Sáng 29/12, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết đây là nam bệnh nhân 30 tuổi ở Phú Thọ. Người này nhập viện vào ngày 21/12. Anh cho biết, sau khi bị chó lạ cắn, anh đã đánh chết con chó và chế biến thành món ăn. Bệnh nhân cũng không đi tiêm kháng huyết thanh.
Hai ngày trước khi vào viện, bệnh nhân thấy mệt mỏi, kích thích, sợ nước, sợ gió lạnh, không tắm, đau mỏi đầu và 2 vai. Anh đi khám ở phòng khám tư nhưng tình trạng bệnh không đỡ nên đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với virus dại. Anh được chuyển vào điều trị tại khoa Cấp cứu. Cuối giờ chiều cùng ngày, tình trạng hốt hoảng, kích thích, sợ nước sợ gió của bệnh nhân tăng dần. Gia đình đã xin cho bệnh nhân về nhà. Do tình trạng quá nặng, người này đã tử vong.
Trao đổi với VietNamNet, TS Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho hay từ đầu năm đến nay hai cơ sở của khoa (ở Giải Phóng và Đông Anh) tiếp nhận 5 ca bệnh dại. Hầu hết bệnh nhân đều không tiêm kháng huyết thanh hay vắc xin dại sau khi bị chó cắn. Sau 1-3 tháng, họ mới có triệu chứng bệnh.
Theo các bác sĩ, khi bệnh dại khởi phát, có nghĩa cơ hội sống của bệnh nhân đã khép lại vì không có thuốc chữa và tử vong rất nhanh.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chia sẻ chứng kiến cảnh bệnh nhân lên cơn dại, thấy chết mà không thể cứu, bất cứ thầy thuốc nào cũng đều thấy ám ảnh.
Theo vị bác sĩ này, khi đã bị lên cơn dại, bệnh nhân vô cùng tỉnh táo nhưng bị kích thích, sợ nước, sợ tiếng gió thổi, ánh mắt long lanh vì sợ hãi. Một số trường hợp rét run nhưng lại vã mồ hôi đầm đìa. Người bị dại lên cơn khó thở vì co thắt thanh quản và chết vì suy hô hấp.
"Bệnh nhân biết mình sẽ chết, bác sĩ, người nhà đều đau lòng bởi thấy chết mà không thể cứu được. Chỉ mong quay ngược thời gian, họ đi tiêm phòng", bác sĩ Cấp chia sẻ.
Đáng nói, nhiều người cho rằng chó nhà nuôi cắn thì không có nguy cơ mắc bệnh, trước đó con vật cũng không có biểu hiện gì đặc biệt nên chủ quan không tiêm phòng. Một số trường hợp đắp lá, chữa bằng thuốc nam chỉ đến khi bất ngờ lên cơn dại mới vội vàng tiêm vắc xin phòng bệnh thì đã quá muộn. Bởi virus dại đã lên não và phát bệnh, không có thuốc nào chữa được.
Ngoài ra, thời gian ủ bệnh có thể kéo dài nên phát hiện rất muộn. Người bị chó dại căn có thể ủ bệnh vài tuần, thậm chí vài tháng, hàng năm tùy thuộc vào số lượng, mức độ tổn thương và vị trí của vết cắn có gần thần kinh trung ương hay không. Vì thế, một số trường hợp khởi phát dại khi vết thương đã liền da, không còn dấu vết chó cắn, thậm chí còn quên mất việc bị chó cắn.
Các bác sĩ khuyến cáo khi bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn, bệnh nhân phải rửa ngay vết thương bằng nước xà phòng hay nước muối hòa đặc, dội nước sạch nhiều lần, bôi chất sát khuẩn như cồn... Việc xử lý tại chỗ vết thương càng sớm thì tác dụng sát khuẩn, phòng virus dại càng hiệu quả. Sau đó, bệnh nhân phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị dự phòng.