Nâng cao vai trò người có uy tín

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh chia sẻ: Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ưu tiên nguồn lực đầu tư, chăm lo phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi. Từ Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về công tác dân tộc trong tình hình mới, đến Nghị quyết 88; Nghị quyết 120 của Quốc hội khóa XIV và Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

bieu duong nguoi co uy tin.jpg
Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến là Người có uy tín trong đồng bào DTTS toàn quốc năm 2023 tôn vinh 497 tấm gương.

Tuy nhiên, vùng DTTS và miền núi vẫn đang còn là vùng còn gặp nhiều khó khăn. Đói nghèo, thiên tai, dịch bệnh, thiếu việc làm, tệ nạn xã hội, hủ tục vẫn đang là thách thức lớn. Đáng chú ý, vẫn còn một bộ phận không nhỏ đồng bào còn gặp nhiều khó khăn mang tính đặc thù như: thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt... Đó là những vấn đề đang làm chúng ta trăn trở, day dứt. Do đó, Trung ương và địa phương sẽ tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt, có giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp đỡ đồng bào một cách thiết thực, hiệu quả để đời sống ngày càng tốt hơn.

“Đồng bào các DTTS là máu thịt của dân tộc Việt Nam, là bộ phận không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì vậy, không một thế lực nào có thể chia rẽ khối đại đoàn kết của chúng ta. Tại Hội nghị hôm nay, đồng bào các dân tộc nguyện một lòng, đoàn kết, đi theo Đảng, luôn tâm nguyện chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, mới hồi sinh đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho toàn dân, trong đó có đồng bào DTTS”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh.

Thực tế, công tác truyền thông chính sách vùng đồng bào DTTS có những đặc thù và sự đặc thù ấy được những cán bộ cơ sở hiểu rõ nhất. Cán bộ cơ sở là ai, là những người bám đất bám dân, là những người có uy tín của địa phương, là những cán bộ các đồn biên phòng bám dân bám bản, là những người con của quê hương làm công tác cán bộ. Họ đưa chính sách của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào bằng chính ngôn ngữ của họ, nói với dân những câu chuyện gần gũi ở những sự kiện của dân.

“Người có uy tín, bộ đội biên phòng hay cán bộ cơ sở gần dân, uống rượu với người dân, lao động cùng dân. Tang ma, giỗ chạp, hiếu hỉ đều cùng dân. Có như vậy chính sách từ trên xuống chỉ cần họ nói là dân nghe chứ đôi khi họ “không tin đài”, vì người dân bảo báo đài toàn “nói chuyện đâu đâu”. Do vậy các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương trong thời gian tới phải tiếp tục chăm lo tốt hơn để phát huy tốt vai trò Người có uy tín”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh nhắn nhủ.

Mỗi chính sách gắn với một “câu chuyện”

Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến là Người có uy tín trong đồng bào DTTS toàn quốc năm 2023 tôn vinh 497 tấm gương. Họ là những “bông hoa” của núi rừng, những cán bộ truyền thông chính sách tại cơ sở mà đôi khi văn hóa chưa hết lớp 3 nhưng tuyên truyền chính sách thì lại là những bậc thầy.

Theo ông Làn Đình Dưỡng (người dân tộc Pà Thẻn, thôn Trung Sơn, xã Hữu Sản, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang): “Đây là lần đầu tôi được về Thủ đô, được nói tiếng nói của đồng bào mình, được chia sẻ và học tập thêm cách truyền thông chính sách với dân bản. Bản thân tôi luôn là trung tâm giữ gìn đoàn kết thôn xóm, tích cực lao động sản xuất, xoá đói, giảm nghèo và hướng dẫn bà con trong thôn cùng nhau phát triển kinh tế gia đình”.

Được biết, ông Dưỡng là thày cúng, gia đình có nghề bốc thuốc nên từ chuyện trẻ nhỏ ốm đâu, gia đình hàng xóm có công to việc lớn đều có mặt ông Dưỡng. Vì vậy, khi ông nói người dân đều tin yêu và làm theo. “Bất cứ chủ trương nào tôi đều phải làm gương. Làm để dân làng hiểu và cùng làm. Mỗi chính sách phải gắn với 1 câu chuyện, 1 ví dụ gắn với cuộc sống. Không nói những thứ xa xôi, người dân không hiểu là họ ghét mình ngay”, ông Dưỡng tâm sự.

Khác với ông Dưỡng đến từ địa đầu Tổ quốc, bà Thị A Mi Na (dân tộc Chăm, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Quản lý ấp Chăm, xã Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) may mắn được đi học đầy đủ và làm cán bộ ở cơ sở đã nhiều năm. “Người Chăm ở Tây Ninh là cộng đồng mạnh và được chăm lo đời sống tốt nên kinh tế không quá khó khăn. Các vấn đề về tôn giáo tín ngưỡng, đất ở, học tập là những vấn đề người dân quan tâm. Người dân cần gì thì nói về vấn đề ấy, chính sách đi vào cuộc sống cũng phải bắt đầu bằng những câu chuyện liên quan đến cuộc sống người dân mới thành công”, bà Na thẳng thắn.

“Có thể thấy rõ, các đại biểu Người có uy tín về tham dự hội nghị đều là những tấm gương sáng thể hiện quyết tâm, nỗ lực tiếp tục đóng góp để đưa vùng đồng bào DTTS và miền núi phát triển mạnh mẽ. Bởi họ làm việc bằng cái tâm, làm việc vì chính đồng bào mình và vì thế vai trò của họ là không thể thay thế”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh kết luận.

Việt Hoàng và nhóm PV, BTV