Thời gian qua, nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội là một trong những kênh tài chính ưu đãi giúp các thôn xã trên địa bàn huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang có điều kiện vươn lên, phát triển sản xuất, hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới. Nhờ đó, góp phần thực hiện mục tiêu đưa Sơn Dương trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang trước năm 2025.
Bà Phạm Thị Nhị Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương cho biết, từ nguồn vốn tín dụng chính sách, hơn 9.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo ở huyện được vay vốn sản xuất; hơn 1.600 lao dộng được tạo thêm việc làm mới; hơn 5.600 hộ nông dân nông thôn được sử dụng nước sạch và các công trình hợp vệ sinh, góp phần xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại.
Tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn huyện giai đoạn 2022 - 2025 với tỷ lệ 3,32%/năm (từ 21,97% đầu năm 2022 và phấn đấu giảm xuống còn 8,69% cuối năm 2025); giúp 18/30 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 3 xã nông thôn mới nâng cao; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng dân tộc thiểu số.
Đơn cử tại xã Hợp Hòa, ông Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã cho biết, cuối tháng 7/2024, xã Hợp Hòa được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong quá trình xây dựng, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng giúp người dân trong xã phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Chỉ tính riêng từ năm 2023 đến nay, hàng trăm người nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn xã Hợp Hoà được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để hoàn thiện nơi ở, tạo việc làm, đảm bảo vệ sinh môi trường... với tổng số tiền hơn 16 tỷ đồng. Qua đó, đưa tỷ lệ hộ dân có nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố đạt trên 75%; tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm xuống còn 10,6%; thu nhập bình quân đầu người đạt 42,61 triệu đồng/năm...
Theo bà Trần Thanh Hương, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sơn Dương, huyện đang thực hiện 19 chương trình tín dụng, duy trì 517 tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn, tổ dân phố, với trên 20.300 lượt khách hàng vay vốn với tổng dư nợ đạt trên 857 tỷ đồng.
Để phát huy hiệu quả, Phòng giao dịch bố trí cán bộ phụ trách theo sát từng chương trình, địa bàn cụ thể, ưu tiên cán bộ có kinh nghiệm đảm nhận thực hiện các chương trình có vốn lớn, đối tượng thụ hưởng nhiều. Đồng thời, phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện hướng dẫn các hộ lựa chọn mô hình phù hợp để đầu tư, phát triển kinh tế…
Thực hiện mục tiêu đưa huyện Sơn Dương về đích nông thôn mới theo đúng kế hoạch, bà Phạm Thị Nhị Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương cho biết: Huyện sẽ tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động Ngân hàng Chính sách xã hội trong thực hiện các cơ chế, chính sách tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đồng thời, chủ động tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, đặc biệt là cho vay theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù; tham mưu cho Ngân hàng Chính sách xã hội cấp trên bổ sung thêm nguồn vốn để đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Cùng với đó, huyện Sơn Dương tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện; đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; tích cực huy động nguồn vốn, tiền gửi từ dân cư tại các điểm giao dịch xã, thị trấn, các nguồn vốn hợp pháp khác để bổ sung nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách; tuyên truyền những hộ trả tiền đúng kỳ hạn, sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả...