Đến nay, Kiều Phùng (26 tuổi, quê Phú Thọ) có 7 năm sinh sống ở Trung Quốc. Cách đây hơn 2 năm, khi đặt chân đến mảnh đất Tây Tạng, cô quyết định ở lại để phát triển công việc kinh doanh dược liệu.

Tây Tạng nằm biệt lập ở độ cao trung bình 4.900m so với mặt nước biển trên dãy Himalaya, nơi được mệnh danh là vùng đất của "nóc nhà thế giới". Trong nhiều thế kỷ, Tây Tạng bị cô lập với thế giới bên ngoài bởi vị trí địa lý và khí hậu khắc nghiệt.

Người Việt kể cuộc sống -20 độ ở Tây Tạng, mỗi tháng chi tiêu 50 triệu đồng - 1

Kiều Phùng chia sẻ, mùa đông ở Tây Tạng vô cùng khắc nghiệt (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Đây là một trong những vùng đất hẻo lánh nhất trên trái đất nhưng sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và nguồn dược liệu quý, đặc biệt là đông trùng hạ thảo.

Tây Tạng có nhiều dãy núi tuyết vĩnh cửu, khí hậu khắc nghiệt, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm là rất lớn. Thời gian đầu, cô gái Việt gặp không ít khó khăn khi đến một vùng đất mới.

Kiều Phùng kể, vì nằm ở độ cao hàng nghìn mét so với mặt nước biển nên không khí ở Tây Tạng khá loãng, càng lên cao sẽ càng cảm thấy khó thở, chóng mặt. Khi mới tới đây, đôi lúc cô cũng gặp hiện tượng này.

Người Việt kể cuộc sống -20 độ ở Tây Tạng, mỗi tháng chi tiêu 50 triệu đồng - 2

Cô gái gái Việt bên các trẻ em Tây Tạng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

 Để thuận tiện cho sinh hoạt và lựa chọn sinh sống lâu dài, Kiều Phùng đã thuê nhà ở nơi có độ cao khoảng 4.000m. 

 "Những người dân bản địa có thể sinh sống ở độ cao khoảng 5.000-6.000m vì họ đã quen với khí hậu nơi đây. Tôi chỉ dám chọn thuê nhà ở Na Khúc và Lhasa - thủ phủ của Tây Tạng", cô gái Phú Thọ kể.

Vì lạnh giá, cheo leo nên dân cư ở Tây Tạng thưa thớt, cuộc sống bình lặng khác hẳn vẻ nhộn nhịp của những thành phố hiện đại.   

Mùa hè ở Tây Tạng rất ngắn chỉ khoảng từ tháng 6 đến tháng 9 và gần như không có mùa thu. Mùa đông kéo dài từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, băng tuyết bao phủ khắp nơi. Mùa xuân ngắn ngủi chỉ vào khoảng tháng 5.

Kiều Phùng cho hay, càng lên cao nhiệt độ càng lạnh. Ở khu vực cô sinh sống, mùa đông thường duy trì nền nhiệt khoảng -10 đến -20 độ C. Những vùng cao hơn, nhiệt độ có thể hạ xuống dưới -30 độ C.

Những khu vực thành phố mới, khu chung cư mới thường được trang bị hệ thống sưởi. Vì vậy, mùa đông với những người sống ở khu vực này không quá khắc nghiệt.

"Những người từ nơi khác đến hay những người có điều kiện kinh tế hơn sẽ vẫn sinh hoạt, tắm giặt bình thường nhờ hệ thống sưởi, nước nóng hiện đại", Kiều Phùng kể.

Tuy nhiên, ở những vùng dân cư cũ, vùng có độ cao lớn tập trung nhiều người bản địa, các gia đình vẫn phải sử dụng nhiều cách thức truyền thống để giữ ấm, phổ biến nhất là bếp sưởi dùng nguyên liệu phân bò.

Kiều Phùng kể, các gia đình người Tây Tạng thường nuôi nhiều bò Yak trong nhà. Đây là giống bò lông dài, sống thích nghi ở độ cao hơn 3.000m so với mực nước biển, chịu được cái lạnh dưới âm độ của vùng cao nguyên Himalaya đặc biệt này.

Người Tạng dùng mọi thứ từ bò Yak: Sữa, thịt để làm thực phẩm, lông để làm áo, thảm trùm bên ngoài các ngôi nhà để giữ ấm, phân bò dùng làm nguyên liệu đốt sưởi cho mùa đông, trát tường giữ ấm.

Người Việt kể cuộc sống -20 độ ở Tây Tạng, mỗi tháng chi tiêu 50 triệu đồng - 3

Kiều Phùng bên cạnh một chú bò Yak, vật nuôi phổ biến trong các gia đình Tây Tạng (Ảnh: NVCC).

Vì lạnh giá và nguồn nước không ổn định nên đa số người Tạng rất ít tắm, vài ba tháng họ mới tắm một lần. Có người sẽ tìm đến các suối nước nóng công cộng để ngâm mình cả ngày trong những hôm bớt lạnh. Có gia đình lấy băng từ các hồ nước về để đun lên dùng cho sinh hoạt.

Những gia đình ở trong núi sâu do điều kiện khí hậu khắc nghiệt hơn nên họ thường lựa chọn những cách sinh hoạt "ít nước nhất có thể" như tích trữ đồ ăn, ở hẳn trong nhà, không đi ra ngoài tiếp xúc với ai…

Mùa đông, một bộ phận người dân sùng đạo sẽ lựa chọn tránh rét bằng cách chuyển vào các tu viện để tu hành, những người có điều kiện kinh tế sẽ di chuyển các thành phố ấm áp gần Tây Tạng như Lhasa, Thành Đô…

Vào những ngày nhiệt độ -10 đến -20 độ C, Kiều Phùng thường hạn chế ra ngoài bởi nếu không che chắn kỹ cô rất dễ bị bỏng lạnh, tay chân buốt cứng...

Cũng theo cô gái Việt, người dân Tây Tạng chủ yếu sống bằng nghề chăn nuôi gia súc và săn tìm dược liệu.

Chi phí sinh hoạt ở đây khá đắt đỏ vì nhiều loại thực phẩm, rau củ phải nhập từ khu vực khác đến. Đường sá đi lại vất vả, chi phí xăng xe không hề rẻ.

"Chi phí trung bình một tháng sinh sống ở Tây Tạng của tôi hết từ 50 đến 70 triệu đồng/tháng. Tiền nhà hơn 10 triệu đồng, còn lại chủ yếu là xăng xe", cô gái này kể.

Theo Dân trí