Ngày 4-10, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) và Hiệp hội các nghiệp đoàn ngành dịch vụ lưu trú Ryokan và khách sạn toàn Nhật Bản đã ký Bản ghi nhớ hợp tác về đẩy mạnh tiếp nhận lao động kỹ năng đặc định Việt Nam ngành Dịch vụ lưu trú và khách sạn sang làm việc tại Nhật Bản.
Bản ghi nhớ này sẽ thiết lập khung hợp tác hai bên thúc đẩy các hoạt động, hợp tác trong việc phái cử và tiếp nhận lao động kỹ năng đặc định Việt Nam trong lĩnh vực lưu trú và khách sạn làm việc tại Nhật Bản.
Đại diện các nghiệp đoàn Nhật Bản, cho biết người lao động các nước làm việc theo chương trình kĩ năng đặc định sẽ có thời gian làm việc 5 năm tại Nhật. Có mức lương tương đương lao động người Nhật. Ngoài ra còn có chế độ phúc lợi, chỗ ở, chăm sóc y tế cao hơn chương trình thực tập sinh (TTS) hiện tại. Đáng chú ý, với chương trình kĩ năng đặc định, người lao động có quyền nhảy việc.
Trước đó, dù Việt Nam và Nhật Bản chưa ký hiệp định về chương trình kĩ năng đặc định nhưng anh Vũ Đình Diệp (32 tuổi), sau khi hết hạn hợp đồng ba năm thuộc chương trình TTS đã được Công ty cổ phần Osawa, thành phố Toyama tiếp nhận làm việc từ ngày 17-6, với thời hạn năm năm.
TTS Việt Nam làm việc tại Nhật Bản. |
Theo thống kê của Cục quản lý lao động ngoài nước, đến nay đã có 250.000 TTS Việt Nam sang tu nghiệp và thực tập tại Nhật Bản. Riêng năm 2018, tổng số TTS sang Nhật Bản đạt gần 70.000 người, chiếm hơn 50% số lượng tiếp nhận của Nhật Bản và Việt Nam đã trở thành quốc gia phái cử nhiều nhất trong số 15 nước phái cử TTS sang Nhật Bản.
Hiện có gần 200.000 TTS Việt Nam đang thực tập tại Nhật Bản. Ngoài ra, hàng năm, Việt Nam cũng phái cử hàng nghìn kỹ thuật viên sang Nhật Bản theo diện lao động kỹ thuật. Theo số liệu thống kê, hiện tại có khoảng trên 30.000 lao động kỹ thuật của Việt Nam đang làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp của Nhật Bản.
Nhật tiếp nhận 345.150 lao động từ các nước Kể từ ngày 1-4-2019, Luật Quản lý xuất nhập cảnh sửa đổi, cho phép tiếp nhận lao động kỹ năng đặc định người nước ngoài vào làm việc tại Nhật Bản Theo đó trong 5 năm tới, phía Nhật Bản sẽ tiếp nhận lao động trong 14 ngành với tổng số lượng 345.150 người. Cụ thể, ngành xây dựng (40.000 người), đóng tàu (13.000 người), nông nghiệp (36.500 người), thực phẩm ( (34.000 người), nhà hàng ăn uống (53.000 người), ngư nghiệp (9.000 người), vệ sinh tòa nhà (37.000 người), công nghiệp rèn đúc (21.500 người), điện, thông tin điện tử (4.700 người), bảo dưỡng/ sửa chữa ô tô (7.000 người), hàng không phục vụ mặt đất và bốc xếp hành lý (2.200 người), hộ lý chăm sóc người cao tuổi (60.000 người), hàn cơ khí (5.250 người), lưu trú khách sạn (22.000 người). |
(Theo Pháp luật TP.HCM)