Từ miếng thịt, mớ rau lên sàn online
Đưa bao gạo cho shipper chuyển đi, cầm điện thoại thông minh trên tay, bà Dung (chủ tạp hóa ở chợ Thành Công, Hà Nội) vui vẻ nói: “Giờ hiện đại, ngồi nhà ấn điện thoại là có ngay gạo tới nhà, chẳng phải gọi cho người bán như trước”. Đổi mới theo công nghệ, từ lâu bà Dung đã bán hàng online nhưng chủ yếu từ zalo, facebook.
Gần một năm nay, việc bán hàng online của bà Dung chuyển hoàn toàn sang cách mới. Các tiểu thương mở sạp online được thông báo đơn hàng trên ứng dụng khi có người đặt mua. Họ sẽ chuẩn bị đơn, chờ tài xế đến lấy. Bà không phải lo tới tiền mặt vì nhiều đơn hàng đã được thanh toán qua tài khoản.
Mạnh dạn tham gia bán hàng online dù còn khá bỡ ngỡ, chị Thúy (một tiểu thương ở Hoàng Mai) cho hay: “Mới đầu cũng ngại lắm, không biết bán ra sao, hồi nào đến giờ mình bán thì nhận tiền mặt hoặc chuyển khoản, đằng này mình đưa hàng trước mà chưa nhận được tiền ngay, lại cũng không biết mặt khách”.
Thời đại 4.0 thì tất cả đều có thể đưa lên... online |
Thời gian đầu triển khai số hoá, nhiều bà chủ tiệm tạp hoá bỡ ngỡ với cách bán hàng kiểu mới từ điện thoại thông minh. Chị Thúy cho hay: “Giao hàng rồi không thấy tiền đâu cũng lo, rồi cũng quen. Thời buổi công nghệ, phải bắt kịp thôi”. Việc đưa công nghệ vào bán hàng qua ứng dụng còn khá mới mẻ, đơn hàng chưa nhiều nên chưa mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Nhưng, đây là một kênh có lợi về lâu dài.
Là chủ một gian hàng rau củ, tạp hóa, đồ tươi sống, chị Thúy nói: "Thực sự tôi cảm thấy vô cùng vui mừng khi hơn một tháng vừa rồi lượng hàng bán qua ứng dụng chiếm 30%, tiến tới chắc sẽ cao hơn"
Còn với bà Tâm (chủ tạp hoá ở Linh Đàm) đã có quyết định “lịch sử” khi thay thế toàn bộ diện mạo cửa hàng và tiếp cận cách nhập hàng qua ứng dụng di động. “Thời đại công nghệ nên việc bán buôn cũng phải nhờ vào công nghệ, nếu không sẽ ngày càng khó”, bà nói.
Vừa đặt thêm hàng qua ứng dụng điện thoại, bà Tâm vui vẻ tâm sự, giờ bà có thể đặt hàng trực tiếp với nhà sản xuất, chỉ việc mở ứng dụng và đặt bất cứ mặt hàng nào mình cần. Hàng hóa sẽ đi thẳng từ nhà sản xuất tới cơ sở bán lẻ, đảm bảo chất lượng tốt nhất so với hình thức phân phối truyền thống.
Bàn Dung hay chị Thúy, bà Tâm nằm trong số khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa lớn nhỏ và 9.000 chợ truyền thống với doanh thu dao động khoảng 10 tỷ USD mỗi năm tại Việt Nam, chiếm thị phần 75%, theo báo cáo của Nielsen.
Các chợ truyền thống và tạp hoá đang đối mặt với cuộc cạnh tranh rất lớn. “Tôi bán hàng ở chợ từ hồi chợ mới lập. Tình hình kinh doanh ngày càng đi xuống, người ta bỏ chợ gần hết. Cả tuần không bán mở hàng là bình thường”, bà Dung cho hay.
Sự xuống cấp kèm theo ảnh hưởng của Covid-19 khiến cho nhiều khu chợ truyền thống gặp khó khăn. Nhiều tiểu thương ôm điện thoại để "giết thời gian" hoặc nói chuyện với nhau cho hết ngày vì không có khách. Dịch bệnh không chỉ khiến sức mua giảm sút mà còn làm thay đổi cách thức mua hàng của phần lớn người tiêu dùng. Thay vì đến tận nơi mua hàng, họ dần chuyển sang mua online, giao hàng tận nơi.
Với nguồn lực hạn chế, khả năng tiếp cận công nghệ thấp khi thiếu cả công cụ và kinh nghiệm, nếu không có sự giúp sức của các công ty công nghệ, tiểu thương có thể bị các mô hình kinh doanh hiện đại "nuốt chửng".
Thay đổi tư duy cũ
Bà Nguyễn Thái Hải Vân - Giám đốc điều hành Grab Việt Nam - cho hay: “Dịch Covid-19 đang tạo ra những thay đổi mạnh mẽ, nhưng đồng thời cũng đặt ra áp lực chuyển đổi số cho mọi thành phần trong nền kinh tế, nhất là với các doanh nghiệp truyền thống và doanh nghiệp nhỏ vốn chủ yếu hoạt động offline. Họ cần ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số, nếu không sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong nền kinh tế số”.
Bà cho hay, thuyết phục tiểu thương ở các chợ là điều khá khó khăn. Bởi, khi nói đến mua hàng ở chợ, người ta sẽ nghĩ đến nói thách, chất lượng không ổn định, nhìn mặt định giá,... Nhưng, một khi đã lên ứng dụng, thì các tiểu thương buộc phải theo những tiêu chuẩn chất lượng và an toàn vệ sinh.
Tiệm tạp hóa "đổi đời" nhờ công nghệ mới |
"Ngoài các giấy tờ quen thuộc như giấy phép kinh doanh hoặc chứng nhận nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, chúng tôi còn đề nghị các chủ sạp trong chợ đồng ý với những quy định khác như bảo đảm chất lượng tươi sống của thực phẩm, nếu không sẽ phải đổi hàng nếu khách hàng có nhu cầu, bán đúng giá, chấp nhận thanh toán online,... ", bà Vân nói.
Còn Vinshop, để thuyết phục được tất cả các tiệm tạp hoá không phải câu chuyện một sớm một chiều. Nắm phần lớn thị trường trong tay, các tiệm tạp hoá buộc các nhà cung cấp phải săn đuổi mình. Họ xưa nay vốn không than phiền về việc phải nhập hàng từ nhiều mối, ngược lại, việc này mang lại cho họ một quyền lực khủng khiếp.
Ban đầu, các chủ hàng tạp hóa còn hoài nghi vì phải sử dụng điện thoại thông minh, cài đặt ứng dụng, phải thay đổi thói quen chuẩn bị hàng hóa hàng ngày; hay phải chờ đợi tiền chuyển khoản sau một ngày đối với các đơn thanh toán trực tuyến.
Một vấn đề nữa là người đi chợ truyền thống thường là phụ nữ nội trợ, thích không khí tương tác ở chợ, hoặc lực lượng trung niên không thường xuyên dùng các nền tảng online.
“Do đó, chúng tôi cần cho các cô chú tiểu thương thấy họ sẽ nhận lại được gì từ Grab nếu làm thế”, bà Vân chia sẻ. Theo Grab Việt Nam, sáng kiến số hóa chợ truyền thống, hỗ trợ các tiểu thương khắp cả nước chuyển sang kinh doanh trên nền tảng online, từ đó tiếp cận thêm lượng khách hàng mới và tận dụng nền tảng giao hàng rộng khắp để duy trì hoạt động kinh doanh trong giai đoạn bình thường mới.
Từ tháng 9/2020, Grab đã thử nghiệm đưa chợ truyền thống lên nền tảng GrabMart tại Đà Nẵng và Hà Nội, kết quả bước đầu rất tích cực, với số đơn hàng trung bình hằng ngày tháng 12/2020 tăng gấp đôi so với tháng trước đó. Việt Nam là nước thứ ba trong khu vực Đông Nam Á mà Grab triển khai số hoá chợ truyền thống.
Chủ sạp chợ Thành Công háo hức bán hàng Tết trên điện thoại |
Năm 2020, Vingroup, sau khi thoái vốn khỏi VinMart, đã chuyển sang phát triển VinShop - số hóa các cửa hàng tạp hóa. VinShop chịu chơi khi ứng vốn lên tới 70 triệu đồng, miễn phí 100% lãi suất tới 40 ngày. Chỉ cần 1/3 trong số gần 30.000 cửa hàng đang liên kết với VinShop cần hỗ trợ tài chính, cùng mức giải ngân vốn thấp nhất là 30-40 triệu đồng/shop thì số tiền mà VinShop và đối tác giải ngân trong dịp Tết này lên đến 300-400 tỷ đồng.
Trước Grab hay VinShop, một số nền tảng như Now, be cũng đã triển khai dịch vụ "đi chợ hộ". Tuy nhiên, "be Đi chợ" của be và "Now Fresh" của Now chủ yếu hỗ trợ mua sắm tại một số địa chỉ siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm có thương hiệu, chưa thực sự lấn sâu vào sạp hàng chợ truyền thống.
Các chợ như Bình Điền, Chợ Lớn (TP.HCM) cũng xây dựng trang thương mại điện tử đưa hàng hóa bán hàng trực tuyến. Các sản phẩm, hàng hóa đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, chất lượng đã được kiểm định; đa dạng và phong phú về chủng loại. Đơn hàng sẽ được giao trực tiếp tận nơi cho khách hàng khi mua sắm.
Thích ứng rất nhanh
“Thực tế, tiểu thương có thể chuyển đổi và thích ứng rất nhanh”, bà Vân nhận xét và cho hay Grab đang tập trung đầu tư những sạp "hạt giống" để lan tỏa đến các tiểu thương khác.
Tham gia chợ online, họ không những có thêm khách, mà còn thấy mình trẻ ra, năng động hơn. “Chưa tính đến hiệu quả kinh doanh nhưng trong lúc bán buôn khó khăn thế này, có thêm nhiều người biết đến hàng hóa của mình là thêm cơ hội”, chị Dung nói.
GrabMart đang mang đến lợi ích thiết thực cho gần 100 tiểu thương tại các chợ truyền thống ở Đà Nẵng, Hà Nội, TP.HCM và đặt mục tiêu tăng số lượng tiểu thương tại 3 thành phố này lên gấp 10 lần trước cuối năm 2021. Trong quý 3/2020, tổng lượng đơn hàng trung bình hàng ngày đạt mức tăng trưởng 3 con số, số lượng đối tác tăng gấp 7 lần so với quý trước đó.
Sau một tháng ra mắt, đến nay khoảng 26.000 tiệm tạp hóa đã tham gia cùng VinShop. Như vậy trung bình có khoảng 200 tiệm tạp hóa tham gia hệ sinh thái này mỗi ngày.
Có thể nói, chuyển đổi đang mang lại hiệu quả cho bán lẻ truyền thống, góp phần giữ gìn và lan tỏa giá trị văn hóa của chợ truyền thống đến gần hơn thế hệ trẻ - thành tố chính trong nền kinh tế số.
Duy Anh