Bộ Công Thương cho biết, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến quý I/2022 tiếp tục đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của hoạt động xuất khẩu với kim ngạch đạt 76,18 tỷ USD, tăng 11,6% so với quý I/2021 và chiếm 86% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung. 

ảnh: Lê Anh Dũng

Nhìn chung, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng trong nhóm đều tăng trưởng cao hơn so với quý I/2021. Trong đó, điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất, đạt 14,23 tỷ USD, chiếm 16% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 13,05 tỷ USD, tăng 9,2%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 9,9 tỷ USD, tăng 8,8%; hàng dệt may đạt 8,84 tỷ USD, tăng 22,5%; giày dép đạt 5,29 tỷ USD, tăng 10,1%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,04 tỷ USD, tăng 5,6%; Sắt thép các loại đạt 2,16 tỷ USD, tăng 7,1%.

Trong đó, một số mặt hàng tăng mạnh so với quý I/2021 như: phân bón các loại tăng 183% (do giá phân bón tăng cao và nhu cầu tăng đột biến); hóa chất tăng 67%; Đá quý và kim loại quý tăng 55,7%; Mây, tre, cói và thảm tăng 34,4%; Sản phẩm chất dẻo tăng 30,2%; Thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 29,7%...

Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, chiếm 88,7% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong quý I/2022 là nhóm hàng cần nhập khẩu (nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước) với kim ngạch đạt 77,88 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2021. 

Trong đó, kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt cao nhất, 21,72 tỷ USD, tăng 31% so với quý I/2021. Tương tự, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng khác cũng ghi nhận mức tăng cao như: điện thoại các loại và linh kiện tăng 15,2%, đạt 5,5 tỷ USD; chất dẻo nguyên liệu tăng 18,9%; cao su các loại tăng 33%; bông các loại tăng 40%; Nguyên, phụ liệu thuốc lá tăng 138%; than đá tăng 97%; dầu thô tăng 70%; xăng dầu các loại tăng 129%; sản phẩm khác từ dầu mỏ tăng 42,8%; hóa chất tăng 31,8%; phân bón tăng 55,8%...

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 2,6% so với quý I/2021, đạt 10,56 tỷ USD; hạt điều giảm 55,5%; Ô tô nguyên chiếc các loại (trừ xe dưới 9 chỗ) giảm 78%. 

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 23,8 tỷ USD, tăng 47,3% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc đạt 13 tỷ USD, tăng 9,9%; thị trường ASEAN đạt 9,7 tỷ USD, tăng 30,9%; Nhật Bản đạt 5,1 tỷ USD, tăng 4,8%; thị trường EU đạt 4,1 tỷ USD, tăng 19,7%; Hoa Kỳ đạt 4 tỷ USD, tăng 13%. 

Nhìn chung, nhập khẩu tăng do các doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu để đẩy mạnh phục hồi sản xuất và do giá nhiều nguyên vật liệu tăng cao cũng là yếu tố khiến kim ngạch nhập khẩu tăng.

Bộ Công Thương nhận định, làn sóng chuyển dịch đầu tư để tái cơ cấu chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài với quy mô sản xuất lớn và mạng lưới khách hàng rộng khắp sẽ là động lực mới cho hoạt động xuất nhập khẩu. 

Cùng đó, gói phục hồi kinh tế với các chính sách hỗ trợ bao gồm cả thuế, phí sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Tuy nhiên, thời gian tới, hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng phải đối mặt với những khó khăn như nguy cơ về gián đoạn chuỗi cung ứng do căng thẳng thương mại, địa chính trị leo thang; giá cước vận tải ở mức cao tạo thêm khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu. Giá hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu là đầu của sản xuất dự báo tiếp tục tăng cao, khiến giá hàng hóa trong nước tăng gây áp lực lớn lên hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hoàng Hiệp