LTS: Câu chuyện cô giáo Lê Thị Quy, giáo viên chủ nhiệm lớp 9B, trường THCS Tô Hiệu (Thường Tín, Hà Nội) phạt học sinh bằng cách quỳ gối trong giờ học đang thu hút sự quan tâm cũng như ý kiến trái chiều của dư luận những ngày qua. Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết dưới đây của tác giả Nguyễn Duy Xuân như một góc nhìn tham chiếu để độc giả cùng thảo luận. 

Từ một việc “nhỏ như con thỏ”… 

Sự việc xuất phát từ một lá đơn kiến nghị của phụ huynh em N, người bị cô giáo Quy phạt quỳ gối trong giời học toán của mình. 

Xâu chuỗi các thông tin được báo chí phản ánh trong những ngày qua có thể tóm tắt diễn biến sự việc như sau để chúng ta có cái nhìn khách quan, chân thực, công tâm; để không đẩy sự việc đi quá xa, nhất là trong bối cảnh ngành giáo dục và thầy cô giáo đang phải chịu nhiều áp lực từ dư luận xã hội: 

Theo cô Quy, 9B “là lớp có rất nhiều học sinh bướng, nghịch ngợm, hiếu động và phá phách nếu không muốn nói một số em hầu như các giáo viên vào đều khẳng định không thể dạy được”.  

Cô giáo chủ nhiệm từng áp dụng các biện pháp giáo dục đối với những học sinh này như động viên, nhắc nhở, phạt quét lớp, quét sân trường hay đi nhặt cỏ ở các bồn hoa nhưng không mấy hiệu quả. 

Cô giáo từng trao đổi với phụ huynh để phối hợp giáo dục. Hình phạt quỳ được chính các phụ huynh đề xuất và cam kết để cô phạt "nếu học sinh quá hư". 

Bản thân cô Quy cũng ý thức được rằng, “đây là việc không nên làm nhưng đây là phụ huynh đề nghị. Còn những học sinh khác, tôi không phạt như vậy”. 

Cần lưu ý, sự việc xảy ra hồi cuối tháng 1/2019 nhưng mãi hơn 3 tháng sau, phụ huynh mới viết kiến nghị. Cô Quy cho rằng, nút thắt của sự việc có lẽ là khi N. biết được mình thuộc diện không được xét tốt nghiệp Trung học Cơ sở. 

Cuối cùng là phản ứng của lãnh đạo phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Thường Tín cho rằng, hành vi của cô giáo Lê Thị Quy bắt học sinh quỳ trước lớp là không đúng quy định của ngành giáo dục, vi phạm đạo đức nhà giáo và làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh người giáo viên và tạm đình chỉ việc giảng dạy và công tác chủ nhiệm của cô giáo Lê Thị Quy 1 tuần. 

…đến sự nhầm lẫn giữa xử phạt và bạo lực của dư luận 

Theo dõi nhiều vụ xử phạt của giáo viên đối với học sinh được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng trong những năm gần đây, có thể thấy, phản ứng của dư luận có thể gọi là “sôi sùng sục”. Điều đó cũng dễ hiểu bởi nền giáo dục hiện tại của chúng ta đang có nhiều bất cập, đặc biệt là sự xuống cấp của văn hóa học đường. 

Tuy nhiên, phản ứng của dư luận đối với một số vụ việc là thái quá, ngay cả báo chí. Từng có bài báo coi việc giáo viên bắt học sinh quỳ gối là “bạo lực học đường”, rồi chạy tít giật gân “Bao giờ hết cảnh cô giáo phạt học sinh quỳ gối…”. 

Tôi nghĩ đó là một sự nhầm lẫn giữa xử phạt và bạo lực mà dư luận hiện nay đang mắc phải.  

{keywords}
Đừng đánh đồng phạt học sinh quỳ với bạo lực học đường. Ảnh minh họa: Zing

Trường học ở bất cứ nền giáo dục nào cũng có học sinh ngoan, học sinh “hư”. Học sinh “hư” tất nhiên phải giáo dục, đó là thiên chức của nhà trường, của thầy cô giáo. Có rất nhiều biện pháp để hướng học sinh “hư” thành “ngoan” trong đó có cả việc “cho roi cho vọt”, một biện pháp giáo dục không chỉ riêng của cha ông mình, của xứ sở mình. 

Tìm hiểu qua truyền thông tôi được biết, nền giáo dục ở các nước như Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc,… vẫn duy trì việc xử phạt học sinh bằng roi (có quy định cụ thể, có giám sát hoặc có sự đồng ý của phụ huynh) đối với những trường hợp vi phạm lặp lại hoặc nghiêm trọng. 

Đã trải qua những năm tháng của đời học sinh, đã đi trọn đời nhà giáo, tôi cũng như nhiều đồng nghiệp, chưa bao giờ thấy ai gọi những cách xử phạt của thầy đối với trò như gõ thước vào tay, quỳ gối,… là hành vi bạo lực. Hai chữ “bạo lực” gán cho học đường chỉ mới xuất hiện gần đây khi thông tin đại chúng được tiếp sức bằng công nghệ hiện đại; khi xã hội chứng kiến quá nhiều sự tha hóa, xuống cấp về đạo đức, lối sống giữa thời kim tiền. 

Bàn đến chuyện này, lại phải viện đến khái niệm về bạo lực. Tham khảo định nghĩa của Wikipedia, bạo lực là hành vi sử dụng sức mạnh thể chất với mục đích gây thương vong, tổn hại một ai đó. Còn bạo lực học đường là những hành vi thô bạo, ngang ngược, bất chấp công lý, đạo lý, xúc phạm trấn áp người khác gây nên những tổn thương về tinh thần và thể xác diễn ra trong phạm vi trường học.

Phạt học sinh quỳ gối vì tội không nghe lời thầy cô, vì tùy tiện bỏ học, vì lười học,… để các em tiến bộ hơn liệu có thể quy vào loại hành vi như định nghĩa trên không? 

Trên báo VietNamNet đang có cuộc thăm dò phản ứng của dư luận về việc “Giáo viên có nên phạt học sinh bằng cách quỳ?”, kết quả tính đến 15h, 14/5/2019 có 85,22% đồng ý, 14,78% không đồng ý. 

Điều đó cho thấy, trước vụ việc cô giáo Quy bắt học sinh quỳ gối trong giờ học, dư luận đã bình tĩnh hơn, không bị lôi kéo bởi “hiệu ứng đám đông” để có một cái nhìn đúng mực, công tâm. 

Xin đừng tước đi quyền dạy người của người thầy 

Tôi là người phản đối quyết liệt với bạo lực học đường. Tôi cũng đã từng chỉ ra (theo suy nghĩ của cá nhân mình) rằng, gia đình có vai trò căn bản làm nền tảng cho việc giáo dục thế hệ trẻ. Nhưng tôi cũng không đồng tình với việc tước đi quyền được dạy người của thầy cô giáo. 

Xã hội giao cho họ không chỉ việc dạy chữ, mà quan trọng hơn là việc dạy người. Thiên chức ấy của giáo dục từ ngàn đời nay là bất biến. Người thầy không thể thực hiện thiên chức ấy của mình theo kiểu như công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” tức là đến giờ vào lớp, hết giờ ra lớp một cách vô cảm.  

Còn phản ứng của lãnh đạo ngành giáo dục địa phương đình chỉ giảng dạy 1 tuần đối với cô giáo Quy, tôi nghĩ là một động thái vội vã. 

Người thầy trong bối cảnh hiện nay, bước chân đến trường hay đứng trên bục giảng, đối mặt đủ thứ, nào học sinh “hư”, bướng bỉnh; nào phản ứng của phụ huynh; lo bảo toàn danh dự cá nhân, tập thể; lo “nồi cơm” của mình…, vũ khí giáo dục tối thiểu bị tước, hỏi còn làm được gì để dạy người? 

Đọc nhiều ý kiến xung quanh vụ này, có một góc nhìn mà theo tôi rất đáng để những người có trách nhiệm với con cái, với thế hệ mai sau phải suy ngẫm: “muốn có đạo đức thì việc đầu tiên là phải trả lại cái uy cho thầy cô giáo, không phải cứ bảo xã hội hóa rồi phụ huynh muốn làm gì thì làm, không rèn giũa học sinh từ lúc còn đi học thì sau này không còn đạo đức nữa đâu”.  

Nguyễn Duy Xuân