Giá trị lớn của tài nguyên vị thế biển
Tài nguyên vị thế biển Việt Nam là các hệ thống thuỷ hệ hoặc địa hệ với cả ba hợp phần nền đất (hoặc đáy), nước và không khí, nằm trong phạm vi chủ quyền quốc gia, bao gồm các vùng bờ, các đảo và quần đảo, các thuỷ vực ven bờ và các vùng nước ngoài khơi.
Tài nguyên vị thế biển Việt Nam được phân định thành ba cấp: Cấp 1 - biển Việt Nam; Cấp 2 - các vùng của biển Việt Nam theo các đới vĩ tuyến hoặc các đới xa bờ; Cấp 3- Các thuỷ hệ - địa hệ thuộc các vùng biển.
Theo đánh giá của các chuyên gia của Viện Tài nguyên và Môi trường biển, “vai trò tài nguyên vị thế biển Việt Nam ngày càng nổi bật và chiếm vị trí quan trọng hàng đầu trong hệ thống tài nguyên biển”.
Trước hết, tài nguyên vị thế biển Việt Nam có tiềm năng sử dụng rất lớn cho các lợi ích phát triển kinh tế - xã hội như phát triển giao thông - cảng, du lịch và dịch vụ, nghề cá biển, phát triển công nghiệp, cơ sở hạ tầng và đô thị hoá và các lĩnh vực kinh tế khác.
Hoạt động kinh tế thị trường đang phát triển rất mạnh trong khu vực, tạo ra nhu cầu liên kết và giao thương to lớn giữa các nước, các địa phương. Trong bối cảnh ấy, lợi thế địa lý của Việt Nam do nằm kề trục lộ xương sống của kinh tế khu vực, đặc biệt khu vực miền Nam và miền Trung ở vị trí bản lề giữa biển và đất liền, ngay tâm hình học của miền Đông Nam châu Á, nếu được phát huy mạnh mẽ sẽ là nguồn tài nguyên vô giá giúp Việt Nam phồn thịnh. Việc phát huy tài nguyên địa chính trị của Việt Nam có thể diễn ra theo hai hướng: Làm cửa ngõ ra biển của nội địa châu Á và làm đầu cầu trên đất liền của con đường giao thương - trên biển và trên không - qua biển Đông.
Mặt khác, tài nguyên vị thế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đảm bảo an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia trên biển. Không gian biển và ven bờ biển Việt Nam là một dạng tài nguyên quân sự, được khai thác và sử dụng triệt để trong chiến tranh chống ngoại xâm. Việc bố trí phòng thủ cũng như lập các phương án tác chiến trước hết phải dựa vào các yếu tố của vị thế như đặc điểm tự nhiên, đặc biệt là địa hình và vị trí địa lý. Các đảo, vùng cửa sông, vịnh biển, vùng thềm lục địa rất có giá trị phân định ranh giới và chủ quyền quốc gia trên biển.
Ngoài ra, tài nguyên vị thế biển còn có ý nghĩa rất quan trọng trong hoạt động bảo tồn tự nhiên. Lợi ích và tầm quan trọng của các khu bảo tồn biển rất lớn, bao gồm cả lợi ích kinh tế trực tiếp (du lịch sinh thái, phát triển nguồn lợi ở vùng chuyển tiếp), lợi ích gián tiếp (văn hoá, khoa học và giáo dục) và lợi ích lan toả (duy trì nguồn giống cho các ngư trường lân cận, nơi ở cho động vật di trú…).
Một số dạng tài nguyên vị thế biển
Các chuyên gia của Viện Tài nguyên và Môi trường biển đã nghiên cứu và phân loại một số dạng tài nguyên vị thế biển như sau.
Một là vùng cửa sông. Hệ thống sông ngòi Việt Nam phát triển khá dày đặc hàng năm, đưa ra biển khoảng 870 tỷ m3 nước và 250 triệu tấn bùn cát, được phân bố trên 10 lưu vực sông chính là các sông Quảng Ninh, sông Hồng - Thái Bình, sông Mã, sông Cả, sông Gianh - Quảng Trị - Hương, sông Thu Bồn, sông Trà Khúc, sông Ba, sông Đồng Nai và sông Mê Kông. Các sông đổ vào biển qua khoảng 114 cửa. Các vùng cửa sông được chia thành hai kiểu là châu thổ và vùng cửa hình phễu. Hai châu thổ lớn là sông Hồng ở phía bắc và Mê Kông ở phía nam, cùng các châu thổ nhỏ như Mã, Cả, Thu Bồn, Đà Rằng… Hai vùng cửa sông hình phễu điển hình là vùng cửa sông Đồng Nai và vùng cửa sông Bạch.
Hai là đầm phá. Ở Việt Nam, các đầm phá tập trung ở miền Trung, nơi giàu nguồn bồi tích cát ven bờ và động lực sóng mạnh và thuỷ triều thường không lớn. Từ Thừa Thiên - Huế tới Ninh Thuận, có 12 đầm phá tiêu biểu, tổng diện tích khoảng 458km2, phân bố trên khoảng 21% chiều dài đường bờ biển Việt Nam. Các đầm phá thường được ví như là các ốc đảo giàu có nằm ở các vùng ven biển nghèo. Chúng có giá trị rất lớn về chức năng sinh thái và môi trường, là các vùng đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản, du lịch, bến cá và nơi trú tránh gió bão rất an toàn.
Ba là vũng vịnh. Các vũng vịnh ven bờ Việt Nam được chia thành 3 cấp cơ bản: Vịnh biển (gulf - Vịnh Bắc Bộ và Vịnh Thái Lan); Vịnh ven bờ (bay - Vịnh Hạ Long, Vịnh Đà Nẵng…); Vũng (bight và shelter - Vũng Rô, Vũng Xuân Đài…). Các vũng có diện tích dưới 50 km2, các vịnh ven bờ có diện tích từ 50 km2 trở lên. Cả nước có tổng số 48 vũng, vịnh với tổng diện tích khoảng 4.000 km2. Các cảng quan trọng hàng đầu của nước ta như Cam Ranh, Văn Phong, Đà Nẵng, Cái Lân... phân bố trong các vịnh gần kín, nửa kín. Nhiều vịnh có cảnh quan đẹp được xếp vào hàng di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới, có giá trị to lớn cho phát triển du lịch như vịnh Hạ Long hai lần được UNESCO công nhận là di sản thế giới, vịnh Nha Trang được bình chọn vào danh sách 29 vịnh đẹp nhất thế giới. Còn các vịnh Bái Tử Long, Cam Ranh có ý nghĩa lớn về phòng thủ quân sự.
Bốn là đảo và quần đảo. Việt Nam có khoảng 3.000 hòn đảo ven bờ với diện tích hơn 1.600 km2, trong đó trên 66 đảo có khoảng 155 nghìn dân sinh sống, tập trung chủ yếu ở vùng ven bờ Đông bắc. Đảo có nhiều giá trị quý như đất sinh cư, du lịch sinh thái, xây dựng kết cấu hạ tầng khai thác biển… Danh sách 15 khu bảo tồn thiên nhiên biển Việt Nam hiện nay đều gắn liền với các đảo. Một số đảo như Thổ Chu, Cồn Cỏ, Đảo Trần… có giá trị là đường cơ sở làm lợi phần lãnh hải cho Tổ quốc.