Phát biểu trên được TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đưa ra tại Hội thảo chuyên đề 3, xu hướng công nghệ và giải pháp phát triển ngành công nghiệp năng lượng của Việt Nam trong chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá đến năm 2030, tầm nhìn 2045 ngày 14/6.

Theo lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Quy hoạch Điện VIII đã xác định mục tiêu cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021-2030, khoảng 6,5-7,5%/năm trong giai đoạn 2031-2050; phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 30,9-39,2% vào năm 2030, hướng tới mục tiêu tỷ lệ năng lượng tái tạo 47% với điều kiện các cam kết theo Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với Việt Nam được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất.

"Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%", ông Hiển cho biết.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về công nghệ 4.0 năm 2023 diễn ra tại Hà Nội.

Tuy nhiên, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương nhìn nhận, trữ lượng và sản lượng sản xuất ngày than, dầu thô và khí suy giảm hằng năm. Yêu cầu nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn là một vấn đề trong quá trình phát triển ngành công nghiệp năng lượng Việt Nam, vì nó làm giảm khả năng tự chủ về năng lượng, tăng sự phụ thuộc vào các nền kinh tế khác.

Tình hình phát triển của ngành công nghiệp năng lượng thế giới thời gian qua cho thấy, có sự chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp năng lượng với sự thay đổi của các chính sách, cơ cấu, công nghệ: từ sản xuất, tiêu thụ các nguồn nhiên liệu hóa thạch truyền thống (than, dầu, khí tự nhiên) sang các nguồn năng lượng tái tạo bền vững (gió, mặt trời, sinh khối... ).

"Việt Nam cần tập trung phát triển ngành công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, lưu trữ điện năng, công nghệ thu hồi, hấp thụ, lưu trữ và sử dụng các-bon... trong nước để chủ động khai thác tiềm năng sẵn có của nước ta, tăng tính độc lập tự chủ, giảm giá thành sản xuất điện từ năng lượng tái tạo", lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương chia sẻ.

Việt Nam bắt đầu nhập khẩu điện từ Trung Quốc vào năm 2005. Sản lượng điện nhập khẩu từ Trung Quốc liên tục tăng, đạt đỉnh 5,6 tỷ kWh vào năm 2010, chiếm 5,6% tổng sản lượng điện trong nước. Đó là giai đoạn 2004-2010, miền Bắc thiếu điện nghiêm trọng.

Từ khi Nhà máy Thủy điện Sơn La đi vào hoạt động (năm  2011), cùng với một loạt nhà máy điện lớn được đưa vào vận hành, miền Bắc đã có đủ điện.

Nhập khẩu điện từ Lào bắt đầu từ năm 2016, thông qua thỏa thuận hợp tác liên Chính phủ. 

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, những năm gần đây, lượng điện nhập khẩu từ Lào khoảng 7 triệu kWh một ngày và Trung Quốc 4 triệu kWh. So với sản lượng điện tiêu thụ tại miền Bắc 445-450 triệu kWh một ngày thì tỷ trọng điện nhập khẩu này rất thấp, chỉ chiếm 1-1,5% tổng sản lượng điện của Việt Nam.