Nhiều người Việt ưa khoe mẽ để chứng tỏ sự hơn người khác của chính mình. Tính khoe mẽ này thường dẫn đến thói háo danh và hiếu thắng.
LTS: Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu bài cuối cùng, Dạy trẻ hướng thiện, trong loạt bài Giáo dục nhân cách và kỹ năng sống của tác giả Nguyễn Tuấn Hải.
>> Xem lại Bài 1: Người Việt ồn ào và cách người Nhật dạy trẻ
>> Xem lại Bài 3: Những 'cái chết' vô tư trong cách người Việt dạy trẻ
Gần đây, có một thực tế đáng lo ngại là cái ác và bạo lực đang có dấu hiệu gia tăng trong trường học nói riêng và xã hội nói chung. Có những mâu thuẫn hay va chạm rất nhỏ cũng được người Việt giải quyết bằng bạo lực.
Câu hỏi “Vì sao?” đã trở thành xưa cũ đến mức không cần phải bàn thêm về nó nữa. Vì có quá nhiều bài viết trên báo chí, và cả mạng xã hội đã bàn về nó chính thức và không chính thức.
Giáo dục chính là con đường ngắn nhất để tiếp nhận văn minh, nhận thức cái tốt, cái xấu để từ đó xây dựng tính hướng hiện trong mỗi con người. Có như vậy mới thức tỉnh được sự tử tế trong mỗi con người và giúp họ tránh xa bạo lực.
Chuyện học sinh đánh nhau, đánh "hội đồng" đã không còn hiếm hoi. Ảnh: Tiền Phong |
Để được như vậy, sẽ có rất nhiều việc phải làm. Ở đây chúng tôi chỉ xin đưa ra những gợi ý ban đầu:
Dạy trẻ tính giản dị
Người Việt ưa khoe mẽ để chứng tỏ sự hơn người khác của chính mình. Tính khoe mẽ này dẫn đến thói háo danh, hiếu thắng. Và khi hai thói xấu trên thấm vào giáo dục thì một cách vô hình, chúng cùng nhau tạo ra cách thức cạnh tranh hoang dại nhất: chỉ biết tới thắng lợi của cá nhân.
Nếu chúng ta coi mỗi cá nhân là một cái cây và quá trình phát triển chính là việc cái cây đó lớn lên một cách thẳng đứng để cho các cây khác xung quanh có cả không gian để vươn lên và có cả ánh sáng để trưởng thành. Các cây trong thiên nhiên luôn biết nương vào nhau để lớn, nhất là tán lá của chúng luôn biết cách đan xen nhường nhịn nhau. Và các cá nhân con người cũng vậy.
Dạy cho trẻ em biết hài lòng và trân quý những gì chúng đang có. Các em cần nhận thức được rằng của cải hay thành tựu của các cá nhân khác không phải là của mình. Các nhà khoa học chân chính đều thể hiện sự giản dị trong lối sống cũng bởi vì lý do này.
Dạy trẻ yêu lao động
Cách thức duy nhất để giáo dục trẻ tình yêu lao động là tạo điều kiện cho trẻ làm việc nhà. Từ bé là tốt nhất và điều này không hề là khó khăn nếu cả cha mẹ và con cái đều hiểu được bản chất của vấn đề.
Cha mẹ Việt thường yêu thương con bằng việc làm thay con các công việc thậm chí là của riêng chúng.
Ngoài việc thiếu lòng kiên nhẫn ra thì chúng ta còn thiếu cả thời gian dành cho con cái nữa: chúng ta không làm việc cùng con cái, chúng ta không chơi cùng con cái, chúng ta không tham gia các hoạt động cùng con như cách cha mẹ Nhật hay các nước tiên tiến hay làm. Đó là làm việc để xây dựng hai đức tính: độc lập và yêu lao động. Một đứa trẻ nhỏ mới tập đi cầu thang cũng được họ kiên nhẫn chờ đợi thay vì bế con lên đi cho nhanh.
Vì vậy hãy cùng con và giúp con luyện tập tính kiên trì.
Dạy trẻ giải quyết xung đột
Cơ sở lý luận của các cách thức hướng tới mục tiêu này nằm ở mấy chữ sau: "làm mềm tâm hồn". Tức là phải dạy cho trẻ biết cảm xúc trước nỗi đau của người khác để cho chúng thấy việc gây đau đớn về thể xác cho người khác là việc không thể chấp nhận được.
Hãy cho trẻ tiếp xúc với sách vở từ bé. Kể cho chúng nghe các câu chuyện nhân văn và cho chúng đọc những câu chuyện như thế.
Nếu chúng không được học cách biết xúc cảm thì trẻ em không bao giờ học được cách kiểm soát cảm xúc của chúng: nền tảng để cho chúng không lựa chọn bạo lực để giải quyết xung đột.
Dạy trẻ biết cho thay vì chỉ biết nhận
Đã có cha mẹ Việt nào dám nghĩ rằng: "Ăn hết thì lấy gì mà cho" thay vì: "Cho hết thì lấy gì mà ăn" chưa?
Hãy nói với con bạn câu của Đức Phật ở trên và cha mẹ trước tiên hãy là tấm gương để con cái noi theo. Chỉ khi cùng con bước đi trên con đường đúng đắn, cùng nhau cảm nhận sự bao dung và nhân ái thì những đứa trẻ sẽ dễ dàng hiểu vì sao không chỉ biết nhận mà còn phải biết cho đi.