CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) vừa thông báo cổ đông nội bộ là ông Trần Vũ Minh, con trai Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long, đăng ký mua 20 triệu cổ phiếu HPG trong bối cảnh cổ phiếu này gần đây giảm giá sâu, giống tình trạng chung trên thị trường.
Theo đó, ông Trần Vũ Minh sẽ mua 20 triệu cổ phiếu HPG từ ngày 17/3 đến 16/4/2020, giao dịch theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.
Với thị giá hiện tại, con trai ông Trần Đình Long sẽ phải bỏ ra khoảng 400 tỷ đồng.
Trước đó, trong tháng 2/2020, công ty con trai chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát - Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Đại Phong (Công ty Đại Phong) đã hoàn tất mua vào 1 triệu cổ phiếu HPG.
Hiện tại, ông Trần Đinh Long đang nắm giữ 700 triệu cổ phiếu HPG, tỷ lệ 25,35%, vợ ông Long là bà Vũ Thị Hiền nắm giữ 202,55 triệu cổ phiếu HPG, tương đương 7,34%.
Như vậy, nếu con trai ông Long mua thành công số lượng cổ phiếu đăng ký, gia đình ông Long sẽ nắm giữ khoảng 33,5% cổ phần của Tập đoàn Hòa Phát.
Trong vòng khoảng một tháng rưỡi qua, cổ phiếu HPG giảm giá rất mạnh, mất khoảng 27%, từ mức 26.300 đồng hôm 22/1 xuống 19.250 đồng/cp như hiện tại. Trong 3 phiên gần nhất, HPG có tới 2 phiên giảm sàn.
Ông Đỗ Quang Hiển, bầu Hiển. |
Trước đó, con trai của ông Đỗ Quang Hiển cũng đã mua vào một lượng lớn cổ phiếu SHB của Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội và có thời điểm lãi hơn 200 tỷ sau một tháng. Cụ thể, cuối tháng 1, ông Đỗ Vinh Quang - con trai thứ hai của ông Đỗ Quang Hiển, chủ tịch ngân hàng SHB đã mua thành công 35,9 triệu cổ phiếu SHB theo phương thức khớp lệnh trên sàn từ ngày 15/1-3/2.
Trong khoảng thời gian ông Quang thực hiện giao dịch, giá cổ phiếu SHB trên thị trường chỉ dao động quanh mức 6.000-6.500 đồng/cp. Tuy nhiên, tới 5/3, cổ phiếu này đã tăng lên gần 13 ngàn đồng/cp, trước khi về trở lại mức 11.200 đồng.
Với mức giá này, con trai của "bầu Hiển" vẫn lãi khoảng 200 tỷ đồng.
Trong năm 2019, con trai ông Lê Viết Hải là Lê Viết Hiếu cũng đã trở thành cổ đông của Xây dựng Hòa Bình (HBC). Ông Hiếu đã mua 200 ngàn cổ phiếu HBC trong bối cảnh cổ phiếu này liên tục lao dốc trước đó.
Trong tháng 2/2020, ái nữ Tân Hiệp Phát, bà Trần Uyên Phương thay cha là ông Trần Quý Thanh đầu tư gần 300 tỷ đồng mua 6,05 triệu cổ phần Yeah1 (YEG) trong bối cảnh cổ phiếu này giảm giá mạnh.
Cổ phiếu YEG sau đã tăng mạnh sau khi thông tin về việc bán cổ phần của chủ tịch Nguyễn Ảnh Nhượng Tống cho “đối tác chiến lược”. Cổ phiếu YEG đã tăng mạnh từ mức 38.000 đồng/cp hồi đầu tháng 2 lên mức 83.000 đồng trước khi trở lại mức 71.400 đồng/cp như hiện tại.
Mặc dù chịu áp lực giảm rất lớn, nhưng nhiều cổ phiếu vẫn được đánh giá có triển vọng và sự hấp dẫn tăng cao khi giá giảm mạnh.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản lượng bán thép xây dựng của Hòa Phát trong 2 tháng đầu năm giảm hơn 15% nhưng xuất khẩu sang các thị trường Đông Nam Á cao đột biến, đặc biệt là thị trường Campuchia.
Năm 2020, Hòa Phát đặt mục tiêu xuất khẩu 400.000 tấn thép xây dựng, trong khi kế hoạch tiêu thụ toàn thị trường là 3,6 triệu tấn thép, riêng thị trường miền Nam sẽ tăng trưởng 100% nhờ việc đầu khu liên hợp Hòa Phát Dung Quất ở Quảng Ngãi.
Ngân hàng SHB của ông Đỗ Quang Hiển cũng ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực. Trong năm 2019, lợi nhuận trước thuế của SHB tăng gần 47% lên 3.077 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh, từ mức 2,4% đầu năm xuống 1,83%.
Cổ phiếu SHB tăng vọt còn do ngân hàng này được xem là một trong các ứng cử viên, thuộc 1 trong 2 ngân hàng sẽ được phép nới room ngoại lên 49% theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Theo đó, đối với lĩnh vực ngân hàng, trong vòng 5 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, Việt Nam cam kết sẽ xem xét tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng EU nâng mức nắm giữ cổ phần lên 49% vốn điều lệ tại 2 ngân hàng TMCP của Việt Nam.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), áp lực giảm giá vẫn còn lớn.
Chứng khoán Việt Nam giảm trong bối cảnh chứng khoán thế giới, trong đó có Mỹ tiếp tục giảm mạnh vì dịch Covid-19 lan rộng. Đêm qua, chứng khoán Mỹ giảm gần 10% và rơi sâu hơn vào một thị trường đi xuống. Chứng khoán châu Âu hôm qua giảm 11%.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.
Theo BVSC, VN-Index vẫn đang chịu áp lực giảm điểm mạnh sau khi liên tiếp xuyên thủng các vùng hỗ trợ quan trọng. Chỉ số dự báo sẽ tiếp tục kiểm định vùng hỗ trợ 700-740 điểm trong một vài phiên kế tiếp. Tuy nhiên, theo quan sát của BVSC, trạng thái quá bán trên thị trường đang ở xuất hiện trên diện rộng. Điều này cho thấy mức độ hoảng loạn có phần thái quá của nhà đầu tư trong ngắn hạn. Trên cơ sở đó, BVSC kỳ vọng thị trường sẽ sớm xuất hiện nhịp hồi phục T+ trong tuần tới. Tuy nhiên, kể cả trong kịch bản hồi phục, chỉ số cũng sẽ phải trải qua các nhịp rung giật mạnh tại vùng hỗ trợ BVSC đề cập ở trên. Điểm tiêu cực hiện tại vẫn là những diễn biến bất ngờ của dịch Covid-19 và áp lực bán ròng liên tục của khối ngoại.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/3, VN-Index giảm 42,1 điểm xuống 769,25 điểm; HNX-Index giảm 3,61 điểm xuống 101,92 điểm. Upcom-Index giảm 1,56 điểm xuống 50,92 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 6,2 ngàn tỷ đồng.
V. Hà