‘Tuổi thơ tôi là những ngày nghèo đói phủ vây’, bà Vàng Thị Mai (SN 1962, Quản Bạ, Hà Giang) bắt đầu cuộc nói chuyện bằng ký ức về những ngày thơ ấu.
Bà là con thứ 6 trong gia đình có 9 anh chị em. Bà nhớ về những bữa cơm chỉ có một quả trứng đập vào bát mèn mén, đun sôi cả gia đình chia nhau ăn. Bà nhớ về những cây rau bí trước nhà bị hái trụi lá để nấu canh, ăn cho đỡ đói vì ‘ngọn không được hái, để nó còn mọc lên, sinh sôi’…
‘Ngoài sách vở, mỗi lần đến trường, tôi lại được mẹ dúi thêm cuốc, xẻng. Sau buổi học là lên nương làm việc, ngẩng lên thấy trời tối, tôi vội hái thêm mớ rau về nhà.
Không riêng gì nhà tôi, cả một cộng đồng đều nghèo, nhìn quanh chỉ thấy núi đá…’, bà nhớ lại.
18 tuổi, bà lấy chồng nhưng cuộc sống cũng không khá hơn.
Người phụ nữ H'Mông nung nấu quyết tâm thay đổi cuộc đời. Bà không ngờ rằng, không chỉ thay đổi cuộc đời mình bà còn thay đổi số phận nhiều người phụ nữ khác ở huyện Quản Bạ, Hà Giang.
Người trồng cây trên cao nguyên đá
‘Năm 13 tuổi, tôi được mẹ dạy về dệt vải lanh nhưng năm 1998 tôi mới bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về công việc này. Bà Mai và một số phụ nữ ở Quản Bạ nhờ cụ nội của bà dạy về cách trồng, chăm sóc cây lanh đến khi thu hoạch, tạo nên sợi và dệt ra thành phẩm.
Bà Vàng Thị Mai (giữa). |
Sau vụ đầu tiên, họ bắt đầu có thu nhập từ nghề dệt lanh. Thời gian này, có 2 vợ chồng người Thụy Điển lên Hà Giang cố vấn về trồng rừng.
Trong cuộc gặp tình cờ, họ nhận thấy sản phẩm từ vải lanh của bà Mai đẹp nên mang 1 tấm vải của bà về giới thiệu cho khách nước ngoài.
1 tháng sau, cặp vợ chồng quay lại Hà Giang. Họ đầu tư cho bà Mai cùng những người phụ nữ ở đây giống, phân bón… trị giá khoảng 13 triệu đồng để trồng cây lanh.
Sau 1 năm hoạt động hiệu quả, 2 vợ chồng người Thụy Điển tiếp tục giúp những phụ nữ ở Quản Bạ, Hà Giang giới thiệu sản phẩm đến đại sứ quán các nước.
‘Thấy hàng tốt, họ đặt ngày càng nhiều. Sản phẩm của chúng tôi bắt đầu vượt ra khỏi biên giới. Năm 2001, chúng tôi thành lập hợp tác xã’.
Bà Mai thừa nhận, công việc trồng lanh không đơn giản bởi phụ thuộc nhiều vào thời tiết.
‘Nếu xảy ra mưa đá hay nắng nóng, hạn hán… cây lanh chết, chúng tôi mất trắng, không có nguyên liệu để làm’.
Bà cũng nhớ đến sự cố năm 2018, Hà Giang trải qua 1 trận lũ quét lớn.
Đá, nước đổ từ trên đồi xuống làm bục cửa xưởng, ngập và làm hỏng hết toàn bộ nguyên liệu để dệt.
‘Chúng tôi phải dùng ô tô chở không biết bao nhiêu nguyên liệu đi vứt bỏ, mất trắng vài trăm triệu. Mọi người lúc đó đều khóc…’, bà nhớ lại.
Một sản phẩm từ vải lanh thổ cẩm. |
Nhưng họ không từ bỏ, tiếp tục đi gom nguyên liệu, tái sản xuất.
Đến nay, hợp tác xã của bà có 4 xưởng (kéo sợi, may, dệt và kho). Doanh thu của hợp tác xã hàng năm 1,5 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hơn 150 người với 9 nhóm sản xuất.
Lương của các thành viên từ 4 đến 8, 9 triệu/tháng tùy theo tay nghề và năng suất. 80% khách hàng của họ là người nước ngoài.
Nhưng bà nói, để đi được đến ngày hôm nay, họ phải trải qua một hành trình không hề dễ dàng…
‘Họ từng nói xấu tôi rất nhiều…’
‘Thời gian đầu, không ít chị em đến xưởng tôi học việc bị chồng đến tận nơi lôi về. Một ông chồng say rượu còn tát vợ trước mặt tôi vì tội dám đến xưởng làm…
Quan niệm của họ là đàn bà phải ở nhà phục vụ chồng, chăn nuôi gà lợn. Phụ nữ bước chân ra khỏi gia đình, đi làm ở xưởng là một điều gì đó rất ghê gớm’, bà Mai nhớ lại.
Bà Mai (thứ 2 từ trái sang) lọt top 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017 do Forbes bình chọn (Ảnh: Forbes Việt Nam). |
‘Khi tôi khánh thành hợp tác xã, người ta còn rỉ tai nhau: ‘Đi làm thuê cho bà Mai làm gì, chỉ đi hầu hạ cho bà ấy thôi…’ rồi rất nhiều tin đồn khác khiến cho anh em nội, ngoại của tôi sợ không dám đến làm.
Nhưng tôi vẫn không nao núng. Tôi bỏ ngoài tai tất cả vì tôi biết, họ chưa hiểu và chưa tin tưởng mình’, bà nói thêm.
Nhưng rồi, đi làm tại hợp tác xã, những phụ nữ nghèo có thu nhập, họ tự tin hơn. Nhiều người đến với xưởng của bà Mai hơn.
Không chỉ nhận phụ nữ yêu nghề, bà Mai còn tạo cơ hội cho những phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
‘Xưởng của tôi có nhiều chị em hoàn cảnh rất đáng thương. Có chị, chồng mất vì ung thư, một mình nuôi 6 con. Có gia đình, bố chết, mẹ đi lấy chồng khác, 5 đứa trẻ ngủ cùng trên 1 giường không chăn, không màn.
Bữa cơm của chúng chỉ có bát mèn mén và 2- 3 hạt muối trên tay. Khách cho bánh mì chúng không biết là cái gì vì chưa bao giờ được ăn’, bà nói.
Bà Mai nhận những đứa trẻ đến xưởng để dạy nghề. Vào ngày nghỉ học, các em lại đến xưởng vừa học nghề vừa làm. Mỗi em có 1 quyển sổ riêng để ghi chép, làm được bao nhiêu sản phẩm cuối ngày sẽ được thanh toán đầy đủ.
‘Không chỉ muốn cho trẻ có tiền mua cái ăn, sách vở, tôi còn muốn truyền nghề cho các em. Nếu các em không học cao lên vẫn có nghề để nuôi bản thân’.
Hợp tác xã của bà Mai cũng có những cụ già 70, 80 tuổi đến gõ cửa xin việc làm. Tùy sức khỏe, bà lại sắp xếp cho họ công việc phù hợp để tranh thủ thời gian rỗi rãi.
‘Đây là một nghề không giàu nhưng nó giúp cho chúng tôi - những phụ nữ H'Mông có công ăn việc làm, có thể bảo tồn được bản sắc dân tộc.
Tôi cũng tự hào khi đưa được văn hóa của chúng tôi đến với thế giới. Tương lai, tôi muốn đưa mô hình này mở rộng ra các thôn bản khác ở vùng cao. Người phụ nữ H'Mông tự trồng cây, làm sợi, dệt áo, khăn… để tự làm chủ cuộc đời mình’, bà nói.
Việc làm này giúp cải thiện đời sống của phụ nữ, thay đổi tư duy truyền thống trọng nam khinh nữ của người Mông khi người phụ nữ trở thành trụ cột kinh tế gia đình.
Cầm 200 đô sang Hàn, mẹ đơn thân vừa học tiến sĩ vừa nuôi con
Là nghiên cứu sinh, làm mẹ đơn thân, lại vừa được bầu chọn là ‘Công dân danh dự của thành phố Seoul’, Minh Phương cùng lúc thực hiện nhiều vai trò khác nhau.
Ngọc Trang (Ảnh: NVCC)