- Chiều tối nay, Cục Hàng không Việt Nam phát đi thông báo phản đối mọi hoạt động của Trung Quốc liên quan đến Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Thông báo của Cục Hàng không Việt Nam cho biết, hôm qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến thông cáo báo chí của Cục Hàng không Việt Nam về hoạt động của tàu bay Trung Quốc trong FIR Hồ Chí Minh.
Đường băng phi pháp của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập. Ảnh: Airbus Defense |
Ngày 30/12/2015, Cục Hàng không Việt Nam và Tổng công ty quản lý bay Việt Nam đã kiểm tra công văn, điện văn, fax, e-mail, điện tín tại tất cả các cơ quan, đơn vị có địa chỉ liên quan đã được công bố trong tập thông báo tin tức hàng không Việt Nam (AIP) và liên lạc trực thoại của các cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu liên quan của Việt Nam từ 0 giờ ngày 28/12 đến ngày 29/12/2015.
Trong đó, kiểm tra hơn 19.000 điện văn hàng không, hoàn toàn không nhận được bất cứ thông báo nào như phía Trung Quốc tuyên bố.
Cục Hàng không Việt Nam khẳng định, việc thông báo của cơ quan ngoại giao Trung Quốc cho cơ quan ngoại giao Việt Nam không thể thay thế cho việc thông báo bay và thiết lập liên lạc thoại trong vùng trời có kiểm soát với cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu theo quy trình hàng không để đảm bảo an toàn và điều hòa cho các hoạt động bay.
"Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra nhiều lập luận sai trái và nguy hiểm, uy hiếp hoạt động bình thường và an toàn hàng không tại Biển Đông", Cục Hàng không cho hay.
Cụ thể, việc Trung Quốc tuyên bố “các chuyến bay thử nghiệm và hiệu chuẩn của Trung Quốc tới sân bay mới xây dựng trên Vĩnh Thử là hoạt động hoàn toàn nằm trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc” là cố tình khẳng định toàn bộ hành lang bay từ Đảo Hải Nam qua FIR Hồ Chí Minh đến bãi Chữ Thập thuộc vùng trời chủ quyền của Trung Quốc.
Đây là tuyên bố hết sức sai trái và phi lý, trực tiếp đe dọa đến hoạt động bình thường và an toàn hàng không dân dụng tại Biển Đông.
Ngoài ra, Trung Quốc còn tuyên bố "đã quyết định rằng các chuyến bay sẽ được thực hiện bằng tàu bay dân dụng như các hoạt động hàng không công vụ. Theo quy định của luật pháp quốc tế, hoạt động hàng không công vụ không bị ràng buộc bởi Công ước về Hàng không dân dụng quốc tế và các quy định có liên quan của ICAO, thuộc phạm vi hoạt động của các quốc gia có chủ quyền”.
Như vậy Trung Quốc cho rằng việc tàu bay của Trung Quốc bay vào, bay cắt ngang hệ thống đường hàng không quốc tế đã được các quốc gia liên quan và Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) thiết lập hoàn toàn là quyền tự do của Trung Quốc mà không phải tuân thủ bất kỳ quy định, quy tắc quốc tế nào về an toàn hàng không.
Đây là tuyên bố làm dấy lên sự lo ngại sâu sắc của Việt Nam cũng như cộng đồng hàng không quốc tế về trách nhiệm của một quốc gia đối với vấn đề bảo đảm an toàn hàng không.
Cục Hàng không Việt Nam bác bỏ hoàn toàn tuyên bố ngày 11/1 của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi.
Một lần nữa Cục phản đối hành động nêu trên của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, không tái diễn các hoạt động bay tương tự và có hành động thiết thực, cụ thể góp phần duy trì an toàn hàng không ở Biển Đông.
Các cơ quan quản lý điều hành bay của Việt Nam vẫn đang hết sức nỗ lực giám sát chặt chẽ, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các hoạt động bay bình thường trong các vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý.
Vũ Điệp