- Để hoàn thiện một chương trình âm nhạc, phần âm thanh cần phải được đặc biệt chú trọng, đó là điều mà nhạc trưởng Lê Phi Phi rất lưu ý khi chia sẻ với VietNamNet

Hòa nhạc Điều còn mãi 2017 lại trở lại vào dịp Quốc khánh với những giá trị âm nhạc đã được khẳng định qua thời gian, đi cùng với đó là những màn trình diễn ngoạn mục của các nghệ sĩ tên tuổi trong nước. 

Lần trở lại này, những người tổ chức mang đến một nhạc mục tổng hợp những tác phẩm hay nhất đã từng được trình diễn trong vòng 7 năm qua với hy vọng làm hài lòng những khán giả yêu mến chương trình và luôn dõi theo Hòa nhạc Điều còn mãi. 

Trao đổi với nhạc trưởng Lê Phi Phi – người đã gắn bó và cống hiến cho nền âm nhạc cổ điển trong nước nói chung cũng như Hòa nhạc Điều còn mãi nói riêng, anh chia sẻ về niềm vui và những điều thú vị xoay quanh đời sống âm nhạc trên thế giới. 

{keywords}

Âm thanh cần phải được vang lên chân thật.

Xin chào nhạc trưởng Lê Phi Phi. Cuộc sống hiện nay của anh ở Macedonia ra sao? 

- Cuộc sống hiện nay của tôi ổn định đúng như mong muốn và các dự định. Hàng năm ngoài các cuộc biểu diễn ở châu Âu, giảng dạy tại Học viện âm nhạc quốc gia Macedonia tôi cũng thu xếp về Việt Nam hai lần vào tháng 1 và tháng 8 cộng tác với các dàn nhạc, nhà hát trong nước, thăm thú gia đình, bạn bè, quê hương.

Năm 2015, cha anh (nhạc sĩ Hoàng Vân) lâm bệnh, hiện nay sức khỏe của ông đã hồi phục nhiều chưa, thưa anh?

- Lạy trời sức khoẻ của cha tôi sau đợt ốm nặng năm 2015 hiện nay đã ổn định hơn. Mặc dù vắng mặt, nhưng hàng ngày tôi vẫn chat với cha mẹ, theo dõi các kết quả xét nghiệm thường kỳ và liên lạc với các bạn bè bác sĩ để trợ giúp nếu cần. Sự liên lạc thường xuyên với bố mẹ cũng như là liều thuốc về mặt tinh thần rất quan trọng.

Sau một năm anh lại trở lại với chương trình Hòa nhạc Điều còn mãi 2017 của báo VietNamNet, đâu là điều khiến anh luôn gắn bó với chương trình?

- “Điều còn mãi” là sợi dây liên lạc giữa tôi và các tác giả, tác phẩm Việt nam, với các nghệ sĩ biểu diễn và khán giả yêu thích nội dung của chương trình này. Đặc biệt là  gắn bó với VietNamNet trong suốt 8 năm qua.

Hiện nay, sự xuất hiện của nhạc điện tử (EDM) thu hút một lượng lớn người trẻ yêu thích. Là một người trong giới, anh có thể chia sẻ về đời sống âm nhạc cổ điển nói riêng và âm nhạc nói chung trên thế giới đang diễn biến và hòa trộn ra sao? 

- Đời sống âm nhạc cổ điển trên thế giới hiện nay cũng phát triển rất đa dạng. Hầu hết các dàn nhạc, nhà hát nhạc vũ kịch, các nghệ sĩ biểu diễn - ngoài các tác phẩm kinh điển thì đều đưa thêm nhạc điện tử kết hợp với dàn nhạc giao hưởng trong các chương trình của mình. 

Có rất nhiều nghệ sĩ độc tấu đã dùng nhạc cụ cổ điển kết hợp với nhạc tử lên sân khấu cùng dàn âm thanh của đàn của đàn synthersizer, trống điện tử, máy hoà âm. Đấy cũng là một cách tiếp cận dễ dàng nhất với khán giả trẻ và những khán giả có tư tưởng tân tiến, chấp nhận sự thể nghiệm trong âm nhạc cổ điển. Chính vì thế mà các nhạc sĩ cổ điển cũng có những tác phẩm viết cho remix giữa EDM và cổ điển.

{keywords}

Học nhạc cổ điển là một hy sinh lớn.

Hiện nay trong số những người theo đuổi âm nhạc cổ điển tại Việt Nam, có gương mặt nào khiến anh chú ý?

- Hiện nay có rất nhiều khuôn mặt tài năng trẻ trong “làng” âm nhạc cổ điển Việt Nam mà tôi đã từng làm việc cùng như: Lưu Hồng Quang (piano), Nguyễn Việt Trung (piano), Đỗ Phuơng Nhi (violon), Diệu Linh, Diệu Ân (piano)... Các cháu tuy ở độ tuổi 20 nhưng đã có những thành tích nhất định trong sự nghiệp âm nhạc của mình tại Việt Nam cũng như ở nước ngoài. 

Tuy nhiên với con số gần 100 triệu dân thì số lượng các nghệ sĩ trẻ tài năng còn tương đối khiêm tốn. Đấy cũng là một vấn đề nan giải trong các kỳ tuyển sinh vào các trường âm nhạc chuyên nghiệp trên cả nước. 

Học nhạc cổ điển là một hy sinh lớn về công sức, tiền của, thời gian, nhưng khi tốt nghiệp thì thu nhập chưa xứng đáng nên càng ngày càng ít đi số học sinh, sinh viên muốn trở thành nghệ sĩ cổ điển chuyên nghiệp....

Hòa nhạc Điều còn mãi 2017 sẽ tổng hợp lại những tác phẩm ấn tượng nhất từ các năm trước. Anh thích một nhạc mục như vậy hơn hay tập luyện những tác phẩm mới hơn? 

- Năm nay VietNamNet tròn 20 năm, 8 năm “Điều còn mãi”, đó cũng là cái mốc quan trọng để chúng ta ôn lại một phần những tác phẩm đã để lại dấu ấn trong các chương trình trước. 

Đối với tôi một nhạc mục cũ hoặc mới thì khi bắt tay vào dàn dựng đều có hứng thú cả. Nếu là cũ thì có thể tìm ra những cái mới trong cái cũ, nếu là mới thì là sự khai phá. 

Ví dụ như trong vốn nhạc mục của tôi có những bản giao hưởng mà tôi đã chỉ huy rất nhiều lần, nhưng mỗi một lần lại có một hứng khởi mới, đôi khi lại tìm ra được những chi tiết mới “ẩn” trong tác phẩm cũ...

Anh đã làm việc với Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam cũng như các nghệ sĩ biểu diễn trong Hòa nhạc Điều còn mãi nhiều lần. Điều gì khiến anh đánh giá cao ở ekip làm việc và điều gì anh mong muốn hoàn thiện hơn nữa để mang đến cho khán giả một màn trình diễn hấp dẫn hơn?

- Với Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt nam, Nhà hát nhạc vũ kịch Việt nam, các nghệ sĩ, ca sĩ đã đồng hành với tôi trong “Điều còn mãi” suốt những năm qua thì đã quá hiểu nhau, ê kíp tổ chức của VietNamNet cũng vậy, mỗi năm một chuyên nghiệp hơn. 

Điều duy nhất tôi mong muốn hoàn thiện hơn là phần kỹ thuật âm thanh khi biểu diễn như tôi đã nhắc ở trên, không chỉ đơn thuần là có các thiết bị âm thanh tốt là đủ, phải có một kỹ sư âm thanh chuyên nghiệp cho nhạc cổ điển làm công việc này.

{keywords}

Con đường âm nhạc và sự nghiệp sắp tới của anh có định hướng gì mới không? 

- Định hướng về sự phát triển trong sự nghiệp của tôi luôn luôn chỉ có một: bay cao, bay xa hơn nữa trên sân khấu thế giới, về Việt Nam nhiều hơn nữa cộng tác với các đơn vị nghệ thuật trong nước, và ước muốn thỉnh giảng trong các trường đại học âm nhạc tại Việt Nam. 

Đó luôn là nỗi trăn trở chưa thực hiện được trong tôi mà hoàn toàn lại không phụ thuộc vào cá nhân tôi mà cần sự quan tâm của các cơ sở, các trường đó.

Xin cảm ơn nhạc trưởng Lê Phi Phi!

Vân Sam 

{keywords}