Anh N.V.B. (22 tuổi, trú tại Hà Nội) bị ngất khi đang làm việc, được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Nông Nghiệp (Hà Nội) cấp cứu. Bác sĩ chuyên khoa II Lê Quang Hải, Khoa Thận - Tiết niệu - Lọc máu, Bệnh viện Đa khoa Nông Nghiệp, cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng huyết áp cao, thiếu máu và suy thận giai đoạn cuối.

Bệnh nhân làm thợ sửa nhôm kính, trước có dấu hiệu mắt mờ nhưng không đi khám. Sau đó, anh có thêm các triệu chứng buồn nôn, chóng mặt và tiểu ít. Tại bệnh viện, bác sĩ kết luận B. bị suy thận giai đoạn cuối.

Theo bác sĩ Hải, thận có chức năng lọc các chất thải và điều chỉnh lượng nước, muối trong cơ thể. Thận bị suy yếu khiến chức năng này giảm đi, gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng khác như tăng huyết áp, thiếu máu và suy giảm các cơ quan khác.

Việt Nam hiện có hàng triệu người bị suy thận, trong đó hơn 26.000 người phải chạy thận nhân tạo. Số bệnh nhân mắc suy thận đang ngày càng gia tăng và trẻ hóa. Đáng lo ngại, bệnh thận diễn tiến âm thầm, nếu chủ quan rất dễ bỏ qua các triệu chứng ban đầu của bệnh, đến khi phát hiện thận suy thì đã ở giai đoạn cuối.

Một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy thận là lối sống thiếu lành mạnh, đặc biệt là ở người trẻ tuổi. Trong đó, thói quen ăn uống vô độ, lười tập thể dục đang ngày càng phổ biến.

Để phòng tránh bệnh suy thận mạn, người dân nên quan tâm đến việc đi khám sức khỏe định kỳ, có lối sống lành mạnh, không nên dùng các đồ ăn nhanh chứa chất bảo quản, uống đủ nước mỗi ngày. Khi có dấu hiệu mệt mỏi thoáng qua, suy nhược cơ thể, chán ăn, khó ngủ, khó tập trung làm việc, hay buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, da khô... người dân nên đến bệnh viện kiểm tra chức năng thận.

Chỉ số xét nghiệm Creatinine đánh giá chức năng thận

Mức độ suy thận Đơn vị tính mg/dl Đơn vị tính mmol/l
Giai đoạn 1 <1,5 <130
Giai đoạn 2 1,5-3,4 130-300
Giai đoạn 3A 3,5-6 300-500
Giai đoạn 3B 6-10 500-900
Giai đoạn 4 (giai đoạn cuối) >10 >900