà trường cởi mở, đa chiều và đầy đủ thông tin trên mạng, ngoài đóng góp của thầy cô thì công rất lớn thuộc về các em học sinh. Chính những người trực tiếp có trải nghiệm hoạt động thực tế, mới mang đến những nội dung viết bài đủ sâu và đầy ắp thông tin, người thầy cho hay.
Các hoạt động của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn được cập nhật và đăng tải hằng ngày trên mạng, được phụ huynh học sinh đánh giá cao, yên tâm với môi trường giáo dục công khai, cởi mở thông tin. Quá trình học tập, vui chơi và sinh hoạt của học trò được cập nhật liên tục, tạo sự kết nối giữa phụ huynh và nhà trường.
Ngoài ra, trước đây, việc công bố điểm thi của trường chỉ dán bảng giấy tại chỗ, khiến nhiều phụ huynh ở huyện xa phải trực tiếp tới TP. Quy Nhơn chen chúc để xem điểm, rất bất tiện và mất thời gian.
Hiện nay, nhà trường đã thay đổi phương thức. Ngoài việc dán bảng điểm tại trường, phụ huynh dù đang ở bất cứ đâu, chỉ cần có smartphone, truy cập vào website nhà trường là có thể xem được điểm thi chính xác, nhanh chóng và kịp thời. Đây là cách làm đã “ghi điểm” của nhà trường đối với các bậc phụ huynh.
Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định, ông Đào Đức Tuấn đánh giá, việc chuyển đổi số của ngành giáo dục trên toàn tỉnh, đang có chuyển biến tích cực. Trong đó, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn là một trong những trường đi đầu trong chuyển đổi số, với nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo, hiệu quả, khiến phụ huynh yên tâm.
Nhiều năm qua, trường cũng luôn nằm trong top đầu của tỉnh về thành tích học tập. Tổng kết năm học 2022-2023, toàn Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn có 899 học sinh xếp hạnh kiểm tốt (chiếm tỷ lệ 100%). Về học lực: khối 11, 12 có 568 em trong đó có 560 học sinh học lực giỏi chiếm tỷ lệ 98,59%; 8 học sinh học lực khá, chiếm tỷ lệ 1,41%. Riêng khối 10 có 301 học sinh học lực tốt chiếm tỷ lệ 95,25% và 15 học sinh học lực khá chiếm tỷ lệ 4,75%.
Trần Chung - Diễm Phúc