Đàn “con nhặt”
Trưa tháng 3, trời TP.HCM nóng như đổ lửa. Căn nhà tí hon chất đầy ve chai của bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết (SN 1963, Quận 12, TP.HCM) trở nên ngột ngạt đến khó thở.
Không chịu nổi sức nóng từ mái tôn, bà Tuyết cầm chiếc ghế cũ ra bờ kênh trước nhà tìm bóng mát. Thấy bà rời khỏi nhà, đàn chó đang nằm tránh nắng dưới đống ve chai đồng loạt nhổm dậy, chạy theo.
Dưới bóng mát của hàng dừa nước, bà đùa vui cùng đàn chó. Chúng quấn quýt dưới chân, dụi đầu vào người bà. Chốc chốc lại có chú cún tinh nghịch, nhảy chồm lên người khiến bà giật mình, phải ra lời mắng yêu.
Không con cháu, suốt 26 năm qua, bà Tuyết xem đàn chó mèo như người thân, đàn “con nhặt” của mình. Bà Tuyết nuôi con chó đầu tiên vào năm 1997.
Năm đó, bà cầm số tiền được cha mẹ chia sau khi bán nhà về Quận 12. Tại đây, bà mua khoảnh đất ruộng, cất căn chòi ọp ẹp sống tạm.
Thời con gái, bà cũng được người ta đến nhà hỏi cưới. Nhưng duyên nợ không thành, bà đành côi cút một mình trong căn nhà hướng mặt về phía sông Vàm Thuật.
Không chồng con, bà nuôi một con chó cho bớt cô đơn giữa khu đất hoang vu, mọc đầy lau sậy. Thời gian này, bà còn đi làm cho một công ty vệ sinh môi trường. Cuộc sống của bà vì thế cũng không mấy thắt ngặt. Tuy nhiên sau đó, vì nhiều nguyên nhân, bà xin nghỉ việc.
Để mưu sinh, bà làm phụ hồ. Khi không còn đủ sức trộn vữa, khiêng gạch, vác xi măng, bà may mắn học được cách cạo gió, giác hơi. Tuy vậy, lâu lâu bà mới có người gọi, nhờ chữa cảm lạnh, trúng gió bằng cách này.
Để có tiền nuôi thân, bà chuyển sang nhặt, bán ve chai. Công việc này khiến bà nhiều lần gặp chó, mèo hoang bị chủ bỏ rơi. Bà nhớ lần phát hiện con chó ốm yếu, bệnh tật nằm chờ chết trong bãi rác.
Thấy bà, con vật đáng thương cố vẫy chiếc đuôi gầy trơ xương, kêu ư ử như cầu cứu. Bà kể: “Thương quá, tôi đem nó về tắm rửa, cho ăn. Khi có thịt có da trở lại, nó không bỏ đi mà ở lại với tôi.
Từ đó, khi thấy chó, mèo hoang, bị bỏ rơi tôi lại nhặt về nuôi, ngày cho ăn 3 bữa. Có lúc, nhà tôi có đến mấy chục con chó lẫn mèo. Không chồng con, sống một mình, nhờ đàn chó mèo, tôi không cảm thấy buồn, cô đơn”.
Sau này, khi biết bà Tuyết có lòng thương những con vật tội nghiệp, nhiều người lén đem chó, mèo con đến bỏ trước nhà bà. Mỗi lần như thế, bà lại đón chúng vào, lót ổ, làm chuồng chăm sóc từng con.
Nhặt ve chai nuôi đàn “con nhặt”
Bà Tuyết cũng không lý giải được lý do mình nặng lòng với những con vật bị bỏ rơi. Nhiều lần bà nhịn ăn, không dám uống thuốc để dành tiền đến thú y, mua thuốc cho “mấy con mèo bị ghẻ, chó tiêu chảy” của mình.
Bà tâm sự: “Tôi thương chúng lắm, không đành lòng nhìn chúng còn sống mà bị ruồng bỏ. Thế nên khi thấy còn có thể là tôi cố cứu cho bằng được. Cứu rồi, tôi chăm cho chúng lớn, mập mạp mới thấy vui. Chắc tôi và chúng có duyên nợ với nhau”.
Để có tiền trang trải cuộc sống, chăm sóc đàn chó mèo, bà Tuyết ngày ngày đạp chiếc xe cũ nát đi nhặt ve chai. Trong lúc mưu sinh, bà cố gắng xin thức ăn thừa chưa thiu về nhà hâm lại cho đàn vật nuôi.
Nhờ vậy, bà cho đàn chó mèo của mình ăn no, ăn ngon ngày 3 bữa. Hôm nào bán được nhiều ve chai, bà mua thêm thịt cá, thức ăn ngon cho đàn vật nuôi.
Thời điểm dịch, không thể đi nhặt ve chai, bà Tuyết côi cút trong căn nhà ọp ẹp cùng đàn chó mèo. Tuy vậy, bà vẫn không có ý định bán hay bỏ rơi những con vật mình đã cưu mang.
Để tiết kiệm, bà nhặt rau dại, nấu lon gạo ăn cho qua bữa. Thịt cá, đồ ăn qua đêm xin được, bà đều nấu lại hoặc để dành cho mấy con chó, mèo của mình. Những con vật đang mang thai được bà chăm sóc, cho ăn ngon hơn những con khác.
Hiện nay, hàng ngày bà Tuyết vẫn đạp chiếc xe cũ nát đi nhặt ve chai, xim cơm thừa, thức ăn về nuôi đàn vật nuôi. Trước khi đi, bà lùa chúng ra sau vườn nhà nhốt lại để không ảnh hưởng đến hàng xóm, bị bắt trộm.
Tuy vậy, việc làm này vẫn không giúp bà tránh được nỗi buồn mất những đứa “con nhặt” đã chăm, "nuôi đến mến tay, mến chân”. Bà chia sẻ: “Biết tôi nuôi nhiều chó, mèo kẻ xấu thường đến rình đặt bẫy, bắt trộm. Họ thường đợi lúc tôi về nhà, thả đàn chó mèo ra thì đặt bẫy.
Mấy hôm trước, họ bắt mất mấy con mèo lớn của tôi rồi. Tôi nuôi chúng từ lúc mới sinh nên mến tay mến chân. Biết chúng bị bắt trộm, tôi xót xa lắm. Hơn thế, nghĩ đến những con khi còn nhỏ bị vứt bỏ ngoài đường đến khi được nuôi lớn lại bị bẫy, bắt làm thịt, tôi đau lòng lắm”.