LTS:Tuần Việt Nam mở Diễn đàn "Vì Việt Nam hùng cường" với mong muốn thu nhận từ quý độc giả những ý kiến, bài viết về các giải pháp phát triển đất nước trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng phát triển, cổ vũ niềm tin của cộng đồng vào tương lai Việt Nam.

Chủ đề đầu tiên của Diễn đàn tập trung vào thể chế kinh tế. Mời quý vị cùng theo dõi. 

Trong thời gian dài vừa qua, chúng ta phát triển dựa nhiều vào vốn và khai thác tài nguyên, hai yếu tố được xác định là đã hết dư địa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang nỗ lực thúc đẩy chương trình tái cơ cấu kinh tế dù chưa thu được nhiều kết quả mong muốn.

Tất cả những nỗ lực đó và còn nhiều hơn nữa mà tôi không liệt kê ra đây đều thể hiện khát vọng Việt Nam cần có tăng trưởng kinh tế cao hơn.

Đổi mới vai trò và chức năng Nhà nước

Bên cạnh những một số giải pháp kiến nghị trong bài viết trước, trong phần cuối của loạt bài này, tôi sẽ tập trung vào việc gợi mở về đổi mới tư duy về vai trò và chức năng của Nhà nước, mà tôi cho là còn rất nhiều rào cản cần gỡ bỏ, hay nói đúng hơn, còn nhiều dư địa để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Trước hết, cần đổi mới tư duy trong việc minh định chức năng, vai trò của Nhà nước với tư cách là 1 trong 3 chủ thể của nền kinh tế thị trường là Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. 

Tôi cho rằng, Nhà nước không làm thay thị trường và không làm thay người dân trong quan hệ dân sự. Nhà nước không bao cấp rủi ro cho doanh nghiệp, nhưng cũng không tạo ra những rủi  ro cho doanh nghiệp bằng các quyết định hành chính của mình.

Từ góc nhìn đó, Nhà nước không sử dụng các tổ chức kinh tế của Nhà nước như công cụ để khắc phục và hạn chế những khuyết tật của thị trường và cần tách biệt hoạt động kinh tế với hành chính công quyền.

{keywords}
Nhà nước cần tập đặc biệt hoàn thiện thị trường quyền sử dụng đất.

Bên cạnh đó, cần xây dựng các chương trình phát triển quốc gia thay cho các loại chính sách ưu đãi tràn lan tốn tiền ngân sách mà rốt cuộc không xác định được hiệu quả là gì. Nhà nước cần đổi mới tư duy về thành phần kinh tế, hoặc bỏ khái niệm thành phần kinh tế, điều mà chúng ta đã sa vào tranh luận trong nhiều thập kỷ qua.

Xét cho cùng, phát triển kinh tê tư nhân, kinh tế nhà nước và kinh tế FDI chỉ là công cụ chứ không phải là mục tiêu để đưa đất nước đến thịnh vượng. Về thực chất, cơ cấu và vai trò của từng thành phần kinh tế không phải là đặc điểm hay thuộc tính phải có của mô hình kinh tế.

Mỗi thành phần có thể có vai trò và chức năng riêng nhưng không vì thế mà coi kinh tế nhà nước quan trọng hơn các thành phần khác và phải đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, Nhà nước nên tập trung cao độ thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp trong nước, chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, cả về số lượng và chất lượng, coi đây là nhiệm vụ của bộ máy nhà nước các cấp.

Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam là ai nếu không phải là đồng bào ta, người dân ta, người thân ta, sao lại phân biện đối xử với khu vực kinh tế này?

Tôi cho rằng, trước mắt phải nâng cao được năng lực cạnh tranh và hiệu quả cho các doanh nghiệp trong nước thông qua việc hoàn thiện, củng cố nền tảng của kinh tế thị trường. Trong đó, cần đặc biệt nhấn mạnh đến quyền sở hữu tài sản và thực hiện các chính sách công bằng, cạnh tranh lành mạnh trong tiếp cận vốn, đất đai, tài nguyên và thông tin.

Phải thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp trong nhân dân. Nhà nước phải tạo dựng môi trường thuận lợi, xây dựng những trung tâm đổi mới sáng tạo và  khởi nghiệp, hướng dẫn và đào tạo, nâng cao năng lực quản lý, năng lực tổ chức sản xuất, năng tiếp nhận và áp dụng công nghệ mới nhằm tạo ra một làn sóng khởi nghiệp và tinh thần doanh nghiệp mạnh mẽ trong xã hội.

Rốt cuộc, tôi cho rằng, phải coi vị thế, sức mạnh của doanh nghiệp là vị thế, sức mạnh của quốc gia.

Cần các chương trình đột phá chiến lược

Trong nhiều nhiệm kỳ qua, chúng ta có rất nhiều các chương trình mục tiêu nhưng không tập trung đủ về nguồn lực, ưu tiên chính sách nên rốt cuộc không đo đếm được hiệu quả.

Trong thời gian tới, vẫn cần xây dựng và thực hiện các chương trình hành động đột phá chiến lược với các nội dung hết sức cụ thể. Ở lĩnh vực này, vai trò của Nhà nước là mang tính quyết định. Dưới đây, tôi chỉ xin phác thảo một vài điểm. 

Thứ nhất, cần xác định các điểm nghẽn, vấn đề ách tắc cơ bản cần giải quyết một cách có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phân tán, manh mún. 

Có rất nhiều lĩnh vực cần áp dụng nguyên tắc này nhưng tôi xin gợi ý về lĩnh vực cơ sở hạ tầng đang là một trong những nút thắt lớn nhất cần tháo gỡ. 

Trước hết, chúng ta cần ưu tiên giải quyết mất cân đối giữa giao thông đường bộ với đường sắt và đường thủy; khắc phục đáng kế tình trạng tắc nghẽn giao thông ở các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và TP HCM và của các cảng hàng không, cảng biển quan trọng kết nối kinh tế nước ta với khu vực và thế giới. 

Tăng cường kết nối giao thông hàng hóa thuận lợi, hiệu quả giữa các địa phương trong các vùng kinh tế trọng điểm và kết nối với thế giới bên ngoài. Cần đưa chỉ số xếp hạng về thương mại qua biên giới và hiệu quả logistics của Việt Nam vào nhóm 40 quốc gia hàng đầu trên thế giới. Đến năm 2025 phải hoàn thành một số cảng hàng không lớn, quan trọng. 

Bên cạnh đó ra, Nhà nước cần chú ý đến hạ tầng nền kinh tế số; số hóa các hạ tầng truyền thống như đường bộ, đường sắt, cảng biển, hệ thống chuyển tải điện, hệ thống cấp nước, thoát nước. Hạ tầng kinh tế số, bao gồm hạ tầng mạng, hạ tầng thiết bị, hạ tầng dự liệu, an ninh mạng và bảo đảm bí mật cá nhân; cần phải xây dựng đồng bộ ngay từ đầu, thuộc loạt tốt nhất khu vực và thế giới

Bên cạnh đó là xây dựng thành phố thông minh, bao gồm các tòa nhà thông minh, giao thông thông minh, chăm sóc y tế thông minh, cấp điện thông minh, cấp thoát nước thông minh và chính quyền đô thị thông minh. Đến năm 2030 ít nhất có 5 thành phố thông minh theo chuẩn mực toàn cầu. 

Thứ hai, các mục tiêu phải cụ thể, rõ ràng, đo lường được, giám sát được và đủ lớn để tạo đột phá; có phân kỳ theo từng giai đoạn. 

Thứ ba, các giải pháp đưa ra phải đủ mạnh, đủ quyết liệt và nhất quán; có thể bao gồm các giải pháp phi truyền thống như các giải pháp về thể chế chính sách, phân bố nguồn lực tài chính, nguồn lực con người và các nguồn lực khác, giải pháp tổ chức thực hiện. 

Thứ tư, cần phân quyền, phân cấp cho các cơ quan, cá nhân chịu trách nhiệm thực hiện; và xác định các các cơ quan, cá nhân giám sát, đánh giá từ bên ngoài cho quá trình thực hiện đó. 

Tóm lại, các đột phá chiến lược có thể bao gồm đột phá về thể chế; đột phá về xây dựng hạ tầng, đô thị hóa và xây dựng thành phố thông minh; đột phá về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu tận dung cơ hội cách mạng công nghiệp lần thứ 4; đột phá về đổi mới sáng tạo, nâng cao trình độ công nghệ và năng lực nghiên cứu, phát triển và áp dụng khoa học, công nghệ. 

Trong đột phá về thể chế, ưu tiên xây dựng và thực hiện các chương trình hành động về phát triển và hoàn thiện thị trường các nhân tố sản xuất để đến năm 2025, các loại thị trường này đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bố nguồn lực trong nền kinh tế.

Trong đó, cần tập trung hoàn thiện thị trường quyền sử dụng đất, nhất là quyền sử dụng đất nông nghiệp; thị trường tài nguyên các loại; thị trường tài chính, nhất là thị trường vốn; thị trường lao động; thị trường khoa học ông nghệ, thị trường các sản phẩm, dịch vụ độc quyền nhà nước.

Ứng xử với cách mạng 4.0

Trong bài trước, tôi đã khái quát về sự cần thiết phải bắt kịp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ở phần này, tôi sẽ nêu cụ thể hơn những nét chính cần thực hiện.

Trước hết, cần áp dụng các công nghệ đặc trưng của công nghiệp 4.0 như tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật, dự liệu lớn,v.v... để chuyển đổi các ngành sản xuất hiện có, nhất là các ngành có lợi thế, có tiềm năng. Việc áp dụng sẽ giúp tối ưu hóa phân bố, sử dụng nguồn lực, nâng cao hiệu quả của từng doanh nghiệp, từng ngành và của toàn nền kinh tế. 

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy, hỗ trợ nghiên cứu, phát triển các sản phẩm mới, dịch vụ mới, công nghệ mới và mô hình kinh doanh mới. 

Nhà nước cũng nên có các chương trình chuyển đổi số đối với các ngành Việt Nam có lợi thế, gồm nông nghiệp chất lượng cao, chế tác, chế tạo, dịch vụ hậu cần logistics, y tế, giáo dục. Có chương trình phát triển thương mại điện tử, thương mại số, phát triển hệ thống tài chính số. 

Đặc biệt, Nhà nước nên xây dựng và vận hành Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo trên toàn quốc với thể chế vượt trội, mỗi trung tâm đổi mới sáng tạo tương tự như một “khu kinh tế tự do”, có chuyên ngành và lĩnh vực ưu tiên cụ thể.

Cuối cùng, tôi kiến nghị nên xây dựng và thực hiện các chương trình phát triển ba hoặc bốn vùng kinh tế động lực thay vì áp dụng các chính sách ưu đãi cá biệt, riêng biệt cho một số địa phương như hiện nay để biến vùng miền Đông Nam Bộ với trung tâm là Thành phố HCM, vùng Đồng bằng sông Hồng với hai trung tâm là Hà nội, Hải Phòng thành các vùng đầu tàu cho tăng trưởng kinh tế.

Những lập luận, kiến nghị trên đây nhằm hưởng ứng Diễn đàn Vì Việt Nam hùng cường trên Tuần Việt Nam của VietNamNet. Tôi đánh giá cao Diễn đàn và hi vọng có dịp trao đổi với những ai quan tâm.

Nguyễn Đình Cung

Trân trọng kinh mời quý vị độc giả gửi bài cho Diễn đàn “Vì Việt Nam hùng cường” theo địa chỉ email: tuanvietnam@vietnamnet.vn